Nhiều chỉ đạo, công văn, công điện, văn bản kiến nghị, quy định sửa đổi… từ Chính phủ. Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đã liên tục ra các văn bản, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ - ngành, địa phương. Trong đó, bao gồm cả các góp ý, sửa đổi, kiến nghị các nghị định, thông tư… hỗ trợ tốt nhất cho việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần thúc đẩy thị trường hồi phục, lành mạnh, Báo Người Lao Đông đã phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, về vấn đề này.
- Phóng viên: Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông có thể chia sẻ về tổng quan thị trường năm 2023, những điều bản thân ông tâm đắc về thị trường bất động sản, nhất là tại TP HCM trong năm qua?
Ông Lê Hoàng Châu |
+ Ông Lê Hoàng Châu: Phải thừa nhận 2023 là một năm quá nhiều "cảm xúc" đối với người làm bất động sản, với cả người làm chính sách, cả doanh nghiệp và người dân, nhà đầu tư. Như chúng ta đã biết, những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn cho thị trường bất động sản. Từ đó, khiến thị trường khan hiếm nguồn cung, cộng với các chính sách còn "điểm nghẽn" càng khiến doanh nghiệp khó khăn. Bởi, những vướng mắc về luật, nghị định… đã ảnh hưởng đến cấp phép dự án và nhiều thủ tục pháp lý khác. Kết quả, hàng loạt dự án trì trệ, thị trường thiếu thanh khoản, doanh nghiệp khó xoay xở nguồn vốn...
HoREA cũng như bản thân tôi đã theo dõi rất sát thị trường và kiến nghị liên tục các vấn đề phát sinh hay mà chúng tôi cảm thấy cần thiết cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản.
Năm 2023, với gần 180 văn bản gửi đến Chính phủ, các bộ - ngành, địa phương, chúng tôi kiến nghị tất cả các nội dung, lĩnh vực miễn là liên quan trực tiếp, gián tiếp đến thị trường địa ốc, đến người mua, đến khách hàng, doanh nghiệp và cả các vấn đề chính sách.
Tôi cũng đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất, room tín dụng, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, các nội dung sửa đổi, bổ sung góp ý dự thảo hầu hết các luật liên quan bất động sản như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng… Chỉ 2 tháng đầu năm 2024, HoREA cũng đã gửi đi hơn 20 công văn liên quan.
Tuy nhiên, các luật mà Quốc hội vừa thông qua phải đến cuối năm 2024, đầu năm 2025 mới có hiệu lực. Chúng ta kỳ vọng đây sẽ là điểm sáng tích cực cho thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản TP HCM kỳ vọng sẽ tích cực hơn từ năm 2024 |
- Trong các luật vừa được thông qua (Luật Kinh Doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tính dụng), điều gì ông thấy tích cực, tâm đắc để thị trường phát triển lành mạnh trong thời gian tới?
+ Bản thân tôi cũng như Hiệp hội rất hoan nghênh Quốc hội đã biểu quyết thông qua các luật liên quan bất động sản. Trong các luật này có rất nhiều nội dung quan trọng mà khi chính thức có hiệu lực thì sẽ tốt cho thị trường.
Điển hình Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ "khung giá đất" và quy định "bảng giá đất" sẽ giúp cho "bảng giá đất" tiệm cận giá đất thị trường.
Tôi rất mừng và tin rằng thời gian tới, việc cấp sổ hồng cho người dân sẽ thuận lợi hơn, tài sản mà cả đời họ tích góp sẽ được thừa nhận rõ ràng, cụ thể thông qua giấy chứng nhận. Bởi, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định "cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền". Đây là thay đổi rất lớn, rất căn bản trong công tác quản lý nhà nước. Bởi, có thể nói là trước Luật Đất đai (sửa đổi) 2024, Nhà nước chưa coi việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, dẫn đến không có địa phương nào có thể hoàn thành được 100% công tác này. Điển hình là TP HCM đã cấp Giấy chứng nhận đạt hơn 99% cho các thửa đất nhưng vẫn còn một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận dù đã sử dụng đất ổn định từ lâu đời hàng chục năm.
- Sau những gì đã trải qua, đâu là động lực để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới?
+ Hầu hết các vấn đề, những vướng mắc của thị trường đều được Hiệp hội theo dõi, kiến nghị chi tiết, cụ thể nhằm tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả thị trường. Chúng tôi là đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, cũng là đại diện cho người mua, người dân có nhu cầu sở hữu nhà chính đáng. Sau những gì đã trải qua, hiện tại, tất cả các doanh nghiệp đều đang rất nỗ lực. Từ nỗ lực trả nợ trái phiếu, nỗ lực duy trì hoạt động, đặc biệt đã có doanh nghiệp khó khăn, phải luôn tìm cách xoay trở để tồn tại. Có thể thấy những gì đã trải qua là bài học cho doanh nghiệp, phải có sự thận trọng, phải có lành mạnh tài chính, phải chuẩn chỉnh pháp lý khi thực hiện dự án để tránh đổ vỡ.
Năm 2023, có thể thấy nền kinh tế và thị trường bất động sản chuyển động theo chiều hướng tích cực dần về cuối năm. Những khó khăn, vướng mắc về chính sách cũng dần được tháo gỡ. Lãnh đạo các địa phương đã chủ động đồng hành với những khó khăn cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để các dự án tiếp tục triển khai. Hiện tại, các doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục, các tập đoàn khó khăn nhất cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Và trong môi trường lãi suất thấp, ổn định, kèm những nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, tôi tin rằng thị trường 2024 sẽ tích cực hơn rất nhiều, tạo đà phát triển tốt 2025.
Đặc biệt, nhu cầu thật về đầu tư, tích lũy tài sản hay cụ thể nhất, cấp thiết nhất là nhu cầu về nhà ở của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội... sẽ là cơ hội, cũng như động lực để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng.
Khi những vướng mắc pháp lý về đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội được tháo gỡ, khoảng 1.000 dự án bất động sản trên cả nước sẽ được khơi thông, có cơ hội thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn nhằm tái khởi động, tạo nguồn cung cho thị trường.
"Quan trọng nhất, tôi cho rằng từ những khó khăn đã trải qua, các doanh nghiệp bất động sản phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý" - ông Châu nói.