(GLO)- Tàn tích núi lửa ở Gia Lai là những kỳ quan thiên nhiên liên tiếp lọt tốp những thắng cảnh tự nhiên đẹp nhất của Việt Nam và thế giới. Cùng với sự vào cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học địa chất, kết hợp với ngành Du lịch, tour du lịch khám phá kỳ quan núi lửa trên cao nguyên Gia Lai đang là sản phẩm độc đáo, thu hút du khách tìm đến.
“Xứ sở của các miệng núi lửa” cổ xưa
Gia Lai được các nhà khoa học xem là “xứ sở của các miệng núi lửa” cổ xưa, với hơn 30 miệng núi lửa tồn tại ở dạng cổ âm và cổ dương được phát hiện trong quá trình khảo sát. Tàn tích núi lửa là kho báu di sản địa chất. Không cần phải sang các quốc gia núi lửa như Nhật Bản hay Indonesia, đến Gia Lai du khách cũng có cơ hội trải nghiệm, quan sát đủ mọi hình thái núi lửa, đồng thời tìm hiểu lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ trái đất in dấu qua những miệng núi lửa cổ xưa nhất trên vùng cao nguyên.
Hai hình thái núi lửa âm và dương đặc trưng nhất là núi lửa Chư Đang Ya và Biển Hồ. Nếu Biển Hồ lọt tốp 5 hồ tự nhiên thơ mộng nhất Việt Nam thì núi lửa Chư Đang Ya liên tục lọt tốp bình chọn cao nhất của các chuyên trang du lịch. Đặc biệt, thắng cảnh này được tạp chí về du lịch của Anh (Dailymail) xếp vào danh sách những ngọn núi lửa có cảnh quan kỳ vĩ, ấn tượng nhất trên thế giới. Trong số 16 núi được tạp chí này bình chọn, chỉ có duy nhất núi lửa Chư Đang Ya của Việt Nam được con người canh tác hoa màu sau hàng triệu năm nguội tắt.
Năm 2020, ảnh núi lửa Chư Đang Ya của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hòa Carol (tên thật Nguyễn Ngọc Hòa, Gia Lai) lọt vào tốp 50 ảnh phong cảnh đẹp nhất thế giới-Landscape 2020. Kết quả do người dùng ứng dụng chia sẻ ảnh nổi tiếng Agora bỏ phiếu bình chọn từ 14.739 ảnh phong cảnh trên thế giới.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên |
Quá trình khảo sát hệ thống núi lửa ở khu vực Gia Lai phục vụ cho công tác nghiên cứu địa chất, 2 nhà khoa học Lương Thị Tuất (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và TS. La Thế Phúc-nguyên Giám đốc Bảo tàng địa chất Việt Nam cho rằng, với những giá trị về khoa học, lịch sử trong lĩnh vực địa chất, khảo cổ, núi lửa Chư Đang Ya còn là đối tượng tiềm năng cho ngành nghiên cứu được cộng đồng khoa học đang rất quan tâm hiện nay là sinh thái học và sinh thái học cảnh quan.
Du lịch núi lửa
Từ khi núi lửa Chư Đang Ya được quảng bá như một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, du khách thường chọn thời điểm tháng 11 trở đi để đến thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đó là thời điểm hoa dã quỳ nở rộ, khoe sắc, khoác lên ngọn núi tấm áo hoa sặc sỡ. Tuy vậy, núi lửa sẽ không còn là điểm đến “mùa vụ”, mà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn vào bất cứ mùa nào trong năm khi địa phương có chiến lược xây dựng, khai thác tour du lịch núi lửa một cách bền vững.
Có ý tưởng trồng một cánh đồng hoa cánh bướm, hoa hướng dương dưới chân núi lửa Chư Đang Ya để du khách có địa điểm du xuân, check-in trong dịp Tết này, anh Lê Quốc Vũ (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Tôi ấp ủ dự định này từ lâu để thu hút du khách tới Chư Đang Ya ngay cả khi không có lễ hội hay mùa hoa dã quỳ nở. Nhưng sau khi thuê được đất và lên kế hoạch chỉn chu thì đã quá thời điểm, hoa không nở kịp vào Tết nên đành “cất” ý tưởng này lại để năm sau thực hiện”.
Theo anh Vũ, cảnh quan xung quanh núi lửa Chư Đang Ya rất đẹp, nhưng cần tạo thêm điểm nhấn để bất cứ mùa nào cũng thu hút khách du lịch. “Tôi nghĩ ý tưởng của bản thân cũng là ý tưởng của nhiều người, đó là thuê đất để trồng những cánh đồng hoa rộng lớn dưới chân núi. Đây là cách tạo thêm cảnh quan “vệ tinh” để tăng sức hút cho núi lửa, bên cạnh những vệ tinh khác là nhà thờ cổ Hơ Bâu, hồ Ia Nâm, các dòng suối ẩn mình dưới những dãy núi trùng điệp xung quanh. Cần tạo cho du khách thói quen rằng đến đây bất cứ mùa nào cũng tràn ngập hoa cỏ, cũng có sự thú vị nhất định”-anh Vũ nói.
"Bom núi lửa" Chư Đang Ya là dấu tích còn sót loại của hoạt động địa chất núi lửa cách đây hàng triệu năm. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Quá trình nghiên cứu về núi lửa và tìm hiểu kinh nghiệm khai thác di sản địa chất của các quốc gia, chuyên gia địa chất Lương Thị Tuất có những gợi mở cho ngành Du lịch Gia Lai: “Tôi đã nghiên cứu nhiều núi lửa ở khu vực Tây Nguyên nhưng cảnh quan ở Chư Đang Ya tạo ấn tượng mạnh mẽ bởi vẻ đẹp trù phú. Di sản thiên nhiên này có nhiều lợi thế để phát triển, nhất là khả năng khai thác du lịch. Ở các nước có tài nguyên núi lửa trên thế giới, họ thường làm một bức ảnh toàn cảnh núi lửa hoặc các miệng núi, nhưng trên bức ảnh luôn chừa ra một vị trí để khách du lịch “đặt” mình vào trong và chụp ảnh, tạo hiệu ứng ấn tượng là họ đang chiêm ngưỡng núi lửa từ vị trí nào đó. Du khách sẽ rất thích thú chia sẻ hình ảnh chụp với núi lửa lên mạng xã hội, vì thế sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn về mặt quảng bá. Núi lửa Chư Đang Ya cũng cần tạo ra cách làm tương tự để làm sao du khách đến đây phải có ngay một tấm ảnh đặc trưng nhất với núi lửa mà khoe với bạn bè”.
Khai thác di sản thiên nhiên với những giá trị đặc biệt về địa chất để phát triển du lịch không thể tách rời với văn hóa và con người của vùng đất đó. Chính vì vậy, chuyên gia Lương Thị Tuất cho rằng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị di sản núi lửa và nhiệm vụ bảo tồn, đồng thời quảng bá núi lửa Chư Đang Ya một cách rộng rãi.
Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: “Ngoài các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ vào khu vực núi lửa Chư Đang Ya, chúng tôi có kế hoạch để đào tạo, hướng dẫn người dân làm du lịch để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, với tập quán lao động, sinh hoạt văn hóa lâu đời của người dân địa phương, để giúp họ làm du lịch, đòi hỏi phải có phương pháp, cách làm cụ thể, phù hợp, cả kỹ năng phục vụ du khách. Về mặt này, chúng tôi mong được các đơn vị chuyên môn của tỉnh hỗ trợ thêm”.
HOÀNG NGỌC