Dòng diễn xướng vẫn vang vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách đây gần 20 năm, Phan Khắc Huy (người sáng lập dự án Vang vọng trống chầu sau này) từ Tiền Giang lên Thành phố Hồ Chí Minh ôn thi đại học. Sau đó, Huy đậu trường y và miệt mài học tập đến ngày tốt nghiệp. Thế nhưng, khi nhận ra bản thân đam mê tìm tòi về lịch sử, văn hóa Nam Bộ, anh chấp nhận học lại mọi thứ từ con số 0. Tích lũy đủ kiến thức, từ năm 2012, Huy khởi động các dự án giáo dục phi lợi nhuận cho lĩnh vực mình yêu thích, trong đó khai thác sâu về nghệ thuật cổ truyền của Nam Bộ.
Phan Khắc Huy (áo xanh, đeo kính) trong các hoạt động giới thiệu về văn hóa, lịch sử Nam Bộ cho bạn trẻ cùng đam mê.

Phan Khắc Huy (áo xanh, đeo kính) trong các hoạt động giới thiệu về văn hóa, lịch sử Nam Bộ cho bạn trẻ cùng đam mê.

Từ tìm hiểu lịch sử 0 đồng

Là tay ngang, lại chọn tìm hiểu về lĩnh vực khó, ban đầu, Huy cũng giống như nhiều bạn trẻ khác vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Học, đọc, tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu, tranh thủ từng cơ hội để gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ… kiến thức ngày càng dày thêm, nhưng đường đi vẫn khá mông lung. Cuối cùng, Huy quyết định tổ chức các hoạt động “0 đồng” theo nhóm nhỏ để từng bước tạo nên cộng đồng các bạn trẻ có cùng mối quan tâm. Anh thiết kế những lớp học ngoài trời, những chuyến đi gần, tạo cơ hội cho các bạn trẻ tiếp xúc với văn hóa địa phương, tìm hiểu về lịch sử các địa danh tại Thành phố Hồ Chí Minh và vài tỉnh lân cận. Vừa làm, vừa học, Huy may mắn được các cô chú, anh chị đi trước chỉ dẫn tận tình, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn để các chương trình chia sẻ phi lợi nhuận của chàng trai miền Tây thêm đầy đặn, hấp dẫn hơn. Đến nay, cộng đồng những bạn trẻ yêu lịch sử, văn hóa Nam Bộ do Huy gầy dựng đã có hơn 1.000 thành viên.

Năm 2017, Huy liều mình triển khai một chuỗi hoạt động mà anh ấp ủ bấy lâu: dự án “Diễn xướng Nam Bộ”. Với dự án này, trong thời gian gần ba năm, ngoài việc triển khai bộ bốn quyển giáo trình về nghệ thuật cổ truyền cho học sinh, sinh viên theo cách mềm mại, nhẹ nhàng và dễ tiếp cận nhất, Huy cùng cộng sự còn tổ chức được 8 chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn xướng Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khán giả trẻ nên việc lên chương trình, biểu diễn, diễn thuyết sao cho hấp dẫn là điều chẳng hề đơn giản, nhất là với những loại hình mà đa phần ít người biết rõ. Mỗi buổi biểu diễn có chủ đề riêng, bao gồm cả phần giới thiệu về lịch sử, cách trình diễn các loại hình do các nhà nghiên cứu chia sẻ và các trích đoạn biểu diễn được các nghệ nhân đầu tư công phu. Với dự án đầy tâm huyết này, Huy còn tổ chức được hơn 30 buổi học để bạn trẻ được tìm hiểu kỹ về từng loại hình diễn xướng Nam Bộ mà mình yêu thích như hát bội, cải lương, đờn ca tài tử…

Đó là những tháng ngày bận rộn và vui nhất trong hành trình điền dã tìm hiểu về nghệ thuật cổ truyền Nam Bộ mà Huy tạo ra cho mình và các cộng sự. Vì muốn có thể lưu trữ, giới thiệu các loại hình diễn xướng cổ truyền của miền Nam đến bạn trẻ ngày nay, Huy không dừng lại ở việc tìm hiểu từ sách vở, kết nối các nhà nghiên cứu và nghệ nhân với cộng đồng mà muốn tự thân sưu tầm chất liệu sống về những loại hình có nguy cơ thất truyền. Nhớ lại lúc tìm hiểu về múa bóng rỗi hay hát sắc bùa, đi khắp thành phố không thấy nghệ nhân nào còn lưu giữ hay có thể biểu diễn trọn vẹn, Huy buồn lắm, sợ thêm một số loại hình nghệ thuật cổ truyền bị lãng quên. Vậy mà trời thương, nhờ người chỉ lối để Huy xuôi về miền Tây tìm gặp được khá nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu.

Đầu năm 2019, nghe người quen báo tận xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Văn Hội rất giỏi về Diễn xướng sắc bùa. Lòng khấp khởi, Huy khăn gói lên đường, mong được trò chuyện và nghe nguyên Giám đốc Bảo tàng Bến Tre chia sẻ về loại hình đặc biệt này. “Lúc tôi ghé thăm, chú Lư Hội bệnh nặng, không thể giúp được nhiều dù lòng chú rất muốn. May mắn là nhóm hát sắc bùa do chú gầy dựng vẫn còn hoạt động, tôi và các cộng sự liền bố trí, mời các cô chú lên Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Đây là nhóm hát sắc bùa duy nhất tại đồng bằng sông Cửu Long, mọi thứ thật ấn tượng. Toàn bộ chương trình biểu diễn lần đó được chúng tôi ghi hình đầy đủ và lưu vào kho tư liệu. Không lâu sau, chú Lư Hội qua đời. Đến giờ, tôi vẫn giữ món quà tinh thần đó như vật quý trong hành trình gìn giữ nghệ thuật cổ truyền”, anh Huy kể lại.

Đến sống được cùng bản sắc

Giai đoạn thực hiện dự án “Diễn xướng Nam Bộ”, điều Huy tâm đắc nhất là tạo được sự bất ngờ cho chính khán giả trẻ và những nghệ nhân, nghệ sĩ trong các chương trình biểu diễn tại sân khấu có bán vé. Giá vé không cao, khán giả không nườm nượp kéo đến nhưng đủ để tạo nên nụ cười đầy hạnh phúc trên gương mặt của nghệ sĩ, diễn viên. Như lần Huy đưa hát bội lên trình diễn tại sân khấu Kim Ngân (quận Bình Thạnh), sau khi chương trình kết thúc, một chú trong đoàn vỗ vai, nói giọng run run đầy xúc động “Lâu lắm rồi hát bội mới bán được vé và được diễn trên sân khấu rộng rãi như thế này. Từ trước đến giờ, mấy cô chú toàn diễn hát bội ở đình miếu, hoàn toàn miễn phí mà có khi chẳng mấy ai xem”. Nghe tới đó, Huy thấy lòng vui lắm vì anh biết đâu chỉ riêng hát bội mà nhiều loại hình diễn xướng khác rồi sẽ tìm được sức sống trong thời hiện đại nếu khán giả vẫn say mê.

Việc miệt mài làm cầu nối giữa nhà nghiên cứu, nghệ nhân và khán giả trong các dự án phi lợi nhuận suốt nhiều năm qua không chỉ giúp Huy hiểu thêm các hình thức biểu diễn nghệ thuật cổ truyền mà biết được nhu cầu thực tế của khán giả trẻ hiện nay. Hiểu thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu các lĩnh vực văn hóa, lịch sử của bạn trẻ thời hiện đại, từ năm 2020, Huy triển khai dự án “Vang vọng trống chầu” với nhiều thay đổi so với trước kia. Điểm thay đổi đầu tiên là thay vì hoàn toàn miễn phí, giờ đây, Huy chăm chút tỉ mỉ cho từng hoạt động trải nghiệm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đưa ra một mức thu vừa phải để nuôi dự án, hỗ trợ các địa điểm kết nối và tạo thêm động lực “học” cho người trẻ. Tín hiệu vui là năm nay, lượng chương trình Huy tổ chức tăng gấp đôi và lượng khách hàng tìm đến tăng gấp ba so với năm 2022.

Không quá tập trung vào các chương trình biểu diễn, giờ đây, Huy nhấn mạnh vào yếu tố giáo dục trong từng hoạt động trải nghiệm để sau mỗi chuyến đi, bạn trẻ biết thêm những điều thú vị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật truyền thống. Hoạt động được nhiều bạn trẻ tìm đến “Vang vọng trống chầu” nhất hiện nay là “Đi để học” - một chuyến đi bộ điền dã, học hỏi và khám phá văn hóa địa phương. Mỗi chương trình là một chuyên đề học tập được tổ chức trong một không gian thực địa nhất định, người hướng dẫn sẽ gợi mở các nội dung để người tham gia cùng nhau khám phá. Tại mỗi điểm đến, Huy đều chọn lựa những người địa phương am hiểu về văn hóa, lịch sử đứng ra chia sẻ với người tham gia lớp. Chính cách làm “người thật việc thật” ấy đã tạo nên sức sống cho các lớp học độc đáo này.

Vì muốn tiếp cận tối đa nhu cầu trải nghiệm, học hỏi của người trẻ, Huy chia “Đi để học” làm hai nhánh tùy theo thời lượng chương trình và điểm đến. Với “Echoing Trip”, các chuyến đi bộ gói gọn thời gian trải nghiệm trong ngày với các địa điểm quen thuộc tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận. Mỗi tuần sẽ có từ hai đến ba chuyến đi ngắn được tổ chức. Đến nay, Huy đã có được lượng khách hàng ổn định, là những nhóm bạn trẻ thích thú tìm hiểu về lịch sử các điểm đến. Trong khi đó, “Echoing Journey” là những chuyến điền dã miền Tây dài ngày được tổ chức một đến hai lần/tháng, nhằm giới thiệu nét đặc sắc về lịch sử, văn hóa vùng miền và những câu chuyện thú vị xoay quanh nghệ thuật truyền thống.

Huy kể, ban đầu, nhiều người quen với kiểu đi du lịch là vui chơi, nghỉ dưỡng, chụp ảnh, trải nghiệm ẩm thực nên mấy chuyến đầu, không ít khách hàng than mệt vì phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức. Nhưng rồi, nhiều người trong số họ sau một thời gian lại nhắn hỏi Huy “Đã có lớp mới chưa để tụi mình đăng ký tham gia”. Lúc đó, Huy biết, khách hàng đã chấp nhận vì thấy sự hữu ích của các sản phẩm do mình tạo ra. “Khi làm điều mới mẻ, tất nhiên bạn sẽ gặp phải khó khăn. Tôi tạo ra sản phẩm khác với quan niệm từ trước đến nay của nhiều người nên cần để họ có thời gian trải nghiệm, đánh giá và chấp nhận. Phải mấy tháng liền mọi người mới quen với dạng thức này, mà khi quen rồi thì lại thích, đi mãi, học mãi. Điều này đúng với kỳ vọng của tôi trên hành trình đã chọn. Tôi muốn sẽ có nhiều bạn trẻ thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Nam Bộ để thêm yêu và giữ gìn những điều tốt đẹp đã có từ rất lâu”, Huy vui vẻ cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.