Du lịch trên chiến trường xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nằm trên đỉnh đồi hướng về những dãy núi điệp trùng của Trường Sơn Đông, Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Đak Pơ ghi dấu trận đánh lớn cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên. Công trình này trở thành quần thể kiến trúc nằm giữa hệ sinh thái xanh trên quốc lộ 19, đồng thời là điểm dừng chân thú vị trên tuyến du lịch kết nối đại ngàn Tây Nguyên với biển cả.
Dấu ấn từ trận đánh huyền thoại
Cái nắng tháng 4 khô khát, nhưng khi bước lên hết những bậc cấp của Di tích Chiến thắng Đak Pơ, một quần thể cây xanh phủ bóng trong không gian rộng hơn 1,1 ha làm dịu mát mọi giác quan. Những cây hoa sứ trồng trước khu vực Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ đua nhau nở từng chùm trắng muốt, tỏa hương thơm ngát. Từng gốc bồ đề cổ thụ đang mùa thay lá ra ngàn lộc non.
Sau lưng Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ, những bụi tre ngà vươn mình đầy kiêu hãnh trong nắng vàng. Điểm nhấn cho tổng thể không gian là những cây si xanh được chăm sóc, cắt tỉa tỉ mỉ tạo thành những quả cầu tròn màu xanh khổng lồ. Ngoài ra, còn rất nhiều loài hoa giấy, hoa dừa cạn, lộc vừng… đua nhau nở làm cho không gian càng bừng lên sức sống mới. Ngoài cùng của cụm công trình, 2 hàng xà cừ cũng vừa thay lá mới, đua nhau khoe sắc xanh.
Quần thể kiến trúc này nằm gọn trên đỉnh đồi cao, từ đây nhìn xuống quốc lộ 19 và xa hơn là núi non trập trùng của Trường Sơn Đông, thu vào tầm mắt tất cả sự hùng vĩ và vẻ đẹp của một vùng đất. Với vị thế, cảnh quan và những công trình kiến trúc được xây dựng tỉ mỉ từng đường nét, chi tiết bên trong, di tích lịch sử quốc gia này xứng đáng là một điểm dừng chân hấp dẫn trên cung du lịch phía Đông tỉnh.
Di tích Chiến thắng Đak Pơ là điểm dừng chân thú vị trên cung đường du lịch phía Đông tỉnh. Ảnh: Minh Châu
Di tích Chiến thắng Đak Pơ là điểm dừng chân thú vị trên cung đường du lịch phía Đông tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Tại địa điểm này 8 năm trước (năm 2014), trong cuộc hội ngộ đầy xúc động của những người lính Trung đoàn 96-đơn vị đã làm nên Chiến thắng Đak Pơ huyền thoại trong kháng chiến chống Pháp, công trình vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa có nhiều cây xanh. Sau cuộc gặp gỡ lịch sử và đầy ý nghĩa ấy, hẳn người còn, người mất nhưng tinh thần của người lính và âm vang chiến thắng Đak Pơ sẽ còn mãi cùng nơi này. Cũng từ đó, công trình ngày càng được hoàn thiện trong hệ sinh thái xanh, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính thẩm mỹ cao.
Ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Để khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đak Pơ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, UBND tỉnh phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chiến thắng này vào cuối tháng 4-2021. Hội thảo có sự đóng góp của các nhà khoa học và nhân chứng lịch sử để làm nổi bật những đóng góp của quân và dân Liên khu V trong chiến thắng Đak Pơ, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, lịch sử từ chiến thắng này để vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 
Du lịch trên chiến trường xưa
Bên cạnh ý nghĩa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Di tích Chiến thắng Đak Pơ còn là điểm nhấn du lịch của huyện Đak Pơ và có ý nghĩa kết nối trong cung du lịch phía Đông tỉnh và liên vùng. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá cao vị trí đắc địa của di tích quốc gia này và nhiều lần nhấn mạnh đến giá trị kết nối của di tích trong phát triển du lịch liên vùng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Du khách từ Bình Định qua cửa ngõ An Khê để lên Tây Nguyên và ngược lại, các tỉnh Tây Nguyên đi du lịch biển đều dừng chân tại Di tích Chiến thắng Đak Pơ. Trong chương trình làm việc, kích cầu du lịch giữa Gia Lai với Phú Yên và Bình Định, di tích chiến thắng này được nhắc đến như một điểm nhấn trong liên kết vùng”.
Nhà tưởng niệm các liệt sĩ nằm giữa quần thể cây xanh
Nhà tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ nằm giữa quần thể cây xanh. Ảnh: Minh Châu
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thanh Hiền-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ-thông tin: “4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã bàn thảo về việc kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, giao thông, an ninh-quốc phòng… Huyện Đak Pơ đề xuất ý kiến về việc các địa phương cần liên kết để phát triển du lịch, đặc biệt là phát huy thế mạnh các di tích lịch sử như: Di tích Chiến thắng Đak Pơ và Làng kháng chiến Stơr, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) để tạo thành một tour “Về nguồn” hấp dẫn, ý nghĩa. Ngoài ra, các địa phương cũng bàn đến hướng liên kết để khai thác thế mạnh của di sản văn hóa-lịch sử, di tích quốc gia khác để phát triển du lịch khu vực phía Đông tỉnh”.
Nhưng làm sao để Di tích Chiến thắng Đak Pơ không chỉ là một điểm dừng chân nghỉ mát cho các đoàn du khách mà cần được khai thác các giá trị để phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành “công nghiệp không khói”?
Đề cập nội dung này, ông Hiền cho biết thêm, để tăng sức hấp dẫn cho Di tích Chiến thắng Đak Pơ, huyện đã xây dựng Nhà lưu niệm Chiến thắng Đak Pơ tại khu vực Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ để trưng bày hình ảnh, hiện vật, tư liệu với những thông tin thú vị về chiến thắng huyền thoại này cùng sa bàn mô phỏng diễn biến của trận đánh. “Huyện cũng bố trí 1 thuyết minh viên giới thiệu tại Nhà trưng bày giúp khách du lịch hiểu thêm ý nghĩa, tầm vóc của trận đánh”-ông Hiền cho hay.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy
Tuy vậy, đối với các đơn vị lữ hành khi dẫn các đoàn khách du lịch thăm chiến trường xưa, thông tin về các điểm đến vẫn chưa thực sự khiến du khách thỏa mãn. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-cho biết: Người hướng dẫn luôn cần thêm rất nhiều câu chuyện xung quanh, chuyện chính sử lẫn những câu chuyện bên lề để tăng sức hút cho các điểm du lịch thăm chiến trường xưa. Chiến thắng nào cũng có những mất mát, hy sinh của cả 2 phía, kể lại điều đó như thế nào để xúc động lòng người chính là cách làm du lịch chuyên nghiệp.
Ông Hải cũng cho rằng, Gia Lai có thế mạnh để khai thác loại hình du lịch thăm chiến trường xưa. Tuy nhiên, đây lại là loại hình chưa có sức hấp dẫn như: du lịch xanh, du lịch văn hóa. Do đó, các đơn vị lữ hành rất cần tài liệu hướng dẫn chính thống, dày dặn thông tin để hướng dẫn viên có thể “vịn” vào đó, thuyết minh cho du khách. “Cảnh quan đẹp đến đâu cũng chỉ mang đến những ấn tượng ban đầu. Chính những câu chuyện từ quá khứ mới có sức hấp dẫn và đọng lại ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách”-ông Hải nói. 
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.