Du lịch lên kế hoạch hành động vì tương lai 'trải nghiệm không rác thải nhựa'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiệp hội Du lịch sẽ hoàn thiện và sớm ban hành Kế hoạch hành động để kêu gọi sự nỗ lực và chung tay của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam.
Những bãi biển ngập rác thải nhựa ở Việt Nam. (Ảnh: Lekima Hùng)

Những bãi biển ngập rác thải nhựa ở Việt Nam. (Ảnh: Lekima Hùng)

Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) vừa công bố khởi động xây dựng Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và dự kiến ban hành trong thời gian tới. Đây là cơ sở để thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản, hiệu quả cao.

Du lịch bền vững đối diện thách thức từ rác thải nhựa

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình: “Rác thải nhựa đang nổi lên là một thách thức lớn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vấn đề môi trường, rác thải tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt trong đó, du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Vì thế sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.”

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang áp dụng các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa. Tại Việt Nam quy định về lộ trình giảm rác thải nhựa nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Theo đó, từ năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch hành động của địa phương về quản lý rác thải nhựa đại dương và triển khai các mô hình giảm thiểu, hạn chế phát sinh rác thải nhựa.

Con người đang phải sống trong một thế giới ngập rác thải nhựa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Con người đang phải sống trong một thế giới ngập rác thải nhựa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá thực tế hệ thống văn bản pháp luật về quản lý rác thải nhựa vẫn chưa đầy đủ. Cụ thể, các chính sách của ngành du lịch chưa đề cập rõ và cụ thể về quản lý rác thải nhựa; chưa có kế hoạch hành động của ngành du lịch về giảm rác thải nhựa; chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rác thải nhựa nói riêng.

Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm nhựa tái chế còn gặp khó khăn. Ngoài ra, việc thực thi các cơ chế và chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và bao bì thân thiện với môi trường cũng gặp trở ngại. Chưa có tiêu chí đánh giá về giảm thiểu rác thải nhựa trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch khác. Các cơ sở dịch vụ du lịch khi xây dựng Quy chế quản lý cũng chưa có nội dung riêng về quản lý rác thải nhựa…

Nhận thấy yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã chủ động và mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. Từ năm 2018, VITA đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa,” được các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc tích cực hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp và địa phương đã đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Vì tương lai du lịch không rác thải nhựa

Dựa trên đề xuất của VITA, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đã được Chương trình Tài trợ Các Dự án Nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.

Liệu có còn khách du lịch nào muốn đặt chân tới những điểm đến ngập rác thải? (Ảnh: Lekima Hùng)

Liệu có còn khách du lịch nào muốn đặt chân tới những điểm đến ngập rác thải? (Ảnh: Lekima Hùng)

Trong khuôn khổ dự án, VITA sẽ xây dựng và ban hành một Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch. Kế hoạch này sẽ là cơ sở để các thành viên của VITA thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản và hiệu quả, đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu đã được đề ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Theo Tổng Thư ký VITA, ông Vũ Quốc Trí, Hiệp hội Du lịch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tuyên truyền và nâng cao nhận thức; Tham gia xây dựng và giám sát chính sách; Xây dựng sản phẩm du lịch xanh; Xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa; Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức; Huy động nguồn lực quốc tế.

VITA đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các đơn vị thành viên sẽ được nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, 50% các thành viên là khu du lịch và khách sạn sẽ ngừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Phấn đấu đến năm 2030, 100% các thành viên sẽ không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu đánh giá cao sự lan tỏa của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” do VITA thực hiện với sự tài trợ của UNDP trong giai đoạn 2023-2024.

Du khách tham gia hoạt động thu gom rác trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách tham gia hoạt động thu gom rác trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Nhóm dự án đã xây dựng một bản dự thảo Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch một cách khoa học, cụ thể và thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành du lịch sau giai đoạn dài chịu tác động của đại dịch COVID-19. Kế hoạch cũng đáp ứng xu hướng du lịch của du khách, đặc biệt là định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm,” ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Lãnh đạo ngành du lịch khẳng định Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết đồng hành cùng VITA trong việc triển khai kế hoạch, đồng thời tiếp nhận các đề xuất và kiến nghị của dự án để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục tiêu là góp phần thực hiện chiến lược phát triển du lịch gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đặt mục tiêu áp dụng bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa khi đánh giá các khu du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng và đơn vị lữ hành. Đồng thời kêu gọi các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp cùng chung tay triển khai Kế hoạch hành động này.

Ông Vũ Thế Bình cho hay Hiệp hội Du lịch sẽ hoàn thiện và ban hành Kế hoạch này trong tháng Tám để triển khai nhanh chóng tới các hiệp hội địa phương và hơn 20.000 thành viên của VITA. “Hiệp hội Du lịch Việt Nam kỳ vọng thông qua các hoạt động của dự án, có thể truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực và chung tay của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam,” ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Giữ gìn môi trường điểm đến xanh, sạch, đẹp là trách nhiệm của mỗi người. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Giữ gìn môi trường điểm đến xanh, sạch, đẹp là trách nhiệm của mỗi người. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Điều phối viên Chương trình Tài trợ Các Dự án Nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP), bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả tích cực chỉ sau khoảng 17 tháng triển khai.

“Tính đến nay, dự án đã xây dựng được nhiều công cụ hướng dẫn, như Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và ứng dụng quản lý rác thải nhựa. Đặc biệt, các địa phương thí điểm như Ninh Bình và Quảng Nam đã đạt được hiệu quả đáng kể từ việc áp dụng các công cụ này. Dự án nhận được sự đồng lòng và hợp tác hiệu quả từ cộng đồng doanh nghiệp,” bà Huyền nói.

Theo M.Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.