(GLO)-UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030.
Thông qua Chương trình hành động này nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 07-NQ/TU, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững để Gia Lai trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Vẻ đẹp hùng vĩ của những cánh đồng điện gió thu hút du khách tham quan. Ảnh Phạm Quý |
Trên tinh thần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; Chương trình hành động của tỉnh đã đặt ra nhiệm vụ chung về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư; về khoa học công nghệ. Từ đó, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, bao gồm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô khoảng 8.621 ha, các dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô khoảng 8.404 ha, dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mang Yang với quy mô khoảng 328 ha; các dự án công nghiệp chế biến, bao gồm các dự án nhóm lĩnh vực logistics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, nhóm các nhà máy chế biến nông sản, nhóm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…; các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối; thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án thuộc lĩnh vực du lịch bao gồm các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với tổng quy mô khoảng 9.500 ha, các dự án di tích, đô thị, vui chơi giải trí với tổng quy mô khoảng 600 ha, các dự án công viên với tổng quy mô khoảng 520 ha tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Chương trình hành động cũng nêu rõ, đối với nguồn lực tài chính để thực hiện bao gồm từ nguồn vốn xã hội hóa, thu hút đầu tư dự kiến 194 ngàn tỷ đồng và các nguồn lực khác từ đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo ra quỹ đất để thu hút đầu tư. Đối với nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao về công tác tại tỉnh. Đối với khoa học công nghệ, ứng dụng các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án về khoa học công nghệ của Trung ương và của tỉnh để thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả. Đối với cơ chế, chính sách, áp dụng các cơ chế chính sách, chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh một cách linh hoạt.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TU. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; chủ động xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, các thủ tục liên quan bảo đảm điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng việc giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3 và 4 giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chi phí, tăng sự rõ rõ ràng, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính…
Định kỳ trước ngày 30-11 hàng năm, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động theo quy định.
HUỆ NGUYÊN