Gấp rút kích hoạt du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lộ trình khôi phục du lịch, TP HCM xác định 3 giai đoạn từ đón khách nội vùng, mở rộng tour tuyến liên tỉnh và duy trì quảng bá xúc tiến để có thể đón khách quốc tế trở lại vào năm sau
Chiều 16-10, Sở Du lịch TP HCM tổ chức hội nghị triển khai "Kế hoạch phục hồi du lịch TP HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022".
Phục hồi theo 3 giai đoạn
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết việc triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19, thể hiện sự chuẩn bị của ngành du lịch cho từng giai đoạn hồi phục. Ngành du lịch, TP xác định rõ nguyên tắc, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từng giai đoạn; bảo đảm từng bước đi, có tính ổn định và phù hợp với thực tiễn.
Lộ trình phục hồi ngành du lịch của TP HCM sẽ được chia làm 3 giai đoạn theo nguyên tắc "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn". Cụ thể, giai đoạn 1 (trong tháng 10-2021): Mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh. Khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại TP HCM có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%. Đặc biệt, ngay trong tháng 10-2021, TP yêu cầu ngành du lịch cần nghiên cứu các thị trường du lịch quốc tế đã kiểm soát dịch Covid-19 và thị trường tiềm năng cho ngành du lịch trên địa bàn để đặt trọng tâm hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; kết nối các kênh truyền thông quốc tế có uy tín chuẩn bị cho lộ trình mở cửa ngành trong năm 2022.
 
Các doanh nghiệp du lịch và đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn TP HCM ký kết hợp tác nhằm sớm đón khách, khôi phục ngành du lịch Ảnh: Bình An
Các doanh nghiệp du lịch và đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn TP HCM ký kết hợp tác nhằm sớm đón khách, khôi phục ngành du lịch. Ảnh: Bình An
Giai đoạn 2 (trong tháng 11 và 12-2021): Đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.
Giai đoạn 3 (trong năm 2022): Khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), khẳng định tổng công ty đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương nơi có cơ sở của tập đoàn cho lộ trình khôi phục trở lại.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP, thông tin vừa qua, TP đã làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) để thí điểm tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín từ giữa tháng 10. Từ nay đến cuối tháng 10, TP sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2 của kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa từ tháng 11-2021.
Đưa tour lên sàn thương mại điện tử
Ghi nhận thực tế đến thời điểm này, không chỉ một số công ty lữ hành khôi phục lại lộ trình tour tuyến, mở bán tour đi Cần Giờ, Củ Chi cho khách là lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 mà đã có những tín hiệu tích cực từ tour liên tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Saco Travel, thông tin ngày 18-10, một đoàn khoảng 60 khách sẽ khởi hành đi tour liên tỉnh của công ty từ TP tới Tây Ninh. Đây là tour đón khách thương mại đầu tiên của doanh nghiệp (DN) này sau thời gian dài tạm ngừng vì dịch Covid-19. Sắp tới đây, Saco Travel sẽ tiếp tục mở tour liên tỉnh tới Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng. "Quan trọng lúc này là chờ bộ tiêu chí an toàn du lịch áp dụng đồng bộ trên cả nước, ở các điểm đến, tạo thuận lợi nhất cho cả DN và du khách để ngành du lịch sớm phục hồi nhanh nhất" - ông Tấn nói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist, cũng bày tỏ quyết tâm: "An toàn đến đâu, chúng tôi mở tour đến đó". Ghi nhận tại DN này, các tour Củ Chi, Cần Giờ, nội đô TP đã được mở bán từ ngày 11-10 đến nay và sắp đến sẽ là tour Tây Ninh, tour trong khu vực miền Trung thông qua chương trình kết nối giữa ngành du lịch TP và các tỉnh, thành.
Một trong những nỗ lực khôi phục du lịch TP thời gian tới của ngành du lịch trên địa bàn là hợp tác với các DN du lịch và điểm đến để phát triển du lịch "không chạm", đưa tour lên sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị, Sở Du lịch TP công bố thông tin Traveloka Việt Nam sẽ đồng hành với ngành du lịch TP trong chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, sẽ phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch "không chạm" và các chiến dịch giới thiệu sản phẩm du lịch đến với du khách trong và ngoài nước. Shopee Việt Nam cùng ngành du lịch TP triển khai sàn thương mại điện tử về du lịch nhằm hỗ trợ các DN xây dựng gian hàng ảo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ và tiếp cận người dùng; hỗ trợ DN du lịch tăng tương tác với người dùng trên nền tảng online…
Theo Sở Du lịch TP HCM, bên cạnh sự liên kết công - tư còn có sự liên kết, hợp tác giữa 30 DN lữ hành và điểm đến trên địa bàn TP. Đây chính là chìa khóa thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. 
Tặng 100.000 voucher du lịch cho lực lượng tuyến đầu
Nhân hội nghị, ngành du lịch TP HCM tiếp tục phát động Chương trình 100.000 voucher du lịch TP dành cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Dù mới phát động trong thời gian ngắn nhưng chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp với tổng giá trị đợt 1 lên đến 48 tỉ đồng.
Tham gia chương trình, Saigontourist Group đã tặng 15.000 phiếu quà tặng dịch vụ khách sạn và ăn uống với tổng giá trị 30 tỉ đồng, Tập đoàn Vingroup trao tặng sản phẩm du lịch với tổng giá trị 10 tỉ đồng, Techcombank tặng sản phẩm du lịch trị giá 5 tỉ đồng, Tập đoàn Masan tặng sản phẩm du lịch trị giá 3 tỉ đồng...
THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.