Chính sách cho vay hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua đã giúp hàng trăm NLĐ trong tỉnh tìm được việc làm ổn định, tạo thu nhập cải thiện cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Yến-Phó Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: Tính đến ngày 31-12-2022, tổng nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đạt 769,05 tỷ đồng, tăng 293,8 tỷ đồng so với năm 2021. Doanh số cho vay đạt 473,15 tỷ đồng với 10.902 lao động vay vốn để giải quyết việc làm, duy trì mở rộng việc làm và cho vay hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bình quân 43,4 triệu đồng/lao động). Trong đó có 26 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay 1,449 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2,055 tỷ đồng với 61 lao động (có 58 lao động là người dân tộc thiểu số vay với tổng dư nợ 1,898 tỷ đồng).
Thanh niên tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động tại phiên giao dịch việc làm xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Ảnh: Đ.Y |
Tháng 12-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề được hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày nhập cảnh về nước sẽ được hỗ trợ học phí đào tạo. Cụ thể, tham gia khóa đào tạo thì được hỗ trợ học phí đào tạo bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Trường hợp khóa đào tạo dưới 15 ngày thì được hỗ trợ học phí đào tạo bằng 50% mức hỗ trợ quy định; trường hợp số ngày lẻ từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng và được hỗ trợ học phí đào tạo bằng mức hỗ trợ quy định. Thời gian được hỗ trợ học phí đào tạo là tổng thời gian thực tế tham gia khóa đào tạo nhưng tối đa không quá 3 tháng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ NLĐ làm việc ở nước ngoài sau khi về nước vay vốn để thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Bà Yến chia sẻ: “Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND đã tạo thêm động lực, cơ hội để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sau khi trở về quyết tâm nâng cao tay nghề, khởi nghiệp làm giàu ngay trên quê hương mình”.
Doanh nghiệp và lao động tham gia Hội chợ việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023. Ảnh: Đinh Yến |
Cùng với các chính sách của Trung ương, của tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, Sở đã thẩm định và ban hành văn bản giới thiệu hơn 30 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. “Đặc biệt, các chính sách ưu đãi nổi bật trong các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Sở và các ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai kịp thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhất là về chế độ đãi ngộ lương, thưởng, quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp đồng lao động cũng như các điều kiện để ứng tuyển”-bà Yến nhấn mạnh.
Nhờ triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, trong năm 2022, toàn tỉnh có 1.010 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 394,5% so với năm 2021. Đó là cơ sở để tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ đưa 1.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.