Dự đoán giải Nobel Văn chương 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
18 giờ (giờ VN) ngày 5.10, người chiến thắng mới nhất của giải Nobel Văn chương sẽ được Ủy ban Nobel tại Thụy Điển công bố. Theo các nhà quan sát, nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết có nhiều khả năng giành được chiến thắng.

Những gương mặt nổi trội

Từ trước đến nay, những người được nhắm cho giải Nobel Văn chương thường rất khó đoán. Trong quá khứ, Ủy ban Nobel đã từng "đãi cát tìm vàng" để tìm ra những tên tuổi không quá nổi tiếng nhưng có "chất lượng cao", như Elfriede Jelinek (Áo), Svetlana Alexievich (Belarus) hay 2 năm trước là Abdulrazak Gurnah (Anh)... Do đó, để đoán trước các kết quả gần như bất khả.

Từ trái sang, hàng trên: Tàn Tuyết, Jon Fosse, Gerald Murnane, Maryse Condé; hàng dưới: Haruki Murakami, László Krasznahorkai, Margaret Atwood, Ludmila Ulitskaya, Ngũgĩ wa Thiong’o. Ảnh: Tư liệu

Từ trái sang, hàng trên: Tàn Tuyết, Jon Fosse, Gerald Murnane, Maryse Condé; hàng dưới: Haruki Murakami, László Krasznahorkai, Margaret Atwood, Ludmila Ulitskaya, Ngũgĩ wa Thiong’o. Ảnh: Tư liệu

Thế nhưng trong vài năm nay, các dự đoán đến từ nhà cái Nicer Odds tỏ ra tương đối chính xác, khi nhiều người đoạt giải thường nằm trong top 10 của danh sách này. Năm ngoái, nữ nhà văn người Pháp Annie Ernaux được cược với tỷ lệ cao nhất đã giành chiến thắng. Thế nên đây dần được xem như bản đề cử không chính thức nhưng tương đối tiệm cận với tình hình chung. Năm nay, người dẫn đầu về tỷ lệ cược hiện là nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết.

Tỷ lệ này không quá khó hiểu khi mới đây cuốn tiểu thuyết được đề cử giải Booker quốc tế - Những chuyện tình thế kỷ mới của Tàn Tuyết, đã được chuyển ngữ sang tiếng Thụy Điển bởi Anna Chen, cũng chính là người chuyển ngữ Mạc Ngôn trước đó. Trong thị trường tiếng Anh, cuốn tiểu thuyết - bán hồi ký Barefoot Doctor của bà cũng vừa xuất hiện, đưa tên tuổi bà đến gần hơn nữa với sự công nhận. Như vậy, ngay từ lần đầu vào danh sách của Nicer Odds năm 2019, mỗi năm Tàn Tuyết lại có rất nhiều hoạt động "duy trì" sức nóng của mình dù cho không hề chủ ý. Điều này còn chưa nói đến thế giới văn chương độc đáo của bà cũng rất gần với xu hướng thưởng thức của ban giám khảo giải thưởng Nobel.

Một tác phẩm của nhà văn Tàn Tuyết đã được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: Nhã Nam

Một tác phẩm của nhà văn Tàn Tuyết đã được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: Nhã Nam

Đứng ngay sau bà là hai tác giả Jon Fosse (Na Uy) và Gerald Murnane (Úc). Cũng như Tàn Tuyết, Jon Fosse tương đối nổi tiếng trong thế giới tiếng Anh, với bộ 7 phần Septology chia làm 3 cuốn từng được đề cử nhiều lần ở giải Booker quốc tế, lần gần đây nhất vào năm 2022. Trong khi đó, Gerald Murnane được ca ngợi là người viết tiếng Anh vĩ đại nhất còn sống, dù vậy ông khá kín tiếng, khi sống ở một thị trấn chỉ có 300 cư dân, và vẫn còn khá xa lạ với thị trường nước ngoài. Ông được J.M.Coetzee và nhiều tác giả danh tiếng khác đánh giá rất cao.

Chiếm giữ những vị trí khác là các tác giả cũng từng góp mặt trong các năm trước, như Anne Carson (Canada), Ludmila Ulitskaya (Nga), Mircea Cărtărescu (Romania), Ngũgĩ wa Thiong'o (Kenya), Thomas Pynchon (Mỹ), László Krasznahorkai (Hungary), Margaret Atwood (Canada), Haruki Murakami (Nhật)… Những cái tên khác cũng được chú ý là Diêm Liên Khoa (Trung Quốc), Salman Rushdie (Anh), Ko Un (Hàn Quốc), Maryse Condé (Guadeloupe - Pháp), Edna O'Brien (Ireland)…

Những yếu tố khác

Không chỉ đảm bảo về mặt chất lượng, các yếu tố chi phối về mặt xã hội, chính trị, thời sự… cũng thường được Viện Hàn lâm tính đến. Quan sát 6 năm gần đây, có thể thấy Ủy ban đang làm rất tốt trong việc cân bằng khía cạnh về bình đẳng giới.

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng giải thưởng nói trên đang quá thiên vị nam giới, khi trong danh sách 100 người chiến thắng chỉ có chưa đến 20 nữ tác giả từng được vinh danh. Thế nhưng kể từ năm 2017, quy trình lựa chọn "xen kẽ" đã được thực hiện. Nếu Kazuo Ishiguro (Anh), Peter Handke (Áo) và Abdulrazak Gunrak (Anh) đã được gọi tên trong các năm lẻ (2017, 2019, 2021), thì 3 năm chẵn đều là các nhà văn nữ: Olga Tokarczuk (2018, Ba Lan), Louise Glück (2020, Mỹ) và mới nhất Annie Ernaux (2022, Pháp).

Nếu theo lập luận kể trên thì người chiến thắng năm nay sẽ là một nhà văn nam. Nhưng không chỉ xét riêng theo giới tính, 2 năm gần đây Ủy ban Nobel cũng rất quan tâm đến các khía cạnh xã hội. Nếu năm 2021 với cuộc khủng hoảng nhân đạo về người di cư đã lý giải vì sao nhà văn hiện thực Abdulrazak Gurnah được chọn, thì một năm sau, với vụ lật ngược phán quyết về quyền phá thai của Quốc hội Mỹ, Annie Ernaux cũng được chú ý khi các tác phẩm của bà khai thác sự tự do cũng như cá tính nữ quyền tương đối nổi trội.

Như vậy, làn sóng nữ quyền và sự xét lại đối với những nhà văn nữ có nhiều khả năng xóa đi quy luật mang tính xen kẽ thiết lập trước đó. Trong trường hợp này, Tàn Tuyết và Ludmila Ulitskaya tỏ ra có nhiều thế mạnh. Trong khi đó, Anne Carson là một nhà thơ, và đây không phải là mảng mà Ủy ban thường xuyên xem xét. Việc Louise Glück đã được vinh danh vào năm 2020 khiến Carson khó có khả năng sẽ được gọi tên.

Ngoài ra, một thập niên qua, những người chiến thắng chỉ đến từ châu Âu cũng khiến độc giả mong đợi sự góp mặt của một tác giả đến từ châu Á, châu Phi, châu Úc hoặc châu Mỹ Latin. Thỏa mãn những yếu tố này, ngoài Tàn Tuyết, có thể kể đến Ngũgĩ wa Thiong'o - tác giả viết bằng tiếng Anh và tiếng bản địa châu Phi nổi tiếng, Maryse Condé - tên tuổi rất lớn đến từ vùng Caribe. Dù cho Maryse Condé cũng vừa có tác phẩm vào giải Booker quốc tế năm nay, nhưng việc bà được trao giải Nobel Thay Thế (Alternative Nobel Literature Prize) vào năm 2018 khi giải chính thức đã phải tạm ngừng vì các bê bối, có nhiều khả năng khiến bà không được xem xét.

Từ những điều trên có thể thấy nhiều khía cạnh tỏ ra đang rất ủng hộ Tàn Tuyết đến với một chiến thắng mới. Tuy vậy, Ủy ban Nobel vẫn luôn khó lường, như khi trao giải cho ca - nhạc sĩ Bob Dylan vào năm 2016, nên kết quả cuối cùng vẫn còn là một ẩn số.

Có thể bạn quan tâm

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.