Đừng lãng phí vì sợ… Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chứng kiến người thân, đồng nghiệp, bạn bè lần lượt dương tính với SARS-CoV-2, ai ai cũng không khỏi lo lắng bởi mình là F1 và có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, nhiều người tích trữ kit test nhanh để kiểm tra hàng ngày, tìm mua các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 mặc dù đang hoàn toàn khỏe mạnh. Việc này gây lãng phí và có thể tạo nên sự khan hiếm vật tư, kit test phục vụ công tác phòng-chống dịch.

Không ít người rơi vào trạng thái lo lắng khi tình hình dịch Covid-19 lây lan khá nhanh trong cộng đồng. Song việc lo lắng thái quá cũng gây nên lãng phí kinh tế giữa thời buổi khó khăn, bão giá. Vừa qua, kit test nhanh có thời điểm “cháy” hàng vì lượng cung không đủ cầu. Khi bạn bè, người thân dương tính ngày càng nhiều, nhận thấy nguy cơ bản thân có khả năng cao sẽ lây nhiễm, nhiều người liền tự mua kit test nhanh về tích trữ tại nhà để sử dụng dần. Không thể phủ nhận việc tự kiểm tra bằng kit test là biện pháp hữu ích nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình song ngày nào cũng test, có ngày sử dụng 2-3 kit thì lại đang là câu chuyện lãng phí tiền của bởi giá của mỗi bộ kit không hề rẻ, thường dao động trong khoảng 80-100 ngàn đồng/kit.

a
Các chuyên gia y tế khuyên rằng việc test nhanh quá nhiều gây lãng phí không cần thiết. Ảnh: Bá Bính


Bạn tôi là giáo viên. Mỗi ngày, bạn lên lớp với kín mít khẩu trang, chỉ dám loanh quanh trên bục giảng và không dám đến gần học sinh hay tiếp xúc với đồng nghiệp. Dù vậy, mỗi lần nghe trong lớp vừa dạy ban sáng hay trong tổ bộ môn có người mắc Covid-19, bạn tôi lại mua một bộ kit để tự kiểm tra mức độ an toàn cho bản thân và cũng là để đảm bảo cho việc dạy học ngày hôm sau. Thời gian trước chưa có kit test bằng dịch họng và nước bọt, bạn phải tự mình ngoáy mũi, có những hôm đưa que vào sai tư thế khiến mũi đau cả mấy ngày liền. Liên tục phải test như vậy, có hôm bạn mệt mỏi nhắn cho tôi: “Nhiều lúc trông cho bị (Covid-19) đi cho xong, test hoài vừa đau vừa tốn tiền quá”.

Nghe tin mẹ và em rể mắc Covid-19, một người bạn khác của tôi ngay lập tức ra tiệm thuốc mua 3 kit test nhanh, 2 lọ C sủi và một lô thuốc dùng điều trị các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, đau họng, ho, sốt… để phòng bị cho cả gia đình. Sau đó, vì tâm lý lo lắng thái quá, mỗi lần chỉ hơi rát họng, nhức đầu, anh liền nghĩ có thể mình bị Covid-19 rồi nên lại đem kit ra thử. Đôi lúc, bán tín bán nghi vào kết quả âm tính, anh thử thêm một kit test khác để cho chắc chắn. Cứ thế, chỉ trong vòng 1 tuần, gia đình anh đã tiêu tốn gần 1 triệu đồng tiền kit test, chưa kể các loại thuốc đã mua trữ vẫn chưa dùng đến.

Đáng nói hơn, nắm được tâm lý của người dân, trên mạng xã hội cũng lan truyền các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 từ trong nước đến ngoại nhập, cam kết khỏi bệnh. Một hôm, em tôi hớn hở khoe vừa mua rẻ được vỉ thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 từ một người bạn “xách tay” từ nước ngoài về. Đó là vỉ thuốc màu xanh, ngoài vỏ ghi tiếng Nga và em tôi mua với giá gần 400.000 đồng. Sau khi tìm hiểu kỹ qua các bài viết của chuyên gia y dược, tôi mới tá hỏa khi biết loại thuốc ấy “vô thưởng vô phạt” với Covid-19, có nhiều trên kệ thuốc ở Việt Nam, lại khá rẻ và không hiếm như em tôi nhầm tưởng.

Lo lắng “hậu” Covid-19 cũng khiến mọi người đổ xô tìm kiếm các loại thuốc hỗ trợ phục hồi phổi chỉ thông qua lời giới thiệu, quảng cáo của một vài trang mạng, bạn bè thay vì thăm khám tại bệnh viện và hỏi ý kiến bác sĩ. Tự khám và tự điều trị là một trong những việc làm khá nguy hiểm và gây lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bản thân và kinh tế gia đình. Giữa lúc dịch bệnh đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, mỗi người cần phải thật bình tĩnh để suy xét, cảm nhận, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bản thân. Đặc biệt, mọi người cần phải nghe khuyến cáo của bác sĩ, chỉ test nhanh khi thấy xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh để khẳng định thay vì ồ ạt, gây lãng phí, lớn hơn là gây nhiễu loạn thị trường vật tư y tế.

 

 KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm