Giả danh Bệnh viện Chợ Rẫy, dụ nhiều cặp vợ chồng đón 'song thai rồng phượng' giá 25 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phòng khám quảng cáo điều trị hiếm muộn lấy tên Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng khi liên hệ theo số điện thoại trên trang Facebook này thì được hướng dẫn đến trụ sở của Bệnh viện An Sinh.

Ngày 7-10, Sở Y tế TPHCM cho biết, thông qua phản ánh của các cơ quan truyền thông về việc xuất hiện một trang Facebook có tên “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” thu hút nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến tư vấn thụ tinh ống nghiệm đón “song thai rồng phượng” với chi phí 25 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc để làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Sở Y tế TPHCM, phòng khám quảng cáo điều trị hiếm muộn lấy tên Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng khi liên hệ theo số điện thoại trên trang Facebook này thì được hướng dẫn đến số 10 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận là trụ sở của Bệnh viện An Sinh.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) – Công an TPHCM, cùng chuyên gia thụ tinh ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ đến kiểm tra, xác minh thông tin tại Bệnh viện đa khoa An Sinh.

Qua kiểm tra, bác sĩ P.T.T. xuất trình chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phụ sản do Sở Y tế TPHCM cấp năm 2020, có bằng chuyên khoa cấp I chuyên ngành sản phụ khoa do Đại học Y Dược TPHCM cấp, và có chứng chỉ đào tạo hỗ trợ sinh sản, xét nghiệm tinh dịch đồ và các chứng chỉ, chứng nhận khác.

Tại buổi làm việc, bác sĩ P.T.T. khẳng định 2 trang Facebook có nội dung mạo danh “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” không phải do mình lập ra và không vào những trang này để móc nối người bệnh đến Bệnh viện An Sinh khám bệnh, chữa bệnh hiếm muộn.

Hiện Thanh tra Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý có thẩm quyền tiếp tục điều tra làm rõ.

Trước đó, chiều 6-10, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đã mời đại diện ban giám đốc các bệnh viện có liên quan để làm rõ vấn đề này. Đại diện Bệnh viện An Sinh cho biết, bệnh viện có ký “Hợp đồng hợp tác” với bác sĩ này, công việc chính là khám và tư vấn cho người bệnh. Còn đại diện Bệnh viện Vạn Hạnh cho biết, có ký “Hợp đồng lao động” với bác sĩ trên, làm việc 2 giờ/tuần vào ngày Chủ nhật với công việc là khám và tư vấn cho người bệnh.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các bệnh viện này rà soát, kiểm tra lại việc tuân thủ các quy định liên quan đến người hành nghề khám chữa bệnh, kiểm tra và củng cố các quy trình khám chữa bệnh, tư vấn cho người hiếm muộn, tránh để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo trên các nền tảng xã hội.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của đơn vị hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã được Bộ Y tế cấp phép, phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến hỗ trợ sinh sản.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn và quyền lợi người bệnh, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện có thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cần rà soát, cập nhật quy trình chuyên môn trong tiếp nhận, khám, tư vấn và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải đảm bảo do chính nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện theo đúng quy trình đã ban hành.

Phổ biến quy trình cho toàn thể nhân viên bệnh viện biết, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình của nhân viên y tế, đảm bảo tất cả nhân sự tham gia hành nghề tại bệnh viện phải được đăng ký, cập nhật với cơ quan quản lý theo quy định.

“Thời gian qua, các đối tượng xấu đã tạo trang mạng có giao diện gần giống trang của các bệnh viện, lấy tên gọi các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành để thực hiện hành vi lừa đảo người có nhu cầu thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trang mạng giả mạo, quảng cáo trái phép,… chủ động báo cáo về Thanh tra Sở Y tế để phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Đồng thời khuyến cáo người dân khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.