(GLO)- Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Cộng đồng dân tộc ở các buôn làng rất phấn khởi ra sức thi đua lao động sản xuất từng bước xây dựng cuộc sống mới ấm no và tốt đẹp hơn. Bây giờ, nếu ai có dịp đến Gia Lai thì đều ghi nhận những đổi thay đáng kể trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nạn đói kinh niên trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn nữa, số hộ nghèo cũng được giảm mạnh qua từng năm và mang nhiều yếu tố bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 17,23% số hộ nghèo (trên 50.000 hộ) và đang phấn đấu giảm nhanh trong những năm tới.
Phải khẳng định rằng trong các chương trình, chính sách đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì Chương trình 135 mang lại hiệu quả cao nhất, làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn. Với tổng nguồn kinh phí đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tỉnh đã dành hơn 1.000 tỷ đồng cho hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm. Những công trình, hạng mục công trình phục vụ sản xuất và đời sống trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được hình thành và “phủ kín” đến từng buôn làng. Theo đó, tỉnh đã triển khai làm mới và nâng cấp 880 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 31 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với 10.000 mét kênh mương, xây dựng được 90 trường học, 757 công trình cấp nước sinh hoạt... Hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.
Cùng với đó, ý thức của bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có sự chuyển biến tích cực, từng bước phát huy tiềm năng và thế mạnh từng vùng. Diện tích đất hoang hóa, đất nương rẫy đã được cải tạo đưa vào trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cao su, cà phê, tiêu, mía cao sản, bời lời... Nhiều diện tích lúa 1 vụ đã chuyển thành đất lúa 2 vụ cho năng suất cao. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã trở thành tỷ phú từ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Điển hình như hộ Rơ Mal Brao, ở làng Mới (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) sở hữu đến 15 ha cao su và cà phê, thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Hàng ngàn hộ có mức thu nhập vài ba trăm triệu đồng mỗi năm. Hệ thống giao thông thuận lợi, trường lớp được xây dựng đến tận buôn làng nên bà con cũng đã cho con em mình đến lớp học, hạn chế tình trạng theo cha mẹ lên nương rẫy như những năm trước đây. Bà con đau ốm thì đến cơ sở y tế điều trị.
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Văn Nguyên |
Kon Pne (huyện Kbang) là xã vùng sâu và khó khăn nhất của tỉnh. Trước đây, người dân phải đi bộ mất cả ngày trời mới đến trung tâm huyện. Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm đường ô tô, kéo điện lưới đến tận trung tâm xã và các buôn làng. Nhờ đó, Kon Pne đã thực sự khởi sắc. Hơn 100 ha lúa nước 2 vụ đã được cải tạo và đưa vào gieo trồng đạt năng suất khá cao, cả xã bây giờ đã đảm bảo về lương thực tại chỗ và không còn tình trạng thiếu đói giáp hạt. Ông Nguyễn Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện nay, xã đã nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm cây cà phê, bời lời và có kế hoạch nhân rộng trong đất rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Gia Lai hiện có 222 xã với hơn 2.000 thôn làng. Trong số hơn 1,3 triệu dân, có khoảng 45% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là 2 dân tộc Bahnar và Jrai. Chương trình 135 đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Đến nay, đã có 100% số xã trong toàn tỉnh có đường ô tô đến tận trung tâm và không còn tình trạng ách tắc giao thông trong mùa mưa; 100% buôn làng đều có điện lưới quốc gia với hơn 80% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện; hơn 70% số hộ dùng nước hợp vệ sinh. Hệ thống trường lớp và trạm y tế xã cũng được xây dựng “phủ kín” đến các buôn làng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Văn Nguyên