(GLO)- Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đang tích cực tìm kiếm các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.
Đa dạng điểm đến
Là huyện vùng biên, Đức Cơ được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên hữu tình. Thời gian gần đây, thác Ông Đồng (hay còn gọi là Jrai Glong) nằm bên quốc lộ 14C thuộc địa phận xã Ia Pnôn là địa điểm thường xuyên được nhắc đến. Ngọn thác cao gần 10 m ầm ào quanh năm tung bọt trắng xóa tạo ấn tượng mạnh với du khách. Những phiến đá bằng phẳng trải rộng dưới chân thác là điểm dừng chân lý tưởng, có thể tổ chức quây quần cùng người thân, bạn bè. Vào mùa khô, khi dòng nước hiền hòa hơn, du khách có thể tiếp cận để ngắm nhìn khung cảnh từ phía trong lòng thác. Ông Rơ Châm Khiêm-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn-cho hay: “Từ quốc lộ 14C đã có thể nhìn thấy dòng thác này, di chuyển theo đường mòn qua nương rẫy khoảng vài trăm mét là tới. Xung quanh thác có một số vườn cây ăn quả của bà con. Vì thế, nơi đây rất hợp với loại hình du lịch trải nghiệm”. Cùng với thác Ông Đồng, suối Đôi ở xã biên giới Ia Dom hay cây đa di sản làng Ghè (xã Ia Dơk) cũng là điểm đến nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.
Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) là Cây di sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh. Ảnh: Phương Linh |
Đặc biệt, điểm nhấn du lịch của huyện Đức Cơ chính là khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (xã Ia Dom). Nơi đây có công trình Quốc môn, cột mốc 30, cửa hàng miễn thuế Lệ Thanh cùng chợ phiên biên giới. Ngoài 4 điểm du lịch trọng tâm nói trên, huyện Đức Cơ còn một số điểm du lịch văn hóa-lịch sử như Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty hay điểm du lịch sinh thái như rừng giáng hương tại xã Ia Kriêng.
Không chỉ có thắng cảnh đẹp, Đức Cơ còn có bề dày văn hóa truyền thống với cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát cùng đội ngũ nghệ nhân đông đảo, lành nghề. Nhiều nghệ nhân sở hữu tri thức văn hóa dân gian đặc sắc như kể khan, hát dân ca… Ông Rah Lan Nhin-cán bộ Văn hóa xã Ia Dơk-chia sẻ: “Ngoài cây đa làng Ghè được công nhận là Cây di sản Việt Nam thì bà con trong xã còn lưu giữ nhiều phong tục, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Du khách đến đây sẽ được tham quan làng dệt chiếu pran, trải nghiệm văn hóa và đời sống sinh hoạt của bà con Jrai địa phương”.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch
Tiềm năng phong phú song phần lớn các di tích, điểm đến ở Đức Cơ còn chưa được “đánh thức” bởi hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như sản phẩm du lịch khá hạn chế. Chính vì lẽ đó, mới đây, UBND huyện Đức Cơ đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, trong đó có lĩnh vực du lịch. Ông Võ Sỹ Bình-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin-cho biết: “Huyện xác định cụ thể các công trình, cơ sở vật chất cần thiết tại các điểm đến trọng tâm nhằm kêu gọi nguồn lực đầu tư, hoàn thiện. Điều kiện tiên quyết là việc đầu tư xây dựng không làm ảnh hưởng đến môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên sẵn có”.
Cây đa làng Ghè tỏa bóng mát rộng lớn. Ảnh: Phương Linh |
Nói về định hướng phát triển du lịch của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn-thông tin: “Đảng ủy, chính quyền, người dân xã Ia Pnôn rất quan tâm đến vấn đề này. Thác Ông Đồng là một thắng cảnh hoang sơ rất đẹp nhưng đường đi lại, hệ thống bậc cấp dẫn xuống thác, bãi đậu xe, khu vệ sinh, cổng chào… còn chưa có gì. Nếu được đầu tư bài bản, người dân được hưởng lợi thì chắc chắn du lịch sẽ phát triển”.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho rằng, để huy động nguồn lực đầu tư hiệu quả, bên cạnh việc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thì trách nhiệm của địa phương là bảo vệ, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, khôi phục và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống lâu đời, đặc sắc có ý nghĩa rất quan trọng. Huyện đã có chương trình, kế hoạch bảo tồn, duy trì các ngành nghề truyền thống, thành lập đội cồng chiêng, múa xoang; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu về lợi ích bền vững mà du lịch đem lại, hình thành và đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách gần xa.
PHƯƠNG LINH