Kỳ vọng xuất khẩu lao động năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- “Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từ giữa năm 2022 tới nay, hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn tỉnh đã đưa 1.010 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây là tín hiệu vui để ngành có những định hướng trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới”-ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết.

Tín hiệu khả quan

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, có 7 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được tỉnh cấp giấy chứng nhận tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn. Số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở hơn 10 quốc gia trên thế giới, tập trung ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia, Malaysia… Ông Nguyễn Văn Đức-Giám đốc Trung tâm Du học-Xuất khẩu lao động Việt Trí-MD-cho biết: “Năm 2022, Trung tâm đưa hơn 20 người đi du học và xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản và Hàn Quốc; chi phí XKLĐ dao động trong khoảng 70-100 triệu đồng/người, còn du học là 100-130 triệu đồng/người”.

Trao đổi về lợi ích mà người lao động được hưởng khi làm việc tại Nhật Bản, ông Đức nói: Trước đây, lao động làm việc tại thị trường này chỉ hợp đồng với thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với những lao động có kỹ năng, tay nghề thì có thể được gia hạn visa (thị thực) kéo dài thời hạn làm việc lên đến 5 năm. Trong thời gian 5 năm, người lao động không vi phạm các quy định sẽ được cấp visa vĩnh trú (làm việc lâu dài ở nước này).

Lao động Gia Lai làm việc tại một doanh nghiệp ở Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Đức

Lao động Gia Lai làm việc tại một doanh nghiệp ở Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Đức

Tháng 11-2022, chị Mẫn Thị Mỹ Duyên (thôn 4, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. Chị Duyên làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ăn uống với mức lương 25-30 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, chị làm việc 8 tiếng đồng hồ, chia làm 2 ca và được nghỉ 1 ngày/tuần. Bà Ngô Thị Thức-mẹ chị Duyên-chia sẻ: “Mỗi tối, hai mẹ con đều trò chuyện với nhau qua mạng xã hội. Thời điểm này, Nhật Bản đang là mùa đông và sinh hoạt hàng ngày cũng có nhiều điểm khác biệt so với ở nhà. Vì vậy, tôi thường dặn con phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Tôi cũng động viên con cần nỗ lực cố gắng”.

Từ năm 2021 đến nay, Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Edugo tại Gia Lai đã đưa 6 thực tập sinh đi học nghề tại Đức. Chi phí đi học nghề tại Đức khoảng 200 triệu đồng/người. Thực tập sinh học nghề tại Đức được Chính phủ tài trợ 100% học phí; trong quá trình học được nhận lương thực hành 25-35 triệu đồng/tháng (tùy vào ngành nghề). Sau 3 năm học, du học sinh được nhận bằng cao đẳng nghề quốc tế và được cam kết việc làm ổn định với mức lương tối thiểu 70 triệu đồng/tháng trở lên. Sau 5 năm học tập và làm việc ở Đức, du học sinh có cơ hội được cấp thẻ xanh định cư lâu dài; đủ 8 năm thì được nhập quốc tịch tại nước này. Ông Trần Xuân Hùng-Trưởng Văn phòng Đại diện tại Gia Lai-cho hay: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thời gian qua, Văn phòng chỉ tập trung tuyển dụng vào thị trường chất lượng là Đức. Bởi thị trường này rất đa dạng ngành nghề: nhà hàng, khách sạn, điều dưỡng, đầu bếp, cơ khí, xây dựng...

Du học sinh Gia Lai và các tỉnh trước giờ xuất cảnh học nghề tại Đức. Ảnh: Lê Trung

Du học sinh Gia Lai và các tỉnh trước giờ xuất cảnh học nghề tại Đức. Ảnh: Lê Trung

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng (xã Ia Piar, huyện Chư Prông) có con gái là Bùi Thị Ánh Tuyết đi học nghề điều dưỡng tại Đức. Bà Phượng cho biết: Tuyết đang học năm 2, vừa học vừa làm. Mỗi ngày, cháu học 8 tiếng đồng hồ, trong đó, 70% thời gian học thực hành, còn 30% thời gian học lý thuyết. Cháu được nhận mức lương thực hành trên 30 triệu đồng/tháng. “Hàng ngày, hai mẹ con thường xuyên trao đổi về tình hình học tập và cuộc sống ở Đức. Tuyết rất an tâm khi được học nghề điều dưỡng ở nước tiên tiến này”-bà Phượng nói.

Kỳ vọng vào năm 2023

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thanh Hải cho hay: Năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp liên quan phấn đấu đưa 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, Sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách để người lao động nắm bắt, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia.

Cùng với đó, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội chợ việc làm toàn tỉnh trong tháng 2-2023 nhằm tư vấn, tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ tham gia vào thị trường XKLĐ. Vì đây là lực lượng lao động có sức khỏe, có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài khi tuyển dụng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động tham gia XKLĐ, cụ thể là chính sách hỗ trợ vay vốn đi XKLĐ. Kêu gọi các đơn vị có chức năng XKLĐ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục định hướng, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian đào tạo cũng như chi phí đi lại để thu hút người lao động tham gia XKLĐ.

Một lớp đào tạo nghề may cho lao động dân tộc thiểu số tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy

Một lớp đào tạo nghề may cho lao động dân tộc thiểu số tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy

Cũng trong năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu kết nối, giới thiệu, cung ứng 50 lao động đi làm việc tại nước ngoài. “Để đạt mục tiêu này, trước mắt, Trung tâm tập trung cho đợt tuyên truyền, vận động người lao động tham gia XKLĐ trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023. Đây được xem là đợt cao điểm khi người lao động ở Gia Lai từ nhiều tỉnh, thành về quê ăn Tết và có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới”-ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-thông tin.

Trong năm 2023, ngoài tiếp tục đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung tâm Du học-Xuất khẩu lao động Việt Trí-MD mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, tạo điều kiện cho những lao động có tay nghề cao tăng thu nhập. Giám đốc Trung tâm Du học-Xuất khẩu lao động Việt Trí-MD Nguyễn Văn Đức cho rằng: Lao động có bằng kỹ sư các ngành nghề như: điện, cơ khí, xây dựng… rất được thị trường các nước châu Âu trọng dụng với mức lương 45-55 triệu đồng/tháng (chưa kể tăng thêm giờ làm).

Tương tự, Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Edugo tại Gia Lai tiếp tục có kế hoạch đưa thực tập sinh đi học nghề tại Đức. Đây là thị trường rất phù hợp cho những học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Chính phủ Đức cam kết sau khi người học ra trường thì được tiếp nhận làm việc ổn định, thu nhập cao. “Năm 2023, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn chi phí ban đầu, Công ty sẽ hỗ trợ vay vốn để giúp các em có cơ hội tham gia du học nghề tại Đức. Mong rằng các bạn trẻ nắm bắt thông tin, tìm hiểu kỹ thị trường này để tham gia du học nghề thành công”-ông Hùng thông tin.

ĐINH YẾN - PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.
Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.