Dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối tại Ia Pa, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 1 tháng thi công, Dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, khu vực thôn Quý Đức và khu vực cầu Ia Kdăm (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã phát sinh một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để hoàn thành trong năm 2024.

Đề xuất thay đổi biện pháp thi công

Dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, khu vực thôn Quý Đức và khu vực cầu Ia Kdăm có kinh phí đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2023, do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình được xây dựng theo hình thức kè bảo vệ bờ dạng mái nghiêng, có tổng chiều dài hơn 3 km, gồm 4 phân đoạn: khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2 (dài 709 m), cầu Ia Kdăm (dài 965 m), thôn Quý Đức 1 (dài 504 m) và thôn Quý Đức 2 (dài 900 m).

Dự án được khởi công ngày 26-7, dự kiến hoàn thành cuối tháng 12-2024. Đến nay, dự án đã giải ngân được 39 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn.

Công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2 (huyện Ia Pa) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Minh Phương

Công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2 (huyện Ia Pa) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Minh Phương

Báo cáo tổng quát về tiến độ công trình, ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho biết: Dự án theo thiết kế ban đầu là tổ chức đắp đê quây dẫn dòng chảy để thi công phần móng. Tuy nhiên, công trình triển khai thi công vào mùa mưa, lượng nước lớn, dòng chảy mạnh đã liên tục làm vỡ đê quây, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Theo ông Điệp, qua thời gian thi công thực tế cho thấy, phương án đắp đê quây không phù hợp với thời điểm hiện nay. Do vậy, các đơn vị thi công đề nghị chủ đầu tư thay đổi biện pháp thi công tại tuyến kè phân đoạn khu vực thôn Quý Đức 1 và thôn Quý Đức 2 để đảm bảo tiến độ thực hiện công trình.

“Đến thời điểm tháng 10, khu vực này bước vào mùa mưa nên từ nay đến lúc đó, công trình phải cơ bản hoàn thành. Ngay từ bây giờ, vướng mắc này cần được tháo gỡ. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành thống nhất chủ trương thay đổi biện pháp thi công để đảm bảo tiến độ. Dự kiến phương án này sẽ phát sinh hơn 4 tỷ đồng so với dự toán nhưng phải giải quyết vấn đề này thì mới đạt mục tiêu dự án đề ra”-ông Điệp nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (bìa trái) cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra tiến độ thi công công trình. Ảnh: M.P

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (bìa trái) cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra tiến độ thi công công trình. Ảnh: M.P

Trong khi đó, đại diện liên danh nhà thầu, ông Nguyễn Trường Tam-Chỉ huy trưởng công trình (Công ty cổ phần Xây lắp Thành An 96-đơn vị thi công tuyến kè thôn Quý Đức 2) cho biết: Do lượng mưa nhiều nên đơn vị quản lý hồ chứa nước Ayun Hạ liên tục xả nước làm ảnh hưởng đến quá trình thi công. Cụ thể, đơn vị thi công đã tiến hành đắp đê quây đến 4-5 lần nhưng mỗi lần đắp xong liền bị dòng chảy mạnh phá vỡ. Do vậy, đơn vị thi công tuyến kè ở các phân đoạn này đang tính toán lại phương án phù hợp, bắt buộc phải thay đổi biện pháp thi công có tính khả thi hơn mới có thể tiếp tục.

Ông Tam đề nghị: “Chủ đầu tư cần sớm thống nhất chủ trương này để đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng phương án, tính toán phù hợp nhằm triển khai thi công phần móng trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, mực nước dâng cao như hiện nay. Ngoài ra, tại phân đoạn khu vực cầu Ia Kdăm còn vướng một vài hộ chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đề nghị chủ đầu tư sớm giải quyết”.

Thống nhất phương án tháo gỡ

Liên quan đến vướng mắc trong quá trình thi công công trình, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Việc các đơn vị đề nghị thay đổi biện pháp thi công đồng nghĩa với việc bổ sung thiết kế. Đây là thay đổi tương đối lớn về biện pháp thi công, đề nghị chủ đầu tư sớm có hồ sơ gửi các sở, ngành liên quan để tham gia đánh giá, thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

“Hồ sơ thiết kế dự án này đã phê duyệt nên khi điều chỉnh, chủ đầu tư phải làm hồ sơ chặt chẽ. Đồng thời, trước khi thi công lại bằng biện pháp khác thì phải quay phim, chụp ảnh thực tế và có biên bản ghi nhận để so sánh từng thời điểm trước và sau khi đề xuất phương án thay đổi biện pháp thi công, làm minh chứng vì sao có sự thay đổi này”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị.

Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch khẳng định: Việc thay đổi phương án thi công nhằm đảm bảo tính khả thi là cần thiết nhưng cần tính toán, lựa chọn phương án phù hợp. Luật Xây dựng và nghị định hướng dẫn cũng quy định rõ về công trình khẩn cấp và thẩm quyền các bên. Trong đó, người được giao triển khai thực hiện công trình khẩn cấp được toàn quyền tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn, từ khảo sát, thiết kế đến thi công và được quyền lựa chọn giải pháp thi công. Trong trường hợp này, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh có thẩm quyền quyết định.

“Tuy đây là công trình khẩn cấp, thời gian thực hiện gấp rút nhưng đề nghị đơn vị giám sát, tư vấn thiết kế làm hồ sơ thủ tục chặt chẽ. Đối với các trường hợp khẩn cấp phát sinh phải ghi hình và có nhân chứng từng thời điểm thi công. Mặt khác, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu liên quan đến việc vận hành liên hồ chứa để tạo điều kiện cho các đơn vị thi công”-Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (bìa trái, thứ 2 từ ngoài vào) làm việc cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án. Ảnh: M.P

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (bìa trái, thứ 2 từ ngoài vào) làm việc cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án. Ảnh: M.P

Sau khi kiểm tra thực tế tại các vị trí thi công kè chống sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa vào chiều 15-8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát hiện trường để có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, đảm bảo tiến độ đề ra. Cùng với đó, chủ động kiểm tra, giám sát công trình, đồng thời hàng tháng tham mưu UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2024.

“Đây là công trình trong quá trình thi công có thay đổi biện pháp thi công, điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế nên cần quay phim, chụp ảnh, ghi nhật ký công trình một cách chặt chẽ, trung thực và đúng với thực trạng để minh chứng cho việc thay đổi này. Đối với những vấn đề phát sinh, các sở, ngành và đơn vị thi công cùng nghiên cứu các quy định của pháp luật để xử lý, đề xuất phương án giải quyết phù hợp với thực tế. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ động có văn bản phối hợp với đơn vị quản lý hồ chứa nước Ayun Hạ để có thông báo cho chủ đầu tư thời gian xả nước nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công khi triển khai thực hiện dự án”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.

Ban Dân tộc tỉnh: Dấu ấn 20 năm

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Dấu ấn 20 năm

(GLO)- Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã để lại dấu ấn trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.