Giá cà phê tại vùng nguyên liệu Tây nguyên hiện dao động quanh mức 35.500 đồng/kg. Theo Bộ NN-PTNT, đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua, nếu so với cuối năm 2017 giá cà phê giảm khoảng 500 đồng/kg.
Trong ngắn hạn giá cà phê chưa có dấu hiệu khởi sắc. |
Nguyên nhân giá cà phê VN chưa có dấu hiệu khởi sắc là do ảnh hưởng từ thị trường thế giới hiện cung vượt cầu. Giá cà phê xuất khẩu bình quân của VN trong 4 tháng đầu năm đã giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2017, hiện chỉ còn 1.936 USD/tấn. Vì giá giảm nên dù lượng xuất khẩu tăng nhẹ nhưng giá trị giảm mạnh. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 825.000 tấn, trị giá 1,6 tỉ USD, tăng 1,8% về lượng nhưng giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ Công thương, không chỉ giá cà phê trong nước giảm mạnh theo giá thế giới mà hoạt động mua bán diễn ra chậm chạp, bởi theo dự báo, thị trường cà phê toàn cầu khó khởi sắc trong tháng 6. Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 7 giảm 1,7% xuống còn 1.732 USD/tấn; kỳ hạn tháng 9 giảm 1,3% xuống còn 1.723 USD/tấn; kỳ hạn tháng 11 giảm 1% xuống mức 1.729 USD/tấn.
Đối với hợp đồng giao kỳ hạn tháng 1-2019, giá cà phê robusta có nhích lên một ít, đạt mức 1.733 USD/tấn. Ngoài ra, yếu tố USD tăng giá so với đồng real của Brazil đã kích thích nông dân nước này đẩy mạnh bán cà phê ra, gây áp lực dư cung. Không chỉ thế, giá cà phê trong nước còn chịu áp lực khi Indonesia đã bắt tay vào thu hoạch vụ mới và vụ mùa hiện tại của Brazil đang gặp thuận lợi về thời tiết, dự báo nguồn cung sẽ tiếp tục tăng.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu cà phê của VN vẫn có một số tín hiệu tích cực về chủng loại xuất khẩu. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 41.700 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,6% về trị giá. Về thị trường, Đức và Mỹ vẫn là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của VN với thị phần lần lượt là 13 và 11%. Trong những tháng đầu năm nay, xu hướng xuất khẩu cà phê của VN vào thị trường Mỹ giảm trên 11%. Tuy nhiên, một số thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh như: Indonesia (gấp 9,4 lần), Nga (77%), Philippines (59%) và Nhật Bản (15%).
Chí Nhân/thanhnien