Đối mắt với nhiều hiểm nguy để trả lại sự yên bình cho đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bình Định đã không ngừng nỗ lực trong công tác rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trả lại sự bình yên cho hàng chục ngàn ha đất, giải phóng người dân thoát khỏi nỗi ám ảnh chết chóc từ những “tử thần” giấu mặt.
Để góp phần làm giảm tai nạn bom mìn, những người lính công binh phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy.  
Hồi sinh nhiều vùng đất chết
Ngay sau ngày giải phóng toàn miền Nam 30/4/1975, Bình Định đã lập tức bắt tay vào việc dò gỡ bom mìn còn sót lại. Chỉ 2 năm sau, trên địa bàn tỉnh này đã có trên 200 bãi mìn và nhiều bom đạn nằm rải rác được vô hiệu hóa, 815ha đất được giải phóng, thu gom và xử lý 84.754 quả bom mìn, vật nổ các loại.
 
Lực lượng Công binh Bình Định dò tìm, xử lý quả bom được cho là lớn nhất Đông Dương tại huyện An Lão
Những năm tiếp theo, từ năm 1978 đến năm 2016, ngành chức năng ở Bình Định tiếp tục dò tìm, xử lý bom mìn trên diện tích 8.000ha, thu gom và xử lý 288.199 quả bom mìn, vật nổ các loại. Riêng dự án thuộc Chương trình 504 do Nhà nước hỗ trợ đã giải phóng được 1.200ha đất, trong đó TP Quy Nhơn 300ha, huyện Hoài Nhơn 200ha, TX An Nhơn 700ha; thu gom và tiêu hủy được 2.278 bom mìn, vật nổ các loại.
Theo Đại tá Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Bình Định, đến nay, tỉnh này chỉ mới xử lý, thu gom bom mìn, vật nổ trên bề mặt đất, chưa can thiệp số còn nằm sâu trong lòng đất. “Thời gian qua, ngành chức năng ở Bình Định chủ yếu mới tiến hành khảo sát phi kỹ thuật, nghĩa là chưa có sự tham gia của máy móc chuyên dụng trong xác định vùng ô nhiễm bom mìn”, Đại tá Dũng giãi bày.
Thực tế cho thấy, hiện có nhiều diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn ở Bình Định đang bị bỏ hoang, trong khi đất sản xuất nông nghiệp ở đây rất hạn hẹp, ở những vùng đất nghi ô nhiễm bom mìn dẫu người dân rất muốn khai khẩn để canh tác nhưng không dám làm. Ví như ở huyện Hoài Ân, nơi có 20 khu vực được xác định đang bị nhiễm bom mìn với 106 điểm, diện tích đất bị ô nhiễm là 12.452ha.
 
Lực lượng Công binh Bình Định xử lý lựu đạn hóa học tại kho đạn Đèo Son (TP Quy Nhơn)
Trong khi Hoài Ân là địa phương có rất ít diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nên diện tích đất bị nhiễm bom mìn nói trên bị bỏ hoang là phí phạm lớn. Theo ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện này chỉ có hơn 4.000ha đất nông nghiệp, mỗi xuất đất chia cho người dân rất ít diện tích, riêng đồng bào dân tộc thiểu số thì không có đất để trồng lúa. Nếu diện tích đất 12.452ha bị ô nhiễm bom mìn nói trên được giải phóng, thì người dân ở huyện trung du miền núi này chẳng những thoát được nỗi ám ảnh chết chóc, mà còn có thêm đất để canh tác làm ăn.  
Đối mặt “tử thần” giữa thời bình
Trực tiếp giải phóng cho những vùng đất thoát khỏi nạn ô nhiễm bom mìn không ai khác chính là những người lính công binh, họ được ví là khắc tinh của “tử thần” bom mìn. Công việc họ làm tuy rất lặng lẽ, nhưng đầy sóng gió, vì họ luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Bởi, đố ai biết những quả bom, mìn nằm dưới lòng đất sẽ phát nổ lúc nào.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh BCH Quân sự tỉnh Bình Định, hầu hết các loại bom, kể cả bom bi quả dứa, bom bi quả ổi và đầu đạn phóng lựu M79 khi được bắn ra, rơi xuống, dù không nổ thì chốt bảo hiểm cũng đã mở. “Nếu không am hiểu nguyên lý của các vật nổ nói trên, khi phát hiện dịch chuyển chúng sai hướng hoặc tác động 1 lực đáng kể vào thì chúng sẽ phát nổ. Ví như bom bi quả ổi, nó nằm im dưới đất hàng chục năm không sao, nhưng khi bị 1 lực tác động vào ví như trúng 1 nhát cuốc, hoặc trẻ em lượm lên ném chơi là chúng sẽ phát nổ, bởi khi ấy chúng đã xoay đủ vòng tua”, Đại úy Hùng phân tích.
 
Lính công binh dùng cuốc, xẻng, xà beng đào đất để xử lý quả đạn phóng lựu M79 nằm sâu dưới lòng đất
Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đều nằm dưới lòng đất, muốn phát hiện chúng, lính công binh phải sử dụng máy rà chuyên dụng. Gian nan nhất là công đoạn đào chúng lên và tháo gỡ ngòi nổ. Sau khi phát hiện bom mìn, lính công binh phải dùng dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng để đào bới, chứ chẳng thể sử dụng máy cơ giới nhằm tránh va đụng. Trước tiên lính công binh phải phát dọn mặt bằng, sau đó dùng máy dò độ sâu 0,3 mét; sau khi xử lý hết tín hiệu ở độ sâu này, tiếp tục dùng máy dò độ sâu 3m, 5m tùy theo yêu cầu.
“Công đoạn tháo gỡ ngòi nổ phải được thực hiện từng bước đúng theo quy trình, đặc biệt là bom bi và đạn phóng lựu M79, vì chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Khi di chuyển, chúng phải được bỏ trong 1 thùng đựng cát hoặc trấu, để trong quá trình di chuyển tránh không cho chúng lăn qua lăn lại. Nguyên lý của đạn M79 sau khi bắn ra khỏi nòng nếu đủ vòng tua chúng sẽ nổ, nhiều quả chưa đủ vòng tua sẽ không nổ, cả bom bi cũng thế”, Đại úy Hùng diễn giải.
Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, nên lính công binh ngoài được huấn luyện bài bản trong quân trường, còn thường xuyên được tập huấn. Ngoài lý thuyết, người lính làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn còn được tiếp cận với những quả bom, mìn đã được tháo lấy hết thuốc nổ để học phân biệt quả nào là đạn pháo 105 ly, đạn M79, bom bi và đặc biệt là nguyên lý vận chuyển của từng loại để khi tháo gỡ đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Ngoài những đợt huấn luyện định kỳ hàng tháng, hàng tuần, các hạ sĩ quan và chiến sĩ công binh trước khi làm nhiệm vụ sẽ được tập huấn lại các nguyên tắc an toàn. Nhờ đó, trong thời gian qua chúng tôi đã xử lý hàng trăm ngàn quả bom, mìn, vật nổ các loại; từng phá những quả bom khủng như quả bom 500 bảng Anh phát hiện được khi đào móng xây dựng 1 trường tiểu học ở huyện Hoài Nhơn; hoặc quả bom được cho là lớn nhất Đông Dương phát hiện được tại huyện An lão và xử lý nhiều lựu đạn hóa học tại kho đạn Đèo Son nhưng chưa lần nào xảy ra sự cố”, Đại úy Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh BCH Quân sự tỉnh Bình Định, cho hay.

Vũ Đình Thung (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null