Duy trì nghề dệt thổ cẩm: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không hoạt động đơn lẻ, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều làng trên địa bàn tỉnh đã tập hợp nhau lại để thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm. Nương tựa vào nhau, giúp nhau hoàn thiện tay nghề là cách chị em mang lại sức sống mới cho thổ cẩm và tăng thu nhập.
Độc đáo thổ cẩm làng Bồ
Trong cái nắng nhuộm vàng khoảng sân nhà, chị Rơ Châm H'Panh-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Yok, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Bồ (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cùng các chị em lên khung cửi, tiếp tục hoàn thiện những tấm thổ cẩm dang dở. Từng đường nét hoa văn đẹp mắt, nhiều sắc màu dần hiện ra. Tay ai cũng thoăn thoắt luồn từng sợi chỉ mảnh khiến cho tấm vải được nối dài thêm.
Thành lập từ năm 2017, CLB Dệt thổ cẩm làng Bồ có 8 thành viên, trong đó trẻ tuổi nhất là chị H'Panh (28 tuổi), lớn tuổi nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất là bà Rơ Châm Ói (53 tuổi). “Tôi thấy chị em biết dệt trong làng ngày càng ít đi trong khi nhu cầu sử dụng thổ cẩm vẫn nhiều. Câu lạc bộ dệt thổ cẩm ra đời với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập”-chị H'Panh cho biết.
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah). Ảnh: Đ.T
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah). Ảnh: Đ.T
Những lúc rảnh rỗi, các thành viên trong CLB lại cùng tập trung dệt vải. Qua từng lời chỉ dẫn, góp ý, tay nghề của các thành viên trong nhóm ngày càng được nâng cao. Bà Rơ Châm Ói bày tỏ: “Nhiều chị em khi mới tham gia chỉ biết dệt đơn giản, chưa biết tạo hoa văn nhưng nhờ chăm chỉ học hỏi mà biết dệt đẹp hơn”. Cũng theo bà, để thu hút khách hàng, quan trọng nhất là nắm bắt và biết cách tạo hoa văn độc đáo. Khi trang phục truyền thống không thay đổi nhiều về kiểu dáng thì sức sống của chúng thể hiện qua đường nét hoa văn. Không chỉ đơn giản là những đường đối xứng thông thường, hoa văn thổ cẩm Jrai ngày nay cũng có nhiều thay đổi. “Giống như trang phục hiện đại, hoa văn, họa tiết của thổ cẩm cũng đổi khác theo thời gian và thị hiếu của người mặc. Hiện tại, khách hàng rất thích các hoa văn như cây nêu, con chim, nhà sàn… Tùy theo yêu cầu mà chúng tôi tự sáng tạo chứ không theo một khuôn mẫu nào cả”-bà Rơ Châm Ói chia sẻ.
Mỗi khi khách đặt hàng, CLB lại phân công công việc cho từng người, đảm bảo ai cũng có việc làm. Nhờ tay nghề cao mà sản phẩm của CLB làm ra lúc nào cũng đắt hàng. Tiếng lành đồn xa, khách hàng từ các địa phương lân cận cũng tìm đến. Chị H'Panh cho hay: “Trung bình mỗi chị dệt được khoảng 3-4 bộ/tháng. Dù chưa phải là nguồn thu chính nhưng công việc này cũng giúp chị em có thêm đồng ra đồng vào, hơn hết là giữ được tình yêu với nghề dệt truyền thống”.
Nối dài những tấm thổ cẩm
Trong những nghề truyền thống còn được lưu giữ, dệt thổ cẩm có nhiều thế mạnh để phát triển, hòa với nhịp sống hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp riêng. Đáng mừng là ngày càng có nhiều chị em ở các ngôi làng Jrai, Bahnar ý thức rõ sự cần thiết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị và tạo sinh kế từ nghề dệt thổ cẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều CLB quy tụ đội ngũ nghệ nhân dệt thổ cẩm đủ mọi lứa tuổi, có tay nghề cao, sức sáng tạo dồi dào và có tình yêu vô bờ với nghề dệt. Có thể kể đến Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Glar, CLB Dệt thổ cẩm xã A Dơk (huyện Đak Đoa), CLB Dệt thổ cẩm xã Biển Hồ (TP. Pleiku), CLB Dệt thổ cẩm Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah), CLB Dệt thổ cẩm xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), CLB Dệt thổ cẩm xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa)… Nhìn chung, các CLB đều duy trì hoạt động ổn định, số chị em biết dệt ngày càng tăng. Đặc biệt, đội ngũ này đang ngày càng được trẻ hóa.
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah). Ảnh: Đức Thụy
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah). Ảnh: Đức Thụy
Chị Hồ Thị Viên (29 tuổi, làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) cho biết: Từ nhỏ, chị đã quen với hình ảnh mẹ ngồi dệt vải. Khi đôi tay đã đủ sức để kéo sợi, chị được mẹ dạy cho dệt. Tình yêu với thổ cẩm ngày càng lớn dần trong cô gái trẻ. Không chỉ dệt những tấm vải đẹp, chị còn tìm cách sáng tạo để chúng phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Những bộ váy áo kiểu dáng hiện đại, chiếc mũ, tấm khăn choàng cổ hay túi xách, ví cầm tay… thổ cẩm là những sản phẩm chị Viên tự mày mò làm nên. Khi đã có nhiều khách hàng, chị tập hợp chị em biết dệt trong làng cùng tham gia, giúp mọi người có thêm thu nhập và giữ tay nghề. “Trong Lễ hội Dâu da đỏ vừa rồi, tổ dệt chúng tôi đã bán được kha khá sản phẩm. Khách hàng rất thích những chiếc túi xách có họa tiết, hoa văn truyền thống đẹp mắt. Vì làm hoàn toàn thủ công nên giá hơi cao tuy nhiên mọi người vẫn ủng hộ”-chị Viên cho hay.
Th.S Hoàng Thanh Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Trong quá trình điền dã, chị Hương đánh giá cao mô hình hoạt động CLB đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục thổ cẩm. Chị Hương nhấn mạnh: “Một trong nhiều giải pháp để giữ được nghề dệt và phát triển nó trong đời sống hôm nay chính là thành lập các CLB dệt thổ cẩm truyền thống. Tại các CLB, chị em có thể truyền nghề cho nhau, người giỏi chỉ cho người mới học, chia sẻ kinh nghiệm dệt, tạo hoa văn, phối màu, cách hoàn thiện các trang phục đẹp và tiện dụng nhất. Các sản phẩm bán được sẽ giúp chị em cải thiện phần nào cuộc sống gia đình”.
Để các CLB dệt thổ cẩm phát huy hiệu quả hơn nữa, Th.S Hoàng Thanh Hương đề xuất cấp ủy, chính quyền và các đơn vị liên quan nên quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các CLB hoạt động, kết nối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó là hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho chị em học tập kinh nghiệm, tham quan các mô hình hiệu quả.  
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.