Phú Thiện tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang có dư nợ cho vay xuất khẩu lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhiều nhất tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 76 hộ là người DTTS được tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn 50-100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Algeria.

Tháng 12-2020, gia đình anh Y Ngoan Niê (buôn Ia Chă Wău, xã Chư A Thai) được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (cho vay xuất khẩu lao động). Mặc dù chưa hết thời gian vay vốn, tháng 6-2023, anh Y Ngoan Niê đã thanh toán xong khoản vay. Chị Ksor HHy-vợ anh Y Ngoan Niê-cho biết: “Trước đó, em trai tôi đi xuất khẩu lao động 2 năm ở Đài Loan, công việc thu nhập đều cao hơn ở nhà. Vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng tôi quyết định vay tiền ngân hàng để chồng tôi đi xuất khẩu lao động. Chồng tôi làm công nhân xây dựng có mức lương 18 triệu đồng/tháng. Tới tháng 1-2024, chồng tôi sẽ về nhà khi hết thời hạn lao động”.

Nhiều hộ người DTTS tại huyện Phú Thiện được hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Algeria. Ảnh: S.C

Nhiều hộ người DTTS tại huyện Phú Thiện được hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Algeria. Ảnh: S.C

Cũng với mong muốn cải thiện thu nhập để ổn định cuộc sống, tháng 11-2022, gia đình anh Rmah Toăt (buôn Plei Ring Đáp, xã Ayun Hạ) vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay xuất khẩu lao động. Trong khi chồng đi làm công nhân xây dựng ở Algeria, chị Ksor HLoan ở nhà chịu khó làm thuê để có tiền chăm lo cho 3 đứa con. Nói về quyết định đi làm ăn xa của chồng, chị HLoan cho hay: “Vợ chồng tôi thấy có nhiều người trong làng, trong xã đi xuất khẩu lao động về đều có một khoản tiền dư dả nên mạnh dạn đi. Chồng tôi làm công nhân xây dựng ở Algeria. Dù khó khăn vất vả nhưng anh vẫn gửi tiền về để tôi trả nợ vay được 25 triệu đồng. Đến tháng 11-2024, chồng tôi sẽ về nhà khi hết thời gian hợp đồng lao động”.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đi xuất khẩu lao động, từ năm 2019, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Phú Thiện triển khai cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất cho vay xuất khẩu lao động bằng lãi suất cho vay hộ nghèo. Riêng đối với người lao động thuộc diện hộ nghèo hoặc người DTTS được vay vốn với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo.

Kể từ khi chương trình triển khai đến nay, 100% hộ vay vốn xuất khẩu lao động là người DTTS, mức cho vay 50-100 triệu đồng/hộ vay. Anh Nguyễn Lộc Trường-cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-cho hay: “Hiện nay, xã Ayun Hạ và xã Ia Ake có số lượng người DTTS vay vốn xuất khẩu lao động nhiều nhất, tập trung ở 2 thị trường là Đài Loan, Algeria. Hầu hết bà con chịu khó lao động nên đa phần đã xong nợ trước hạn, số còn lại thì cố gắng trả nợ đúng hạn. Vừa qua, chúng tôi đã giải ngân cho 6 hộ vay xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ giải ngân thêm 10 trường hợp vay vốn”.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Thiện trao đổi thông tin triển khai các chương trình tín dụng với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Ảnh: Sơn Ca

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Thiện trao đổi thông tin triển khai các chương trình tín dụng với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Ảnh: Sơn Ca

Xã Ia Ake có số hộ vay vốn xuất khẩu lao động nhiều nhất 14 hộ vay với dư nợ 382 triệu đồng. Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã-thông tin: “Để triển khai chương trình tín dụng này đạt hiệu quả, tại các cuộc họp tổ vay vốn, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thông tin cụ thể về hoạt động xuất khẩu lao động, các điều kiện cần thiết cũng như cảnh báo những vấn đề rủi ro có thể xảy ra. Đối với người dân có nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, thường xuyên động viên gia đình phấn đấu lao động cải thiện cuộc sống”.

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, kết quả cho vay xuất khẩu lao động tại Phú Thiện đang dẫn đầu toàn tỉnh. Doanh số cho vay 5 năm (2019-2023) lũy kế 3,93 tỷ đồng với 76 hộ vay. Trong đó, năm 2019 là 14 hộ/685 triệu đồng; năm 2020 là 34 hộ/1,7 tỷ đồng; năm 2021 là 6 hộ/305 triệu đồng; năm 2022 là 7 hộ/350 triệu đồng; năm 2023 là 15 hộ/890 triệu đồng. Xung quanh chương trình tín dụng này, ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương phân bổ, ưu tiên nguồn vốn tập trung cho vay xuất khẩu lao động nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.