Đón tết ở bệnh viện dã chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối năm, những người xa quê hối hả về nhà đoàn tụ gia đình. Riêng với y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến sẽ đón tết tại bệnh viện.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (BVDC số 12) tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) do các bác sĩ (BS), điều dưỡng (ĐD) BV Da liễu TP.HCM phụ trách hiện vẫn đang hoạt động. Bệnh nhân (BN) ở đây chủ yếu là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài trở về quê hương đón tết cùng gia đình, không may mắc Covid-19.

Các bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên tích cực làm việc tại BVDC số 12 những ngày sát tết
Các bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên tích cực làm việc tại BVDC số 12 những ngày sát tết
Ăn tết ở bệnh viện
Một ngày cuối tháng 1, chúng tôi đến BVDC số 12. BS Trần Bá Tòng (BS BV Da liễu TP.HCM đến công tác tại đây) cho biết, mỗi nhân viên y tế ở BV này thường trực theo đợt kéo dài 6 tuần, luân phiên.
Chúng tôi leo thang bộ đến tầng 4, tại đây các BS, ĐD và cả tình nguyện viên (TNV) tất bật, người thì tư vấn cho BN qua điện thoại, người lo hồ sơ bệnh án... Các BN tại đây đa phần chỉ có triệu chứng nhẹ và đều đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin Covid-19. Ngoài thăm khám trực tiếp 2 lần/ngày, các y BS chủ yếu trao đổi với BN qua điện thoại.
Các BS, ĐD và cả TNV cho biết họ sẽ ăn tết tại BV. Nhiều người vì công việc tại BV, số khác lại chưa thể về do ở quê nhà dịch vẫn đang phức tạp.
Trao đổi với chúng tôi, BS Tòng cho biết ông bắt đầu trực đã 2 tuần, sẽ ăn tết tại BV. BS Tòng chia sẻ, làm ở BVDC khác nhiều thứ so với ở BV thông thường, về quy trình rồi BN cũng khác... “Tết năm nay làm việc ở BV thì mình vui xuân ngay trong BV, mọi năm tụ họp cùng bạn bè, người thân ở nhà, năm nay vui xuân cùng đồng nghiệp và BN ở đây. Tết, ai cũng muốn sum họp với gia đình, nhưng là BS mình phải có trách nhiệm với công việc, nghề nghiệp, được phân công thì mình làm, chỉ mong dịch sớm hết”, BS Tòng nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại BVDC này hiện không khí không căng thẳng như thời điểm tháng 7, 8.2021 khi chúng tôi đến đây tác nghiệp. Đã qua những ngày tháng căng mình chống dịch, thời điểm mà mọi phòng bệnh ở đây đều sáng đèn nay chỉ còn lai rai, nhiều BVDC tại đây đã ngưng hoạt động là tín hiệu đáng mừng (trước đây khu vực này là một quần thể BVDC hình thành từ nhiều tòa nhà chung cư).
Tết năm nay làm việc ở bệnh viện thì mình vui xuân ngay trong bệnh viện, mọi năm tụ họp cùng bạn bè, người thân ở nhà, năm nay vui xuân cùng đồng nghiệp và bệnh nhân ở đây.
BS Trần Bá Tòng, BVDC số 12
Sự khốc liệt cùng những giây phút giành giật sự sống cho BN vẫn in sâu vào tâm trí nhiều BS, ĐD ở đây. Từng công tác tại khoa cấp cứu nhiều bệnh nặng, BS Tòng có những kỷ niệm khó quên. Đó là những lần chạy khắp nơi tìm bình ô xy, rồi khi ô xy không đủ cho tất cả BN, có những thời điểm 2 BN buộc phải chia sẻ 1 bình ô xy trong khi chờ các BS tìm được bình ô xy cho người còn lại.
“Có hôm mình đang trực khu cấp cứu thì tiếp một BN có dấu hiệu trở nặng, SpO2 tụt nên mình cho thở ô xy, khoảng 2 tiếng sau BN cần phải đặt nội khí quản, tiên lượng nặng nên quyết định chuyển bệnh lên tuyến cao hơn. Lúc đó đi theo BN còn có đứa bé 10 tuổi là con của BN, bé hoảng loạn khóc rất nhiều khi chứng kiến ba đang thở máy. Tiếng còi xe cấp cứu rất to, mình ngồi ở khoang lái, đứa nhỏ ngồi khoang sau, tiếng khóc của bé như át đi tiếng còi cấp cứu. Trên đường về mình mới biết mẹ bé cũng đang điều trị Covid-19 ở một BV khác. Covid-19 khiến gia đình 3 người mỗi người một nơi”, BS Tòng nhớ lại.
Hôm 22.1, nhiều BN đủ điều kiện ra viện, giấy tờ thủ tục cần phải hoàn thành sớm nên TNV Lăng Thị Nguyệt (quê Đắk Lắk) cũng khá bận rộn. Nguyệt đang là sinh viên năm thứ 5 Đại học Y Dược TP.HCM, tết năm nay được nghỉ 15 ngày, Nguyệt quyết định ở lại TP.HCM.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại BVDC số 12. Ảnh: Khánh Trần
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại BVDC số 12. Ảnh: Khánh Trần
Mong muốn tham gia chống dịch vừa để trải nghiệm vừa nâng cao năng lực, kỹ năng mềm, Nguyệt cùng nhiều bạn bè đăng ký làm TNV ở các BVDC, đến nay đã hơn 1 tuần. Lần đầu làm việc ở BVDC, nhiều công việc khiến Nguyệt bỡ ngỡ nhưng đã dần quen.
“Xa nhà đi học 5 năm, 4 năm trước thì năm nào em cũng về tết, tầm này nếu ở nhà là em đang dọn dẹp nhà cửa, rồi đi mua sắm, đi chơi cùng bạn bè. Không khí tết ở quê khá nhộn nhịp. Năm đầu tiên đón tết xa nhà, đón tết ở TP.HCM cảm giác khó tả lắm”, Nguyệt chia sẻ.
Mong sớm hết dịch
Tham gia chống dịch tại BVDC số 12 từ những ngày cao điểm của tháng 7.2021, “cuộc sống” tại BVDC đã quá quen thuộc với BS Bùi Minh Tân (công tác tại BV Da liễu TP.HCM). Tết Nhâm Dần, BS Tân cũng ăn tết tại BVDC này. Hằng ngày, BS Tân phụ trách tiếp nhận BN đa số là người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài về nước đón tết, khám sàng lọc và tư vấn về các quy định tại BV, đặc biệt là với những người nước ngoài.

Tình nguyện viên hỗ trợ đưa bệnh nhân xuất viện hôm 22.1 (20 tháng chạp)
Tình nguyện viên hỗ trợ đưa bệnh nhân xuất viện hôm 22.1 (20 tháng chạp)
“Khi BN đến cách ly ở đây, mình phải giới thiệu rõ cho họ biết đây là một BVDC, không phải khách sạn nên việc sinh hoạt sẽ không được tiện nghi như ở nhà hay khách sạn. BN có thắc mắc hay triệu chứng gì thì mình giải đáp và cho thuốc. Hiện đa số BN chỉ có triệu chứng nhẹ cũng như tiêm đủ mũi vắc xin nên công việc không quá nặng như lúc trước”, BS Tân chia sẻ.
Sau 5 tháng chống dịch, mọi thứ tuy đỡ cực hơn nhưng BS Tân bày tỏ: “Mong sớm hết dịch, khi đó BN vui, các BS cũng vui, để cuộc sống trở lại bình thường”. Vẫn chưa có người yêu, BS Tân mong sớm hết dịch để còn có thời gian mà tính!
Cũng đang chống dịch tại BVDC số 12 gần 2 tháng nay, TNV N.H.L (quê Đồng Nai, sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM) sẽ đón cái tết Nhâm Dần tại BVDC. L. cho biết mình vừa tốt nghiệp đại học nhưng vì dịch giã nên khó xin việc. Trong thời gian chờ học lên cao hơn, để không lãng phí thời gian, L. đăng ký vào BVDC làm việc để có thêm kinh nghiệm cũng như thu nhập.
Hằng ngày, L. phụ trách đường dây nóng của BVDC, tư vấn, phản hồi về tình trạng của BN hay yêu cầu của họ đến các BS. Đặc thù BVDC số 12 có nhiều BN là người nước ngoài, khác biệt về văn hóa ẩm thực, vì thế họ thường xuyên nhờ L. đặt các món ăn phù hợp với khẩu vị của mình.
Điều L. mong chờ mỗi ngày là có bao nhiêu BN được xuất viện. “Mình mong họ sớm được ra viện lắm. BN được xuất viện sớm thì khỏe cho BN mà cũng khỏe cho mình nữa. Với lại cũng sắp tết rồi, chỉ mong mọi người về nhà chứ không phải ở lại BV”, L. tâm sự.
Không chỉ ở BVDC số 12, vẫn còn nhiều y BS, ĐD, TNV đang tham gia chống dịch nơi tuyến đầu. 2021 là một năm đầy khó khăn, nhiều người hy sinh khoảng thời gian quý giá bên gia đình để đồng hành cùng BN vượt qua Covid-19.
(còn tiếp)
Theo Khánh Trần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.