Cơ hội nâng cao thu nhập
Trước đây, gia đình chị Đào-anh Hlê (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) gặp nhiều khó khăn. Không có đất sản xuất, vợ chồng chị quanh năm làm thuê làm mướn, không đủ trang trải cuộc sống. Từ tháng 4-2023 đến nay, anh Hlê đi làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc.
Chị Đào kể: “Chi phí để chồng mình đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc hết 150 triệu đồng. Số tiền này được vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Đoa và công ty đưa đi làm việc. Mỗi tháng, anh ấy gửi về hơn 30 triệu đồng. Sau khi trừ tiền trả nợ ngân hàng và công ty, mình còn hơn 15 triệu đồng tích góp mua rẫy cà phê. Cuối năm 2023, gia đình mình đã thoát nghèo”.
Huyện Đak Đoa nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở để tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Đinh Yến |
Ở làng Adơk Kông, gia đình ông Nhưh cũng có con trai là Amy (SN 2002) đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản từ tháng 12-2022. Ông Nhưh cho biết: Năm Amy học lớp 12, nhà trường tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Sau khi tốt nghiệp THPT, Amy không học đại học mà chọn đi làm việc ở Nhật Bản. Vợ chồng mình đồng ý lo chi phí cho con.
“Ở Nhật, Amy làm việc cho một doanh nghiệp điện tử với thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí ăn ở, con còn dư được gần 20 triệu đồng gửi về. Mình tích góp để khi hết hạn lao động trở về, Amy sẽ có vốn làm ăn”-ông Nhưh bày tỏ.
Gia đình bà Cao Thị Na (thôn 5, thị trấn Đak Đoa) cũng đổi đời nhờ có con đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Bà Na chia sẻ: “Sau 3 năm làm việc ở Đài Loan, cháu gửi tiền về cho bố mẹ ở nhà tiết kiệm được 800 triệu đồng. Gia đình tôi không những xây dựng được nhà cửa khang trang mà còn có vốn để mở rộng buôn bán, phát triển sản xuất”.
Hướng đến thị trường lao động tiềm năng
Năm 2023, xã A Dơk có 6 người đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong đó, có 2 lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng về nước lại đăng ký đi tiếp lần 2. Ông Nhứt-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Adơk Kông-phấn khởi cho biết: “Đáng mừng nhất là người dân trong làng vốn quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nương rẫy thì đến nay đã thay đổi nhận thức về việc đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều người rất chăm chỉ làm việc, tiết kiệm gửi tiền về cho gia đình mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Cũng có người sau khi hết hạn hợp đồng trở về thì lại tiếp tục đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhờ vậy, đời sống của bà con dân làng ngày càng ổn định”.
Ông Nhưh (thứ 2 từ trái sang, làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) cho biết, từ khi con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Đ.Y |
Còn bà Nguyễn Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã A Dơk thì cho hay: Khoảng 3 năm trở lại đây, xuất khẩu lao động đã trở thành phong trào ở địa phương. Xã đang nỗ lực phối hợp với các công ty có uy tín để tạo điều kiện cho lao động sang làm việc tại các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Những năm gần đây, huyện Đak Đoa đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ vậy, người đi xuất khẩu lao động tăng lên đáng kể, chủ yếu ở thị trường cho thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Riêng năm 2023, toàn huyện có 53 người lao động đi làm việc ở các thị trường này.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-thông tin: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những thị trường đòi hỏi lao động có tay nghề, tốt nghiệp THPT, ngoại ngữ và chi phí xuất cảnh khá cao, nhưng bù lại thu nhập rất cao. “Năm 2023, huyện đề ra chỉ tiêu đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài; đến nay đã vượt kế hoạch. Trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho cán bộ cơ sở và người dân về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ, vốn vay, giúp người lao động mạnh dạn đăng ký đi lao động ở nước ngoài nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững”-bà Nga nhấn mạnh.