Gia Lai có nhiều tiềm năng, phù hợp xu hướng du lịch hậu Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những tiềm năng du lịch, thiên nhiên ít chịu sự tác động của con người, Gia Lai được các doanh nghiệp lữ hành đánh giá là mảnh đất có lợi thế, đặc biệt cho xu hướng thời kỳ du lịch hậu COVID-19.

Du khách chụp ảnh trước thác K50 ở huyện Kbang. Ảnh: T.T
Du khách chụp ảnh trước thác K50 ở huyện Kbang. Ảnh: T.T
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, địa phương có các thắng cảnh, điểm du lịch sinh thái nổi bật như thác K50 ở huyện Kbang, thác Mơ, làng chài Sê San ở huyện Ia Grai…
Tại các điểm du lịch này, đoàn khảo sát chủ yếu là các doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh đánh giá mức độ an toàn cho du khách khi trekking, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, nhất là thời gian có thể lưu lại để có kế hoạch xây dựng tour phù hợp với từng đối tượng.
Tại các điểm đến trung tâm và vùng ngoại vi phố núi Pleiku như học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Biển Hồ chè - chùa cổ Bửu Minh, Biển Hồ nước, núi lửa Chư Đang Ya… Các doanh nghiệp lữ hành quan tâm tới các hoạt động trải nghiệm để kéo dài thời gian lưu trú cho du khách.
Bên cạnh đó, mức độ an toàn phòng dịch, cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ sau thời gian ngưng đón khách cũng được các doanh nghiệp khảo sát, đề xuất ngành chức năng lưu tâm thực hiện, để phục vụ du khách chu đáo.
Cửa hàng đặc sản mang đặc trưng riêng của từng địa phương cũng cần trưng bày, giới thiệu tại các điểm dừng chân, nghỉ mát, để tạo thêm nguồn thu nhập cho người bản địa và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tâm lý du khách thường muốn mua sản vật của vùng đất họ đi qua.
Liên quan đến phát triển du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên núi rừng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai vừa đề xuất UBND tỉnh thực hiện dự án đường giao thông xuyên rừng từ huyện Kbang (Gia Lai) đi huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.
Với quy mô đầu tư cứng hóa mặt đường bằng bê tông ximăng rộng trung bình từ 3 - 5m, đường mới bám theo đường mòn cũ hiện trạng, kinh phí khoảng 15 tỉ đồng.
Nếu thực hiện, dự án sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa. Tuyến đường xuyên rừng cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của 3 huyện gồm: Kbang (Gia Lai), Kon Rẫy và Kon Plông (Kon Tum) qua quốc lộ 24.
Nhiều thắng cảnh ở Gia Lai chưa có bàn tay tác động của con người, khung cảnh thiên nhiên núi rừng còn hoang sơ, kỳ vỹ. Trong khi xu hướng du lịch của du khách hậu COVID-19 được đánh giá là khao khát trở về tự nhiên, không gian rộng lớn, hạn chế tiếp xúc…
Theo Thanh Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.