(GLO)- Kết nối du lịch các địa phương trong tỉnh Gia Lai gồm thị xã An Khê, Kbang, Đak Pơ và Kông Chro sẽ tạo nên một cung đường trải nghiệm 2 di sản thế giới. Và tương lai không xa, sẽ có thêm di sản khảo cổ nếu dự báo của các nhà khoa học thành hiện thực. Nhưng để có được sản phẩm du lịch xứng tầm, ngay từ bây giờ, các địa phương cần bắt tay tạo sự liên kết để khai thác hiệu quả chuỗi di sản.
Một cung đường 2 di sản
Lâu nay, “định vị” cho du lịch phía Đông tỉnh chính là đặc sản văn hóa. Nếu Đak Pơ, Kbang, Kông Chro thấm đẫm phong vị văn hóa bản địa thì thị xã An Khê lại là vùng đất của những trầm tích thời gian. Các di sản, di tích ở phía Đông tỉnh không tồn tại riêng lẻ mà “tắm chung 1 dòng sông”. Theo Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, người nghiên cứu về lịch sử vùng đất An Khê từ khá sớm, Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo gồm nhiều cụm di tích nằm trên địa bàn 4 huyện, thị xã là An Khê, Kông Chro, Đak Pơ, Kbang. Do đó, tạo ra sản phẩm văn hóa hấp dẫn để bán cho du khách không thể thiếu sự liên kết giữa các địa phương.
Khung cảnh làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang) đẹp như một bức tranh. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ông Giang chia sẻ: “Với khát khao của Khoa Lịch sử (Đại học Quốc gia Hà Nội) mà người tâm huyết nhất là thầy Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi đã có những nghiên cứu về Tây Sơn Thượng đạo từ năm 1977. Phong trào nông dân Tây Sơn là thời kỳ cực kỳ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đưa vị thế đất nước ta lên cao chưa từng có trong thời kỳ quân chủ. Rất nhiều chuyện ly kỳ, hấp dẫn gắn với phong trào Tây Sơn, từ việc tập hợp đồng bào Tây Nguyên, tiến xuống đồng bằng, đánh Nam dẹp Bắc, thu phục giang sơn về một mối… Nhưng băn khoăn lớn nhất của tôi là di tích này vẫn chưa hấp dẫn sau khi được công nhận các danh hiệu, làm sao để khai thác như một tài nguyên là khoảng cách rất lớn. Chúng ta cần có hình thức tạo ra một sản phẩm văn hóa thực sự hấp dẫn về toàn bộ phong trào Tây Sơn. Nếu Nhà nước đầu tư làm hạng mục cơ bản thì tỉnh cần có cơ chế mời gọi, tạo điều kiện cho các doanh nhân đầu tư vào văn hóa, du lịch, từ đó sẽ kéo theo rất nhiều dịch vụ phát triển. Tây Sơn Thượng đạo nếu chỉ để như thế này sẽ chỉ là một di tích, tiếng nói của nó sẽ rất nhỏ nhoi, lạc lõng nếu chúng ta chưa có được sự hưởng ứng của người dân, mời gọi được sự đầu tư của doanh nhân, doanh nghiệp”.
Còn Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử-nguyên nghiên cứu viên cao cấp (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì cho rằng: An Khê và Kông Chro đều chung một “dòng sông khảo cổ”. Trước khi Rộc Tưng-Gò Đá được phát hiện và gây chấn động giới khảo cổ trong nước và quốc tế, nhà khoa học này đã có những nghiên cứu khảo cổ học men theo thềm sông Ba cổ từ An Khê tới vùng đất Kông Chro. Như vậy, du lịch khảo cổ sẽ mở rộng biên độ giữa 2 địa phương phía Đông. Nếu có những câu chuyện đủ hấp dẫn sẽ dẫn dụ bước chân du khách vào “không gian tiền sử” từ vùng trầm tích An Khê tới một vùng trầm tích khác, Kông Chro.
Du khách khám phá thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Kiều Thảo |
Các địa phương phía Đông tỉnh còn chung một không gian di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tặng cho vùng đất phía Đông thêm một danh hiệu để “tăng chất” cho du lịch. Anh Nguyễn Quang Tưởng-hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn các tour trekking đặc thù-chia sẻ: “Tour trải nghiệm thác 50 nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng khi được chúng tôi giới thiệu thêm là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, lập tức cảm xúc của du khách có sự thay đổi. Họ thích thú hơn, tò mò hơn. Nhưng nếu không có gì khác ngoài những gì mà chúng tôi đã khai thác bán cho du khách lâu nay thì danh hiệu sẽ không có nhiều ý nghĩa”.
Liên kết phát triển du lịch phía Đông
Các địa phương phía Đông tỉnh đều xác định rõ tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển du lịch, xem đây là một trong những trụ cột kinh tế địa phương. Một số sản phẩm du lịch ở phía Đông đã và đang khai thác hiệu quả, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm thiên nhiên. Nhưng theo các chuyên gia, một khi chưa thực sự bắt tay liên kết để tạo ra sản phẩm xứng tầm với các di sản đang sở hữu thì mỗi địa phương vẫn chỉ là một tiếng nói “nhỏ nhoi, lạc lõng”.
Nói về hướng phát huy giá trị chuỗi di sản, di tích trên vùng đất cửa ngõ phía Đông tỉnh, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: “Thị xã cũng hướng đến phát triển các tuyến du lịch liên vùng, từng bước mở rộng, hỗ trợ lẫn nhau trong việc khai thác lợi thế về sản phẩm du lịch của từng địa phương. Chúng tôi sẽ từng bước chuyên nghiệp hóa việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, hội nghị, hội thảo gắn với hoạt động du lịch. Đồng thời, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá, hình thành các tour du lịch trên địa bàn”.
Bắt tay liên kết như thế nào để tạo ra sản phẩm du lịch nhằm nâng tầm chuỗi di sản phía Đông tỉnh, có lẽ các địa phương cần có những “chỉ dẫn”. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh, tỉnh xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch phải theo cụm, nhóm, gắn với thế mạnh và sự tương đồng trong không gian du lịch của từng vùng. Trong đó, nhóm địa phương phía Đông gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Đá cũ An Khê, Tây Sơn Thượng đạo và xa hơn là kết nối với Tây Sơn Hạ đạo (tỉnh Bình Định). Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương trong nhóm này cần có những đề xuất, kiến nghị để các sở, ban, ngành, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp có ý tưởng, góp ý, hiến kế để liên kết vùng đạt được hiệu quả như kỳ vọng. “Cần phân vai cho rõ, làm du lịch phải từ doanh nghiệp và người dân. Nhà nước và chính quyền địa phương chỉ mang tính định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Du lịch là sự tổng hòa các dịch vụ đi cùng mới có thể hình thành chuỗi để kết nối, thúc đẩy du lịch vùng phát triển”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
An Khê đình thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Lâu nay, các chương trình liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch mới chỉ diễn ra ở cấp độ chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Hiệp hội Du lịch. Các hoạt động liên kết cũng chỉ dừng lại ở hoạt động xúc tiến, quảng bá tài nguyên và tiềm năng du lịch, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý chứ chưa có sự bắt tay để tạo ra những sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Trong khi đó, nhu cầu mà du khách cần được đáp ứng là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; dịch vụ ẩm thực, lưu trú, vận chuyển… phải tương xứng. Như vậy, các địa phương phía Đông như An Khê, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro cần quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch chung của vùng, nhằm thu hút du khách thông qua các sản phẩm cụ thể, chứ không chỉ là những định hướng chung chung, tránh mất thời gian rút kinh nghiệm.
Ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-đề xuất: “Tỉnh cần có các cơ chế đãi ngộ, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch, có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại địa phương. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần hỗ trợ quảng bá, kết nối các điểm, tuyến du lịch, sản phẩm du lịch chung của vùng; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch cho người dân; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, làng du lịch cộng đồng học tập kinh nghiệm các mô hình thành công, từ đó họ có thể học hỏi, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để làm du lịch hiệu quả hơn so với hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức”.
Về phía Hiệp hội Du lịch tỉnh, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội-cho biết: “Ngoài trách nhiệm của các địa phương phía Đông trong liên kết để phát triển du lịch vùng, chúng tôi sẽ hỗ trợ kết nối bằng cách vận động các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đến khảo sát du lịch tại địa phương để xây dựng các sản phẩm mới, tổ chức tour đưa khách đến, tham gia góp ý cho địa phương để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, các điểm tham quan…”.
HOÀNG NGỌC