Diễn biến mới nhất về nắng nóng, thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày tới đây, thời tiết trên cả nước phổ biến nắng nóng và nắng nóng gay gắt, song vẫn cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 21/4, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đức Hòa cho biết trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới, thời tiết các khu vực trên cả nước phổ biến nắng nóng và nắng nóng gay gắt.

Tuy nhiên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Từ nay đến ngày 20/5, ông Hòa cho biết nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Riêng phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, nhiệt độ trung bình có nơi cao hơn từ 2-3 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Hiện nay áp thấp nóng phía Tây đang hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo cũng sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

“Dự báo khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ còn tiếp diễn. Tại khu vực Trung Bộ, khô hạn cũng có khả năng xuất hiện và kéo dài trong suốt thời kỳ dự báo - từ nay đến ngày 20/5,” ông Hòa lưu ý.

Về xu thế mưa, chuyên gia Nguyễn Đức Hòa cho biết trong thời gian dự báo trên, tổng lượng mưa tại tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cụ thể tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ; riêng vùng núi phía Đông Bắc Bộ có nơi ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; khu vực Trung Bộ thấp hơn từ 20-40%; khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-30%.

“Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ cao sẽ kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao,” ông Hòa nhấn mạnh.

Tuy vậy, đại diện cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng lưu ý khoảng thời gian từ nay ngày 20/5 đang là thời kỳ giao mùa nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá vẫn có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Trước mắt, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 23-24/4, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên, nắng nóng có xu hướng giảm. Từ ngày 25/4, các khu vực này có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.

Tại các nơi khác ở Bắc Bộ, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ ngày 25/4 sẽ có nắng nóng cục bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 22-20/4 dự báo có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Từ nay đến ngày 30/4, nguy cơ hạn hán sẽ làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng, giảm diện tích gieo trồng, tăng chi phí sản xuất nông nghiệp; tăng giá thành và giá cả các lương thực; giảm tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hạn hán cũng có khả năng gây khó khăn cho các nhà máy thủy điện trong quá trình vận hành, làm suy giảm, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế-xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.