Du lịch-đừng chỉ "ăn xổi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu kinh nghiệm du lịch đến Tà Xùa, một điểm đến nổi tiếng ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một bạn trẻ Pleiku mê “phượt” hỏi cắc cớ khiến ai nấy ngẩn người ra: “Các chị định đi du lịch đến Tà Xùa để làm gì?”. 
Thấy chúng tôi vẫn chưa hiểu ý, bạn này giải thích: Nếu chỉ đến “săn” mây, chụp ảnh sống ảo với hoa cỏ để “nuôi” Facebook rồi về thì sẽ phí một chuyến đi, vì đường từ Gia Lai đi Tà Xùa khá xa, phải qua nhiều chặng. Chỉ khi đi để hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa, cảm nhận vẻ đẹp của con người, nếp sống miền Tây Bắc thì chuyến đi mới thật sự đáng giá. 
Câu nói ấy khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ về nhu cầu đi du lịch và cách làm du lịch sao chép, thiếu chiều sâu ở nhiều người, nhiều nơi, trong đó có Gia Lai.
Xu hướng du lịch check-in hiện đang “thắng thế” và phủ sóng khắp các diễn đàn du lịch. Facebook tràn ngập những bức ảnh lãng mạn, đẹp như mơ về các điểm đến, khiến cư dân mạng sôi sục. Nhiều bạn trẻ không ngại đổ xô tìm tới những “cầu vô cực”, “con đường Hàn Quốc”, “ngôi chùa mang phong cách Nhật Bản”, “khu vườn tuyết”... ở Phố núi để chụp ảnh khoe bạn bè. Thậm chí, hàng rào gỗ đơn sơ bên một cái cây cô đơn trên cánh đồng ở xã Ayun (huyện Chư Sê) cũng được “săn đón” và trở thành điểm check-in của nhiều khách ngoài tỉnh vì quá lung linh khi lên hình (tất nhiên đã qua công đoạn chỉnh sửa cho ảo diệu). Họ đơn giản chỉ cần vài khoảnh khắc đẹp.
Để chiều lòng du khách mà không cần đầu tư dài hạn, chủ nhân nhiều điểm đến đã chẳng ngại trang trí hời hợt, một màu, sao chép. Xem như xu hướng, một số homestay, quán cà phê bây giờ không thể thiếu chiếc xích đu gỗ buông tấm rèm trắng cho ra vẻ lãng mạn. “Cầu vô cực” với những nấc thang dẫn lên… trời cao đã xuất hiện vài nơi. Xu hướng dùng gỗ tạp để tạo điểm nhấn mộc mạc, đơn sơ trong trang trí nhiều chỗ sao chép lẫn nhau, vô tình điểm đến nào cũng như điểm nào. Tại một quán cà phê du lịch mới nổi có cảnh sắc ruộng đồng, nhiều du khách mải mê chụp hình sống ảo bên hàng cẩm tú cầu trải lối, không phát hiện đám hoa giả cột khéo léo vào thân cành thay cho lứa hoa mới tàn. Nhu cầu của khách chỉ là tức thời nên sự manh mún, “đánh tráo” của chủ quán cũng dễ hiểu. 
Tất nhiên, lựa chọn cách thức khai thác du lịch như thế nào là quyền của người kinh doanh. Nhưng nghiêm túc đặt câu hỏi: Gia Lai có gì lạ so với nơi khác; đọng lại gì từ những nơi ta đặt chân tới… thì sẽ không khỏi lúng túng khi trả lời.  
Công bằng mà nói, vẫn có những du khách không chỉ yêu Gia Lai bằng mắt. Trò chuyện với chúng tôi sau chuyến thăm nhà thờ cổ Hà Bầu (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh), chị Nguyễn Thị Việt Hương-giảng viên Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh-bày tỏ: “Tôi đi du lịch khá nhiều nơi nhưng không theo kiểu check-in, ngủ khách sạn 5 sao. Đến với nhà thờ cổ Hà Bầu, cảm xúc trong tôi rất lạ, không khí thật đặc biệt. Tôi thấy nơi đây có điều mình muốn kiếm tìm, đó là sự tĩnh lặng và hoài niệm”. Chị Hương cho hay, điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa-lịch sử này khiến chị thấy rất thú vị và mong muốn được quay trở lại. 
Du lịch sinh thái là một thế mạnh, tạo chỗ đứng cho du lịch Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên
Du lịch sinh thái là một thế mạnh, tạo chỗ đứng cho du lịch Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên
Trong khi đó, anh Stephen Parcalidis, một nhiếp ảnh gia-nhà làm phim người Canada cũng không ngang qua Gia Lai một cách hời hợt mà quyết dừng chân để được trải nghiệm ẩm thực Jrai, dù trong thực đơn có những món hoàn toàn khác biệt về khẩu vị, không dễ thưởng thức. Anh thổ lộ: “Tôi đã được khám phá thêm về văn hóa Jrai bằng cách học hỏi, trải nghiệm và nếm thử các món ăn địa phương. Vì ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong các nền văn hóa khác nhau, do đó chọn ẩm thực làm động lực cho chuyến du lịch trải nghiệm là điều rất hợp lý”.
Điều này lý giải vì sao bên cạnh trào lưu du lịch check-in, nhiều người chọn du lịch chậm. Thay vì vội vàng check-in các điểm đến, người đi du lịch chậm xem mỗi chuyến đi là thu về những góc nhìn cùng cảm nhận sâu sắc, chân thực về vùng đất, con người, văn hóa, ẩm thực... Điều quan trọng không phải là bạn đã đi qua bao nhiêu vùng đất, mà hơn hết là dày thêm về vốn sống, trưởng thành hơn về cảm xúc. 
Du lịch Gia Lai hẳn đã nắm rõ thế mạnh của mình, yêu lấy cái mình có và định hình bản sắc, chứ không chạy theo trào lưu. Tiếp thị loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang dần khẳng định chỗ đứng như: leo núi, thăm khu bảo tồn thiên nhiên, mạo hiểm với thác ghềnh, chèo thuyền SUP trên hồ, thăm và lưu trú tại làng Bahnar, Jrai để tìm hiểu văn hóa bản địa cùng hệ thống lễ hội đặc sắc… là hướng đi đã phát huy hiệu quả. Bằng cách này sẽ giúp nâng chất, khắc sâu thêm dấu ấn văn hóa-lịch sử cũng như nét lãng mạn của xứ sở cao nguyên trong lòng khách phương xa. Đó cũng là cách “móc túi” du khách hợp lý thay cho những giá trị kinh tế tức thời, ngắn hạn và ít ỏi mang lại từ trào lưu du lịch sống ảo. Dịch chuyển xu hướng du lịch đi vào chiều sâu là điều khuyến khích nên làm.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Đa dạng các sản phẩm cây nhà lá vườn đã được những người nông dân chất phác ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đưa ra chợ phiên từ sáng thứ 7.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.

Tưng bừng Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Tưng bừng Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

(GLO)- Sáng 2-11, tại xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tưng bừng khai hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024. Sau đây là một số hình ảnh về Lễ hội dưới góc máy của Nhiếp ảnh gia Phạm Quý.

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.