Du lịch là một trong những giải pháp phục hồi kinh tế nhanh nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cho đến thời điểm này, mọi hoạt động du lịch, đón khách tham quan, nghỉ dưỡng... tại miền Trung đã diễn ra bình thường, không hề có bất cứ khó khăn, trở ngại nào đối với du khách. Tuy nhiên, còn rất lâu mới có thể khôi phục được lượng khách cũng như các dịch vụ du lịch như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19...

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đich thân đi trên chuyến tàu du lịch biển liên tỉnh đầu tiên để cổ động cho du lịch. Ảnh: LL
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đich thân đi trên chuyến tàu du lịch biển liên tỉnh đầu tiên để cổ động cho du lịch. Ảnh: LL


Người dân đã tự tin du lịch trở lại

Nghỉ đến 3 ngày nhân dịp cuối tuần trùng với ngày Giỗ Tổ đã tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, du lịch nhiều hơn. Khắp nơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều ghi nhận lượng du khách tăng đột biến với tần suất đăng ký phòng khách sạn, lấp kín 60-70% dịp lễ này.

Tuy vậy, các khu vực du lịch trọng điểm như: Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, dù có tăng lượng khách nhưng không quá đông đúc, kẹt xe, quá tải như dự kiến và cũng như những kỳ nghỉ lễ trước đây. Một phần, du khách, người dân có thiên hướng đi chơi, nghỉ lễ theo nhóm nhỏ, gia đình, phần khác là trải nghiệm về các vùng nông thôn khu vực rừng núi, thác nước, sông hồ... để hòa mình với thiên nhiên.

Có lẽ vậy, mà tại Đà Nẵng, lượng khách du lịch không đông đúc như dự kiến. Trong khi đó, tại các địa phương của Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn, Tam Kỳ... lại rất đông du khách. Lễ hội "Tam Kỳ - Mùa hoa sưa" là một trong hàng trăm sự kiện trong chuỗi hoạt động Năm du lịch quốc gia 2022 do Quảng Nam đăng cai, tổ chức đã thu hút hàng ngàn du khách.

Lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2022 tại làng Hương Trà, phường Hoà Hương, thành phố Tam Kỳ, tuy mới được tổ chức thường niên từ năm 2017, nhưng đã là một trong những điểm hẹn hấp dẫn của người dân và du khách khu vực lân cận. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Ngày hội áo dài; trao giấy chứng nhận kết hôn; trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật, tái hiện không gian làng quê; trình diễn nghệ thuật hô hát bài chòi, các nghề truyền thống và trưng bày sản phẩm nông nghiệp; các hoạt động thể thao, văn hóa...

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ - cho biết, Lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa là cơ hội để địa phương sớm khôi phục các hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch xanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Hướng dẫn cho nhân dân cách làm du lịch cộng đồng, hướng dẫn nhân dân cách xây dựng nhà vườn để sản xuất, đồng thời phục vụ du lịch. Tạo điều kiện cho du khách tương tác với công việc nhà vườn, thu hút du khách khi đến thăm các vườn sinh thái.

Du lịch là hoạt động kinh tế phục hồi rất nhanh

Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn nhận định, du lịch là lĩnh vực kinh tế quan trọng, đồng thời là ngành giúp sự phục hồi kinh tế của địa phương trở lại sau đại dịch nhanh nhất. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường, tuy nhiên cú sốc dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm đã làm đứt gãy sản xuất, nguồn cung ứng nguyên liệu, thiếu hụt nhân công... Để sản xuất công nghiệp, kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế thì thời gian cần dài hơi hơn. Trong khi đó, hoạt động du lịch gần như được hồi phục tức thời. Việc di chuyển, đi lại, nghỉ ngơi của người dân là một phần thiết yếu, nên du lịch sôi động ngay khi chính sách của nhà nước "mở cửa", thông thoáng. Đi lại, thăm thân nhân, về quê... cũng giúp du lịch đông đúc trở lại sau hơn 2 năm dịch dã, đóng cửa, đi lại khó khăn.

Tại Đà Nẵng, đúng dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, tuyến vận tải du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn đã bắt đầu hoạt động, đưa đón khách. Đây là một sản phẩm du lịch mới, nhằm đa dạng hoá các sản phẩm, thu hút du khách quay trở lại sau đại dịch COVID-19.

Tàu du lịch biển đã đưa hàng trăm khách từ TP.Đà Nẵng ra thẳng đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, sử dụng động cơ thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phục vụ lên tới gần 600 hành khách và rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến Lý Sơn chỉ hơn 2 giờ.

Ngay khi hoạt động, tuyến du lịch mới này đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho hoạt động liên kết du lịch của các tỉnh miền Trung. Với Đà Nẵng, còn tạo ra kỳ vọng về tương lai của du lịch đường thủy gắn với mục tiêu phát triển du lịch. Hiện Đà Nẵng cũng đã quy hoạch và đầu tư xây dựng các cảng, bến, nâng cấp cơ sở hạ tầng; phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao trên các dòng sông, cửa biển trong tương lai gần.


https://laodong.vn/kinh-te/du-lich-la-mot-trong-nhung-giai-phap-phuc-hoi-kinh-te-nhanh-nhat-1032788.ldo

Theo An Thượng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.