Đây là một trong những lễ hội lớn nhất, đánh dấu kết thúc của một chu kỳ sản xuất của người Rơ Măm, một trong năm dân tộc ít người nhất cả nước, với 178 hộ và 526 khẩu.
Tái hiện Lễ mở kho lúa của người Rơ Măm (làng Le, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN |
Lễ hội Mở cửa kho lúa có ý nghĩa tôn vinh những hạt lúa của Yàng ban cho dân. Việc cúng Yàng, cúng các thần linh để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Người Rơ Măm coi đây là sự tồn tại không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mình.Theo quan niệm của người Rơ Măm, Mở cửa kho lúa là một nghi thức quan trọng, bắt buộc, trước khi người dân gùi lúa về nhà.
Để làm lễ Mở cửa kho, chủ nhà chuẩn bị một cành lá xanh, một quả trứng gà và ghè rượu. hủ nhà cài cành lá vào cửa kho lúa và cầu thang, ngụ ý mong cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu.
Sau khi các công việc chuẩn bị hoàn tất, người Rơ Măm bắt đầu làm lễ Mở cửa kho. Đầu tiên, người dân cúng mở cửa kho lúa của gia đình, sau đó lễ cúng diễn ra tại nhà rông, nơi người dân đang tập trung.
Tái hiện Lễ mở kho lúa của người Rơ Măm (làng Le, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN |
"Hôm nay, gia đình làm lễ Mở cửa kho lúa, chúng tôi đem gà, trứng, rượu ghè làm lễ vật mời Yàng trời, Yàng sông cùng chung vui và chứng kiến cho gia đình được mang lúa về nhà. Mong Yàng cho lúa trong kho đầy mãi, không bị chuột phá hỏng" ông A Ren, già làng làng Le khấn.
Sau lời khấn, kho lúa được mở cửa. Trong không khí linh thiêng, phụ nữ làng Le gùi lúa ra sân để giã gạo cùng âm thanh sôi động của bài chiêng đâm trâu (bài Trum). Trong nhịp xoang, những điệu múa uyển chuyển, thanh thoát của các cô gái Rơ Măm tăng thêm không cho khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội.
Cùng lúc đó, già A Ren tiếp tục báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong thôn làng trong năm; cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận, gió hòa; cây trồng không bị dịch bệnh; thú rừng không phá hoại mùa màng. Sau những lời khấn, mời gọi thần linh về chứng giám và phù hộ, già A Ren ném gạo vào con vật hiến sinh (trâu), chia gạo cho dân làng. Khi đã nhận được gạo, dân đồng loạt ném về phía con trâu, với ngụ ý cho trâu ăn đồng thời mong con vật hiến sinh sẽ đem hết vận xui đi và mang lại may mắn cho gia đình, cộng đồng làng.
Gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên là dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên trình diễn, giới thiệu trích đoạn các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN |
"Ơi Yàng trời, Yàng đất, Yàng sông, hôm nay dân làng cúng con trâu làm lễ mở cửa kho lúa, xin Yàng, thần linh phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe, ăn đủ trong năm, đi rừng, đi rẫy gặp trâu, gặp dê không phải kiêng cữ nữa. Xin mời Yàng về ăn uống với dân làng" già A Ren tiếp tục nói.
Khi ghè rượu và các món ăn đã chuẩn bị đầy đủ, già làng mời dân làng đến uống rượu. Già làng lấy nước được các thiếu nữ gùi về từ giọt nước đầu làng rưới lên đầu từng người. Theo quan niệm, ai được nhận những giọt nước này sẽ được nhận cả những điều may mắn và tốt đẹp. Chính vì vậy, ai trong làng cũng háo hức đón những dòng nước mát, giọt nước của may mắn, mạnh khỏe và yên vui.
Trong không khí tưng bừng của ngày lễ, mọi người chúc nhau những điều tốt lành, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất, những khó nhọc, gian khổ trong cuộc sống, mời nhau ăn, uống. Đặc biệt, trong ngày lễ, khách từ các làng lân cận hay khách phương xa khi tham dự đều được dân làng Rơ Măm tiếp đón ân cần như các thành viên trong cộng đồng làng.
Hiện nay, cùng với nhiều lễ hội như: Lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà rông mới..., các nghi lễ khác gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được người Rơ Măm gìn giữ và duy trì, trong đó lễ Mở cửa kho lúa là lớn nhất.