Cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã trở thành biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và giúp ông trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Từ khóa mở toang cánh cửa vào Nhà Trắng
Theo Washington Post, ông Trump đã phải cân nhắc rất nhiều cụm từ để có thể đưa ra một thông điệp có thể “đánh thẳng vào tâm trí của người dân Mỹ”. Các cụm từ nảy ra trong đầu ông Trump bao gồm: “Chúng ta khiến nước Mỹ vĩ đại”, “Khiến nước Mỹ vĩ đại” và “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã trờ thành biểu tượng cho chiến thắng của ông Donald Trump. Ảnh:AP |
Ông Trump nhớ lại: “Tôi buột miệng nói rằng “cụm từ này thật tuyệt” và ghi ngay dòng chữ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” [Make America Great Again] và đi gặp các luật sư của tôi ở tòa tháp Trump. Tôi nói với họ rằng: “Các anh thử xem có thể biến cụm từ này thành thương hiệu của tôi được không?”.
5 ngày sau đó, ông Trump ký vào đơn xin của Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ và yêu cầu có quyền đặc biệt để sử dụng cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” vào “các hoạt động chính trị nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng vào các vấn đề chính trị và gây quỹ phục vụ mục đích chính trị”. Ông đã nộp phí đăng ký là 325 USD.
Theo ông Trump, ý tưởng của ông được cho là đi ngược lại với những giá trị truyền thống vào thời điểm đó. Ông Trump thừa nhận: “Trên thực tế, nó hoàn toàn đối lập”.
Chính Đảng Cộng hòa cũng tỏ ra e dè trước cụm từ này của ông Trump. Theo họ, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” là cụm từ có thể gây chia rẽ và đã quá lạc hậu. Cụm từ này không hề giúp thúc đẩy việc tôn trọng sự đa dạng và tiến lên phía trước của nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump lại có một cái nhìn hoàn toàn khác biệt về cụm từ này. Ông muốn nó trở thành thông điệp giúp ông chạm đến những người dân Mỹ đang vật lộn hàng ngày để mưu sinh.
“Tôi cảm thấy vấn đề việc làm của nước Mỹ đang bị tổn thương nghiêm trọng. Tôi cũng nhận thấy nhiều “cơn bạo bệnh” mà nước Mỹ đã, đang và sắp trải qua. Đó là những vấn đề liên quan đến biên giới, an ninh và duy trì trật tự xã hội. Ngoài ra, đó còn là vấn đề về thương mại. Tôi tự nhủ với bản thân rằng: “Mình cần phải làm một điều gì đó tốt đẹp và nhắc lại cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump nói.
Sự phản đối của Đảng Dân chủ
Đáp lại, Đảng Dân chủ đã phản ứng dữ dội tuyên bố của ông Trump. Đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton nhấn mạnh: “Tôi luôn tin rằng, có nhiều điều tốt đẹp ở Mỹ hơn là sự tồi tệ. Tôi không nghĩ rằng, chúng ta cần phải làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại mà phải làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”.
Chồng bà, ông Bill Clinton thậm chí còn chỉ trích thông điệp của ông Trump là “mang nặng tính phân biệt chủng tộc”: “Tôi đã đủ già để nhớ lại những ngày tốt lành xa xưa. Thông điệp của ông Trump chẳng tốt đẹp gì”.
Bản thân thông điệp này cũng không hoàn toàn “chính gốc” của ông Trump. Cả 2 Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush đều đã sử dụng cụm từ “Hãy cùng làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong các chiến dịch tranh cử của mình.
Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố, 2 vị Tổng thống Mỹ nói trên “không hề đăng ký bản quyền cụm từ của mình”. Theo các chuyên gia, điều này thể hiện “tư duy kinh doanh cực kỳ nhạy bén của ông”. Ông Trump cũng tự hào chia sẻ: “Tôi nghĩ mình là người hiểu rất rõ về marketing” và luật sư của ông Trump, Alan Garten tuyên bố, ông Trump hiện đã nắm giữ bản quyền của 800 thương hiệu ở hơn 80 quốc gia.
Cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” chính thức trở thành thương hiệu có đăng ký bản quyền của ông Trump vào ngày 14/7/2015, 1 tháng sau khi ông Trump chính thức tuyên bố sẽ chạy đua vào Nhà Trắng và hoàn thành mọi thủ tục pháp lý cần thiết để làm điều này.
Đẩy mạnh bảo vệ và quảng bá thương hiệu
Ngay sau khi nắm giữ bản quyền thương hiệu, ông Trump tỏ ra rất quyết liệt trong việc bảo vệ ý tưởng của mình. Khi các đối thủ của ông ở Đảng Cộng hòa là Ted Cruz và Scott Walker bắt đầu sử dụng cụm từ này, ông Trump ngay lập tức yêu cầu luật sư của mình vào cuộc và buộc họ phải gỡ bỏ cụm từ đó.
Ông Trump chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng cụm từ này lại “bắt mắt” đến vậy. Thật tuyệt vời. Nó đã trở thành biểu tượng vĩ đại nhất trong chiến dịch tranh cử của tôi. Đây là cụm từ đã truyền cảm hứng đối với tôi, bởi nó đồng nghĩa với công ăn việc làm, nền công nghiệp và sức mạnh quân sự của nước Mỹ. Nó cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ quan tâm đến các cựu chiến binh nhiều hơn và còn rất nhiều ý nghĩa khác nữa”.
Những gì ông Trump đã làm hoàn toàn đối lập với cách mà nhóm vận động tranh cử của bà Clinton đã làm. Họ đưa ra tới 85 cụm từ khác nhau trước khi chốt phương án cuối cùng là: “Cùng nhau mạnh mẽ hơn” [cụm từ gốc tiếng Anh là Stronger Together-ND].
Tuy nhiên, thay vì đẩy mạnh quảng bá cụm từ này, nhóm của bà Clinton hầu như không làm gì nhiều. Chính ông David Axelrod, một cựu chiến lược gia về chính trị của Tổng thống Barack Obama, cũng phải thừa nhận rằng: “Ông Trump hiểu rõ mục tiêu mà ông ấy muốn hướng đến. Bạn khó có thể phủ nhận điều này. Ông ấy tập trung vào mục tiêu chính ngay từ khi bắt đầu”.
Trong khi bà Clinton nỗ lực để chiến thắng càng nhiều bang càng tốt bằng cả số phiếu bầu phổ thông và phiếu đại cử tri, ông Trump chỉ tập trung vào những bang mà ông cảm thấy mình có thể giành chiến thắng bằng phiếu đại cử tri. “Nếu chỉ đề cập đến việc ông ấy đặt ra mục tiêu và thực hiện nó như thế nào, có thể thấy ông Trump gần như chỉ có một mục tiêu duy nhất và luôn kiên định với mục tiêu của mình”-ông Alexrod kết luận.
Theo VOV