Duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để làm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lần đầu tiên nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu, trong đó có 2 "ông lớn" là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), đồng loạt kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Lý do ngoài việc quỹ này không còn phù hợp với chu kỳ điều hành mới thì còn bởi các đầu mối xăng dầu đã quá ngao ngán.

"DN phải làm bảng kê, báo cáo, kiểm kê rồi thanh tra, kiểm tra... Số lượng mà Petrolimex phải thực hiện rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm. Rất khổ!" - đầu mối xăng dầu chiếm thị phần hàng đầu than. "Mỗi kỳ điều hành giá, DN cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ được sử dụng thế nào, trích ra sao? Nhà nước xây dựng quỹ với thiện chí hỗ trợ người dân nhưng người dân không cảm nhận được, phản đối kịch liệt thì duy trì quỹ để làm gì?" - đại diện PVOil thẳng thắn.

Chưa bàn về cái khó, cái khổ của các "ông lớn" xăng dầu vốn được cho là "con cưng" của Bộ Công Thương với nhiều ưu ái, chỉ xét bản chất và ý nghĩa ban đầu của Quỹ BOG thì thấy không còn lý do để tồn tại. Bởi lẽ, Quỹ BOG được hình thành từ tiền người dân đóng góp, chẳng khác nào chiếm dụng trước nguồn vốn của dân để bình ổn giá cho chính họ.

Gần 10 năm trước, một chuyên gia xăng dầu khi trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Động đã ví von: "Nếu hỏi người dân thì chắc chắn họ không đồng tình với việc mỗi ngày đi chợ, mua được hàng giá rẻ thì mang tiền dư của mình đưa cho hàng xóm giữ hộ, đến hôm giá đắt thì sang nhà hàng xóm xin lại tiền bù vào. Quỹ BOG về bản chất cũng giống như vậy nên nó hoàn toàn không cần thiết".

Không phải đến bây giờ Quỹ BOG mới hết sứ mệnh mà từ lâu, nó vốn đã không phát huy được vai trò, giá trị, không đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Rõ ràng không ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức "bỏ tiền ra cho người khác giữ" trong khi rất khó kiểm soát đồng tiền của mình được sử dụng ra sao.

Việc loại bỏ Quỹ BOG lẽ ra nên thực hiện sớm hơn, song bây giờ vẫn chưa quá muộn. Một loại quỹ bình ổn được vận hành nhiều năm nhưng không thật sự giúp bình ổn được thị trường, nhất là thời điểm giá dầu thế giới biến động với biên độ rất mạnh; bị nghi ngờ về tính minh bạch; lại còn khiến người có trách nhiệm nắm giữ cảm thấy "rất khổ"... thì xét chiều nào cũng thấy không cần giữ lại.

Chưa kể, không chỉ là nghi ngờ mà thực tế đã có nhiều DN vi phạm trong sử dụng Quỹ BOG. Cuối năm ngoái, Thanh tra Chính phủ chỉ ra 7/15 đầu mối sử dụng Quỹ BOG sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của DN, với số tiền lên đến 7.900 tỉ đồng. Đầu năm nay, Bộ Công Thương có văn bản nhắc nhở 11 DN đầu mối như Nam Sông Hậu, Trung Linh Phát, Appollo Oil, Phúc Lộc Ninh... phải nghiêm túc gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề Quỹ BOG.

Như vậy đến nay, nhiều DN không rõ vô ý hay cố tình vẫn không thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Điều này cho thấy việc duy trì quỹ này là bất cập bởi tạo ra kẽ hở dẫn đến bị trục lợi, khiến niềm tin của người dân giảm sút và đi ngược với nguyên tắc thị trường.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.