Đức Cơ: Du lịch có nhiều khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) có nhiều thắng cảnh gắn với các di tích lịch sử, văn hóa. Những năm qua, du lịch được xem là khâu đột phá để Đức Cơ phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Xác định thế mạnh, tiềm năng sẵn có, huyện Đức Cơ đã xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu đưa du lịch trở thành động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng người dân phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, từ khi Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hoàn thành, lượng khách du lịch đến với Đức Cơ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, rừng giáng hương (xã Ia Kriêng) rộng gần 4 ha cũng là điểm đến độc đáo, lý thú của du khách. Một điểm đến hấp dẫn khác là thác ông Đồng nằm ven quốc lộ 14C, thuộc xã Ia Pnôn. Một thác nước thiên nhiên, rất thích hợp với du lịch sinh thái, cắm trại trải nghiệm kết hợp tham quan các trang trại cây ăn quả, ao cá xung quanh khu vực thác. Cùng với đó, Di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty, Di tích chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ cũng được địa phương đầu tư xây dựng.

Ông Phan Ngọc Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn-cho biết: “Quốc lộ 14C được đầu tư xây dựng, du khách đến tham quan thác thác ông Đồng ngày một nhiều hơn, nhất là dịp lễ, Tết. Năm nay, huyện đã đầu tư kinh phí để làm đường xuống thác, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách”.

Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Ngọc Sang

Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Ngọc Sang

Không chỉ có cảnh đẹp, hiện nay, đồng bào Jrai ở Đức Cơ còn lưu giữ nhiều phong tục, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan chiếu pran… cùng đội ngũ nghệ nhân đông đảo, lành nghề. Các hoạt động văn hóa truyền thống chính là yếu tố quan trọng thu hút du khách và có thể khai thác để phát triển du lịch.

Năm 2016, cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án bảo vệ và gìn giữ cây di sản. Đồng thời, vận động người dân cùng tham gia dự án du lịch cộng đồng. Nơi đây thường được chọn là địa điểm để tổ chức các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm về văn hóa và đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Ông Rơ Mah Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dơk-cho hay: “Xã chú trọng phát triển du lịch ở cây đa làng Ghè. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan chiếu pran tại làng Sung và Dơk Lah. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tuyên truyền bà con phát huy phong tục tốt đẹp như lễ cúng giọt nước, lễ bỏ mả để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương”.

Thác ông Đồng (xã Ia Pnôn), một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Đức Cơ. Ảnh: Ngọc Sang

Thác ông Đồng (xã Ia Pnôn), một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Đức Cơ. Ảnh: Ngọc Sang

Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Đức Cơ còn tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển du lịch trên địa bàn. Đến nay, huyện đã có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Huyện cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi thu hút đầu tư, hình thành các điểm tham quan du lịch canh nông. Mặt khác, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch cộng đồng, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế gia đình.

Trao đổi với P.V, ông Võ Sỹ Bình-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Thời gian tới huyện sẽ đầu tư nâng cấp Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty với kinh phí 12 tỷ đồng, dự kiến quý I-2023 sẽ hoàn thành; đầu tư 4,1 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục tại điểm tham quan du lịch cây đa làng Ghè; đầu tư làm đường xuống thác ông Đồng với kinh phí 360 triệu đồng… Cùng với đó, củng cố và duy trì các hoạt động văn hóa, nhất là công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai. Tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân nhằm đa dạng sản phẩm để phục vụ du khách. Tăng cường xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu và mời gọi thu hút đầu tư. Đặc biệt, Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19, trong đó có hơn 30 km qua huyện Đức Cơ đang được triển khai sẽ góp phần phát triển hệ thống đường bộ kết nối với các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm, hy vọng thời gian tới, du lịch Đức Cơ sẽ có nhiều khởi sắc.

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...
Nhà trình tường Hà Giang hút khách

Nhà trình tường Hà Giang hút khách

Đến với Hà Giang du khách luôn ấn tượng với những ngôi nhà trình tường mái ngói âm dương đặc trưng nằm giữa những ngọn núi chập trùng. Nhà trình tường đang góp sức làm cho du lịch Hà Giang thêm hấp dẫn...