Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Nữ thủy thủ Việt trên tàu viễn dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trở thành thủy thủ tàu viễn dương ở VN giờ không còn là câu chuyện của riêng phái mạnh. Những định kiến xưa nay không cản bước được những cô gái yêu nghề đi biển.

Những cô gái mê buồng máy

Có 5 cô gái đã được Cục Hàng hải VN trao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên nữ đầu tiên của VN từ năm 2021 đến nay. Rào cản cuối cùng để họ bước chân lên những con tàu viễn dương đã không còn. Hứa Nguyễn Hoài Thương, nữ sĩ quan máy tàu viễn dương đầu tiên mà tôi gặp cách đây 3 năm, vừa thông báo ngày nhập tàu ngay dịp Tết Nguyên đán 2024. Cô gái 25 tuổi, quê Bạc Liêu, dù nhí nhảnh nhưng không giấu được xúc động: "Em chưa dám nói với ba mẹ, 3 năm đi tàu thì em có 2 cái tết tàu rồi đó". Vượt qua kỳ Cadet (thực tập sĩ quan), Thương hiện là sĩ quan máy 4, Công ty cổ phần thương mại Trung Á, TP.HCM.

Lê Nguyễn Bảo Thư với mục tiêu trở thành nữ thuyền trưởng tàu viễn dương đầu tiên ở VN

Lê Nguyễn Bảo Thư với mục tiêu trở thành nữ thuyền trưởng tàu viễn dương đầu tiên ở VN

Hoài Thương từng rất lo lắng vì không có công ty nào nhận vào thực tập sau khi tốt nghiệp ngành máy tàu biển. "Họ từ chối bằng việc hứa hẹn rồi im lặng", Thương nói. Ông Nguyễn Trần Thuyết, phụ trách quản lý kỹ thuật Công ty Trung Á, chia sẻ về lý do công ty nhận các nữ thuyền viên mới ra trường: "Là nữ nhưng các bạn không sợ bẩn, không sợ nóng, không ngại mặc những bộ đồ bảo hộ lấm lem dầu mỡ…, dấn thân vào công việc học hỏi. Khi đề xuất đưa một nữ thuyền viên xuống tàu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ sự dị nghị của nhiều tổ chức, công ty trong cùng lĩnh vực. Chúng tôi cũng phải nghiên cứu chuẩn bị tìm hiểu từ quy chế nhà nước đến cải thiện các quy định của công ty từ sinh hoạt thường ngày cho tới công việc và nghỉ ngơi của thuyền viên nữ".

"Em hiểu rằng các anh chị trong công ty ủng hộ mình xuống tàu đã phải đảm bảo bằng danh dự, trách nhiệm trong công việc của họ để em được thực hiện ước mơ của mình. Vì vậy, em càng quyết tâm hơn", Hoài Thương bộc bạch. Vị đại diện Công ty Trung Á cũng nói thêm: "Cả hai bạn nữ thuyền viên đã đi biển được 3 năm, trên những đội tàu được coi là khắc nghiệt nhất của ngành (tàu chở khí hóa lỏng và hóa chất). Họ đã hoàn thành chức danh sĩ quan vận hành mà ngay cả nhiều thuyền viên nam cũng khó đạt được nếu không có quyết tâm cao".

Hứa Nguyễn Hoài Thương, nữ sĩ quan máy tàu viễn dương đầu tiên của VN

Hứa Nguyễn Hoài Thương, nữ sĩ quan máy tàu viễn dương đầu tiên của VN

"Chọn nghề là chấp nhận hết thảy"

Trong một lần tình cờ gặp mặt với sinh viên ngành máy tàu, Hoài Thương có dịp trò chuyện với Lê Võ Thục Quyên, 24 tuổi, quê H.Bình Chánh, TP.HCM. Quyên chia sẻ: "Mình tốt nghiệp vào tháng 4.2023. Dù mình tìm việc làm và nộp hồ sơ cho rất nhiều công ty, nhưng công việc bên máy tàu biển có tính chất nặng nhọc nên nhiều công ty hàng hải e ngại khi chọn nữ. Thời gian đó mình rơi vào khủng hoảng, nghĩ là sẽ không kiếm được việc đúng chuyên ngành mình học, có lẽ phải đi học một ngành khác để tìm việc".

Nhưng may mắn, vào tháng 6.2023, Quyên nhận được cuộc gọi đầu tiên từ Công ty NS United Kaiun Kaisha Ltd (NSU) của Nhật báo nhận phỏng vấn. Họ bảo cô chuẩn bị thật kỹ từ kiến thức chuyên ngành đến tiếng Anh. "Đó là một công ty có tiếng và lâu đời tại Nhật Bản chuyên chở mặt hàng quặng, tàu capesize lớn tầm từ 20 - 40 vạn tấn. Và mình được nhận thực tập sĩ quan máy trên tàu từ 12.10.2023. Tháng 2.2024, mình có hải trình đi để thi tiếp chức danh sĩ quan máy 3 với mức lương 3.200 USD/tháng. Hiện tại, mình nhận mức lương 700 USD/tháng trong 12 tháng thực tập", Quyên nói.

Lý do khiến các công ty vận tải biển e ngại khi nhận nữ là gì? "Cái cờ lê vặn siết ốc của máy chính có thể nặng đến 20 kg. Hay như cái tạ để mở máy lọc nặng 20 - 30 kg, con gái vác không nổi đâu. Việc ở khoang máy rất nặng nhọc. Cụ thể, máy trưởng quản lý chung, máy 2 phụ trách máy chính, máy đốt rác, máy phân ly dầu nước. Máy 3 coi máy đèn (phát điện), quản lý dầu đốt, dầu nhớt, nồi hơi; máy 4 làm các loại bơm, máy lọc, máy nén khí. Cho nên dù là nữ, các bạn đều phải giỏi chuyên môn, xốc vác công việc nặng nhọc ấy thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc", thủy thủ Phan Ngọc Long (31 tuổi), quê TP.HCM, cho biết.

Vậy động lực nào để những cô gái "chân yếu tay mềm" ấy tiếp tục bám biển? Quyên tâm tình: "Tuổi trẻ của tụi em rất ngắn, em muốn trải nghiệm để sau này không có gì hối tiếc. Tiếc nhất khi học hàng hải mà lại không đi tàu".

Thục Quyên lần đầu đón tết trên tàu trong kỳ thực tập sĩ quan

Thục Quyên lần đầu đón tết trên tàu trong kỳ thực tập sĩ quan

Sau 3 năm đi tàu, Hoài Thương có kế hoạch trở thành sĩ quan quản lý. Cô bộc bạch: "Vận hành tàu có sĩ quan boong và máy. Mỗi công việc có rủi ro, nặng nhọc riêng. Bên boong họ tiếp xúc với hàng hóa độc hại thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đó là cái giá của việc tiền lương của người đi biển rất cao. Họ phải có kiến thức và tuân thủ quy định hàng hải để giảm thiểu rủi ro cho bản thân. Chọn nghề là chấp nhận hết thảy". Hoài Thương có kế hoạch trong 5 năm tới là sẽ đi sĩ quan vận hành 12 tháng, đủ 12 tháng trên biển.

Lê Nguyễn Bảo Thư là sĩ quan ngành boong đang làm việc trên đội tàu của Công ty Stolt Tanker với chức danh Phó 3. Cô cũng được tuyển chọn vào chương trình Học bổng của chủ tàu Stolt Tankers và Công ty TNHH Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải (UT - STC) từ năm thứ ba. Hoàn thành chương trình tốt nghiệp, Thư đến một cảng biển tại Tokyo, Nhật Bản để xuống tàu thực tập từ tháng 1.2021.

Thư kể: "Đó là chuyến đi đầu tiên, trải dài từ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, đi qua hai con kênh đào huyền thoại Panama và Suez. Tuyến hành trình đó kéo dài khoảng 8 tháng, thay vì 4 - 5 tháng do dịch Covid-19, nên em không về nhà đúng hạn được. Bão ở Đại Tây Dương là thứ em sợ nhất. Sóng to, gió lớn khiến tàu rung lắc dữ dội tưởng chừng có thể lật úp, kéo dài mấy ngày liên tiếp khiến mọi người không ai nghỉ ngơi ăn uống được; nhưng công việc mỗi ngày vẫn cứ phải làm. Em đã trải qua 2 năm ăn tết xa nhà, vì công việc nhiều nên cũng không có thời gian tủi thân gì cả. Chỉ những lúc rảnh thì em tranh thủ gọi về nhà chúc tết gia đình".

Động lực của Thư khi đi biển như cô chia sẻ là vì lương cao và được làm việc ở môi trường đa quốc tịch, không gò bó như làm ở văn phòng. Mục tiêu của cô gái 25 tuổi này là tiếp tục đi biển và vượt qua các kỳ thi để trở thành nữ thuyền trưởng tàu viễn dương đầu tiên ở VN.

"Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở những vùng biển lớn khiến nhiều người không thể vượt qua các hải trình xa. Bên cạnh đó là những loại hàng hóa nguy hiểm trên tàu có khả năng cháy nổ, rò rỉ khí độc nếu không tuân thủ quy trình của công ty. Và vấn đề mới nhất hiện nay là những vụ tấn công bằng vũ khí công nghệ cao ở biển Đỏ, cướp biển Somalia, Guinea đang khiến những thuyền viên chạy tuyến đó lo lắng. Mặc dù có rất nhiều sự hỗ trợ từ tàu hải quân, nhưng khi đi qua khu vực đó, thuyền viên đều trong tâm thế sẵn sàng", Thư nhắn gửi chúng tôi từ hải trình đang đi tàu viễn dương trong Tết Nguyên đán 2024.

Hoài Thương hiện là sĩ quan máy 4 trên tàu viễn dương

Hoài Thương hiện là sĩ quan máy 4 trên tàu viễn dương

Hoài Thương và Bảo Thư - hai nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam tình cờ gặp nhau tại Hàn Quốc ngày 30 Tết Nguyên đán 2024

Hoài Thương và Bảo Thư - hai nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam tình cờ gặp nhau tại Hàn Quốc ngày 30 Tết Nguyên đán 2024

Một sĩ quan thuyền viên người Nhật hướng dẫn Quyên trong kỳ đi Cadet

Một sĩ quan thuyền viên người Nhật hướng dẫn Quyên trong kỳ đi Cadet

Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), số lượng thuyền viên nữ trên toàn thế giới chỉ chiếm từ 1,2% lực lượng đi biển trên thế giới (trên 1,2 triệu thuyền viên). Hầu hết phụ nữ đi biển đều đến từ các quốc gia phát triển. Viện Hàng hải (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) dẫn nghiên cứu: Ở đội tàu châu Âu, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm việc trên tàu chiếm khoảng 5%, trong khi ở Đông Nam Á tỷ lệ này nhỏ hơn, 0,5%. Ngay cả ở Philippines, quốc gia cung cấp thuyền viên nhiều nhất cho đội tàu thương mại thế giới, tỷ lệ phụ nữ làm việc trên tàu cũng chỉ là 225 người/230.000 thuyền viên.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.