Đua nhau trồng điều không rõ nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một vụ thu hoạch điều thắng lớn, người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) đua nhau trồng hàng chục ha điều khắp các vùng rẫy dưới chân đèo Tô Na. Tuy nhiên, vấn đề khiến chính quyền địa phương và nhiều người lo lắng là nguồn gốc, chất lượng cây giống không rõ ràng, chưa được kiểm chứng.

Diện tích điều tăng nhanh

Xã Ia Rtô nằm dưới chân đèo Tô Na, có địa hình đất rẫy cao, khí hậu nắng nóng thích hợp với cây điều. Diện tích điều của xã phát triển mạnh kể từ năm 2002, khi dự án ADB hỗ trợ người dân cây giống điều ghép để trồng phủ xanh đất trống đồi trọc vùng đèo Tô Na.

 

Người dân xã Ia Rtô đua nhau trồng hàng chục ha điều không rõ nguồn gốc, chất lượng cây giống. Ảnh: Đ.P
Người dân xã Ia Rtô đua nhau trồng hàng chục ha điều không rõ nguồn gốc, chất lượng cây giống. Ảnh: Đ.P

Trong vụ thu hoạch điều vừa qua, nhờ được giá (30-50 ngàn đồng/kg) nên nhiều hộ nông dân thắng lớn. Ông Phan Tấn Sỹ-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô, cho hay: Nhờ được mùa, được giá nên có nhiều hộ dân trồng điều thu từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng trong vụ vừa rồi. Điển hình như ông Nay Tlaih (buôn Phu Ama Miơng) trồng 3 ha điều thu 83 triệu đồng; ông Nay Hun trồng 1 ha điều ghép thu được 50 triệu đồng… “Giá điều tăng cao khiến nhiều hộ dân trước đây chặt bỏ vườn điều để chuyển sang trồng mì nay lại phá bỏ rẫy mì để trồng điều. Xã mới thống kê sơ bộ đã có 19 ha điều được người dân trồng mới, nâng tổng diện tích điều toàn xã lên gần 80 ha; trong đó, buôn Phu Ama Nhe 1 trồng 3 ha, Phu Ama Nhe 2 trồng 5,2 ha, Phu Ama Miơng trồng 10,8 ha…”-ông Sỹ nói.

Phong trào trồng điều phát triển mạnh nhất tại buôn Phu Ama Miơng. Ông Rơ Châm Rin-Trưởng thôn  Phu Ama Miơng, cho hay: “Buôn có 163 hộ dân thì gần như nhà nào cũng trồng điều. Các rẫy ven đèo Tô Na và Chư Jú trước đây dân phát rẫy trồng mì, giờ chuyển sang trồng điều hết. Nhiều hộ dân trồng xen cây mì vào diện tích điều trồng mới. Nhà tôi cũng mới trồng 1,3 ha điều trong rẫy mì”.

Giống không rõ nguồn gốc

Vấn đề đáng lo ngại nhất là người trồng điều ở xã Ia Rtô đang sử dụng cây giống từ nhiều nguồn khác nhau và không được kiểm chứng về chất lượng. Nhiều người dân từ các nơi dùng xe máy, ô tô tải chở cây điều giống đến địa phương bán cho bà con. Một số người dân địa phương đã gửi mua cây giống ở Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai về trồng. Ông Phan Tấn Sỹ cho hay, bước đầu nắm bắt thông tin thì có rất nhiều nguồn cung cấp cây điều giống cho người dân trồng, nhưng chưa khẳng định được địa chỉ cụ thể và chất lượng cây giống. Buôn Phu Ama Nhe 1 thì trồng cây giống mua ở Bình Dương, buôn Phu Ama Nhe 2 thì tự ươm giống để trồng, còn buôn Phu Ama Miơng thì mua giống ở Đồng Nai...

Trưởng thôn Phu Ama Miơng-ông Rơ Châm Rin cho biết, toàn bộ cây giống điều người dân trong buôn trồng vừa rồi do chị Nay H’Tó mua về từ Đồng Nai để bán cho bà con với giá 20.000 đồng/cây. “Thấy nhà H’Tó trồng 1 ha nên tôi cũng tin tưởng mua cây giống để trồng 3 sào. Còn về chất lượng, nguồn gốc giống, địa chỉ nhà vườn cung cấp cụ thể thì tôi không được rõ”-ông Rin cho hay.

Lo lắng trước tình hình trên, mới đây, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa, ông Trịnh Văn Lương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rtô, bày tỏ băn khoăn: “Trồng cây điều phải mất 3-4 năm mới cho thu hoạch. Nhưng người dân đua nhau trồng điều, sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng ra sao, không được cơ quan nào kiểm tra, chứng nhận thì thật là bấp bênh”.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Vinh-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thị xã Ayun Pa, cho rằng: Trạm không có đủ năng lực chuyên môn và thẩm quyền thanh-kiểm tra chất lượng, nguồn gốc cây giống người dân mua bán trên thị trường. Tuy nhiên, vừa qua, chúng tôi cũng đã tiến hành nắm bắt thông tin báo về Sở Nông nghiệp và PTNT để cấp trên có hướng chỉ đạo, xử lý.

Mùa trồng điều vẫn đang tiếp diễn. Ở thị xã Ayun Pa có nhiều hộ dân mong muốn đăng ký trồng điều vào diện tích đất rừng bị lấn chiếm đang được chính quyền thống kê, thu hồi để trồng rừng. Cùng với đó, diện tích điều người dân trồng tự phát vẫn đang tiếp tục gia tăng mà đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa chốt được con số thống kê cuối cùng. Vì thế, nếu như nguồn gốc cây giống không được kiểm soát chặt thì khó tránh khỏi nguy cơ thiệt hại cho người nông dân trong nay mai.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.