Đổi mới tư duy, tác phong làm việc nhờ xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người lao động ở tỉnh Gia Lai sau khi đi xuất khẩu lao động trở về đã có thu nhập ổn định, có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Quan trọng hơn, trong quá trình làm việc ở nước ngoài, họ học hỏi được kinh nghiệm, tiến bộ khoa học công nghệ và thay đổi tư duy, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học hơn.

Anh Hoàng Ngọc Quang (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) có 3 năm làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản. Khi làm việc ở Nhật, anh luôn chấp hành nghiêm mọi quy định, xây dựng mối quan hệ tốt với đơn vị sử dụng lao động. Sau khi tích lũy được nguồn vốn và có thêm nhiều kinh nghiệm làm việc, anh trở về quê hương đầu tư mua đất sản xuất, mở cửa hàng thu mua nông sản.

Anh Quang cho hay: “Trước đây, tôi không có nghề nghiệp ổn định. Thu nhập từ việc làm thuê bấp bênh nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, tôi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Ở Nhật, tôi học hỏi được tác phong làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm của họ. Từ nguồn vốn tích lũy, sau khi về nước, tôi có kinh phí mua đất sản xuất, mua bò về nuôi và mở cửa hàng thu mua nông sản. Giờ đây, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước nhiều”.

Phiên giao dịch việc làm giúp người lao động tìm được công việc phù hợp. Ảnh: H.P

Phiên giao dịch việc làm giúp người lao động tìm được công việc phù hợp. Ảnh: H.P

Năm 2014, gia đình chị Rmah Her (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) vay vốn từ Vietcombank-Phòng Giao dịch Chư Sê 140 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do làm ăn không thuận lợi nên cuộc sống gia đình gặp khó khăn, 3 đứa con phải nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp bố mẹ. Năm 2017, chị Her quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Nhờ siêng năng, chịu khó lại biết tiết kiệm nên hàng tháng, chị đều có tiền gửi về cho gia đình trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống.

Chị Her bộc bạch: “Sau 3 năm làm việc tại Đài Loan, khi về nước, tôi không những tích góp được tiền trả nợ mà còn có ít vốn đầu tư phát triển sản xuất. Tôi quyết định mua 10 con bò sinh sản về chăn nuôi và chuyển đổi cây trồng phù hợp. Giờ đây, gia đình tôi có 16 con bò, 2 ha mía, 1 ha lúa nước, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình đã đầy đủ hơn, tôi đã cho các con trở lại trường học tập”.

Ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông-cho biết: “Những năm gần đây, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc tham gia thị trường lao động ở nước ngoài. Đến nay, toàn xã có 57 trường hợp lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan, Hungary, Nga...; trong đó có 21 người đã về nước. Nhìn chung, các trường hợp đi xuất khẩu lao động, ngoài việc tích lũy được vốn để làm ăn hoặc trả nợ, họ còn học hỏi cái hay, điều tốt để khi về nước chủ động đầu tư phát triển kinh tế gia đình, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Chị Rmah Her (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hà Phương

Chị Rmah Her (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hà Phương

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Hàng năm, Sở thẩm định và giới thiệu hơn 30 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các thị trường có số lao động làm việc đông như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia, Ả Rập Xê Út...

“Hầu hết người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập ổn định, biết tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình trang trải cuộc sống và tích lũy. Bên cạnh đó, người lao động làm việc tại nước ngoài còn được tiếp cận với phong cách làm việc khoa học, kỹ thuật tiên tiến hiện đại nên đã thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ, tích lũy thêm kinh nghiệm để khi trở về nước có điều kiện mở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất góp phần tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng”-ông Tùng nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tổ chức Hội chợ việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về nước vào ngày 6-5

Gia Lai tổ chức Hội chợ việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về nước vào ngày 6-5

(GLO)- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai (Sở Nội vụ) thông tin, ngày 6-5 tại Sàn giao dịch việc làm (20 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) sẽ tổ chức Hội chợ việc làm hỗ trợ cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh tại Nhật Bản theo chương tình IM Japan về nước .

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.

Bụt nhà không thiêng?

Bụt nhà không thiêng?

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong quý 1 năm nay, có hơn 6.000 vị trí công việc với mức lương trên 50 triệu đồng/tháng được các doanh nghiệp (DN) đăng tuyển cho người lao động (NLĐ) VN, theo quy định tại Nghị định 70/2023 của Chính phủ.