Gia Lai: Đặc sản địa phương hút khách du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ẩm thực không đơn thuần chỉ để sinh tồn, đó là một cuộc khám phá đời sống đa sắc màu của cư dân nơi vùng đất mới. Với một địa phương có nhiều đặc sản và ẩm thực phong phú như Gia Lai, cuộc khám phá ấy có rất nhiều lý do để thu hút khách du lịch”-anh Chu Văn Chỉ-Chủ nhà hàng Tơ Nưng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) nhận định.
Mắc ca, bò một nắng hút khách
Chị Thái Thị Thu Loan-Chủ cửa hàng Thu Loan (226 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) chia sẻ: Du khách khi đến cửa hàng thường sẽ đặt câu hỏi: “Đặc sản Gia Lai có gì?”. Và chị đã giới thiệu cho du khách những món ngon nổi tiếng của địa phương như: hạt mắc ca, hạt điều, măng khô, mật ong, nấm linh chi, gà nướng, thịt bò một nắng… “Sau một thời gian tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy hạt mắc ca và thịt bò một nắng là đặc sản được chọn mua làm quà nhiều nhất”-chị Loan chia sẻ.
Được mệnh danh là “nữ hoàng hạt khô”, những năm gần đây, hạt mắc ca được nhiều người dân và du khách tìm mua. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, huyện Kbang trở thành vùng chuyên canh mắc ca. Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, toàn huyện đã phát triển được trên 1.600 ha mắc ca, trong đó có hơn 500 ha cho thu hoạch ổn định. Hiện nay, nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến hạt mắc ca, cung cấp ra thị trường và mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Các cơ sở sản xuất thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa đầu tư máy móc chế biến khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Lê
Các cơ sở sản xuất thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa đầu tư máy móc chế biến khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Lê
Tương tự, đặc sản thịt bò một nắng Krông Pa thời gian gần đây cũng là sản phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường. Lần đầu tiên được thưởng thức món thịt bò một nắng tại một nhà hàng ở Biển Hồ, anh Nguyễn Anh Dũng-du khách đến từ quận Ba Đình (Hà Nội) và nhóm bạn đã bị thuyết phục ngay bởi hương vị thơm ngon, lạ miệng của đặc sản này. “Độc, lạ đầu tiên ở tên gọi “thịt bò một nắng”. Lâu nay, chúng tôi đã quen với món thịt trâu gác bếp của bà con Tây Bắc, nhưng món thịt được chế biến “một nắng” gợi sự tò mò, muốn được thưởng thức”-anh Dũng chia sẻ. Theo cảm nhận của anh, hương vị thịt bò một nắng rất khác biệt, độc đáo. Vị ngọt của thịt đậm đà, không ngấy, lại có chút mùi của nắng gió hòa quyện hài hòa trong các loại gia vị độc đáo của muối kiến. Thi thoảng nhấp môi chút rượu cần ngọt lừ, rất thú vị! 
Ở khía cạnh ẩm thực, Chủ nhà hàng Tơ Nưng chia sẻ: “Cơm lam gà nướng, rượu ghè, thịt bò một nắng, thịt nướng lồ ô, rau rừng… là kết tinh văn hóa ẩm thực truyền thống của người Tây Nguyên. Đến Gia Lai, du khách không thưởng thức những món ăn này coi như đã bỏ lỡ một phần rất quan trọng”.
“Còn chút gì để nhớ...”
Anh Chu Văn Chỉ nhìn nhận: “Một chuyến đi, ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, du khách luôn có nhu cầu thưởng thức các món ăn mang tính đặc trưng vùng miền, khác lạ so với những nơi khác. Người ta có thể cảm nhận một phần cuộc sinh tồn của người bản địa Tây Nguyên thông qua các món ăn”. Cũng bởi lẽ ấy mà nhà hàng Tơ Nưng đã dụng công xây dựng, bài trí một không gian thưởng thức ẩm thực đậm chất Tây Nguyên với nhà sàn, cây nêu, cồng chiêng… dưới chiếc bóng thâm u của tàng cây lớn. Nhà hàng còn liên kết với các đội cồng chiêng sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách. Tất cả tạo nên một không gian để du khách như được sống trong một ngôi làng Tây Nguyên thu nhỏ. 
Nông dân Kbang thu hoạch, sơ chế hạt macca. Ảnh: Hải Lê
Nông dân Kbang thu hoạch, sơ chế hạt mắc ca. Ảnh: Hải Lê
Cũng theo anh Chỉ, sau nhiều năm gắn bó với lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, anh hoàn toàn tự tin với ẩm thực Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. “Không chỉ lạ, ngon miệng mà ẩm thực Gia Lai còn khiến du khách khắc nhớ. Minh chứng là sau nhiều bữa ăn, khách vẫn liên hệ đặt một số món có thể bảo quản và gửi đi xa như rượu ghè, thịt bò một nắng, gà nướng…”-anh Chỉ dẫn chứng. Tuy nhiên, để khai thác sản phẩm ẩm thực truyền thống trong môi trường dịch vụ du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ đều phải có những cách xử lý, biến tấu nhất định trên cơ sở hồn cốt của cái cũ để phục vụ du khách. Trong đó có việc tiết chế vị (cay, đắng…) phù hợp, xử lý theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo thời hạn bảo quản sản phẩm được lâu hơn.  
Chỉ từ một bữa ăn ngon ở nhà hàng, anh Dũng cùng nhóm bạn bè đã quyết định đặt mua ngay đặc sản thịt bò một nắng về Hà Nội làm quà. “Ưng ý quá nên anh em chúng tôi đặt mua hơn chục ký thịt bò một nắng về làm quà. Sản phẩm được đóng gói kỹ càng, cấp đông sẵn nên việc đưa đi xa rất tiện lợi. Chúng tôi còn kết nối luôn với đơn vị cung cấp để sau khi về Hà Nội có thể gọi điện đặt mua thêm”-anh Dũng vui vẻ chia sẻ.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm