Điểm đen "đội vốn" nhìn từ dự án TISCO 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Từ phê duyệt ban đầu là 3.843 tỉ đồng, dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Cty gang thép Thái Nguyên đã đội vốn đầu tư lên tới 8.104,9 tỉ đồng, tức là tăng lên hơn 100% cho thấy những vấn đề quá lớn trong quản lý đầu tư. Cùng thời điểm, hàng loạt các dự án đua nhau đội vốn tạo nên một “hội chứng” tạo ra sự trì trệ về tiến độ và nhiều quan chức, tổ chức ngân hàng đã “mắc kẹt” chưa thấy lối ra. Nghị định 68/2019/NĐ-CP quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 1.10.2019 được là phương thuốc hữu hiệu cho căn bệnh ở những dự án nghìn tỉ này.
Đua nhau đội vốn và… mắc kẹt
Tháng 5.2019, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã đưa ra con số khiến nhiều người phải giật mình. Đó là tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần.
Cận cảnh vào dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO 2) cho thấy điển hình của câu chuyện đội tổng mức đầu tư, bất chấp những quy định của pháp luật.
Từ năm 2005, HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) phê duyệt cho TISCO làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng. Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu gói EPC dây chuyền công nghệ luyện kim 160,88 triệu USD. Điều đáng nói, trong hợp đồng, MCC cam kết “Giá hợp đồng tổng thầu EPC là 160,88 triệu USD là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện Hợp đồng theo phương thức tổng thầu”. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, TISCO và MCC đã ký 10 phụ lục hợp đồng điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trọng đã ký. Và quan trọng nhất, tháng 5.2013, chủ tịch HĐQT TISCO đã ký quyết định số 489/QĐ-GTTN phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.104,9 tỉ đồng.
Đống “sắt vụn” được đẩy lên hơn 8.000 tỉ đồng bỗng trở thành con tin khi TISCO  cố gắng thương thảo với MCC thì phía đối tác đòi thêm… 57 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng bất chấp cam kết trước đó là hợp đồng trọn gói.
“Mắc kẹt” là cụm từ thường được nhắc đế với những dự án tương tự, đặc biệt lệ thuộc vào những nhà thầu nước ngoài. Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) được khởi công từ năm 2011 có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỉ đồng dự kiến khánh thành năm 2015, nhưng sau 9 năm dự án đội vốn thêm 11.600 tỉ đồng, thành 41.100 tỉ đồng và điều quan trọng là cho đến thời điểm này chưa biết khi nào hoàn thành và vận hành.
Tháng 1.2019, nhà thầu Power Machines (PM)  thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC dự án. Việc PM rút lui đã khiến dự án càng trở nên khó hoàn thành và hàng chục ngàn tấn thiết bị ngổn ngang “đắp chiếu” trở thành sắt gỉ tạo ra lo ngại liệu có thêm một TISCO thứ hai?
Không thể không kể đến một điển hình đội vốn là dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh. Dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu tư 8.770 tỉ lên 18.000 tỉ đồng (tăng 9.231 tỉ đồng, tương đương trên 205%).
Về nguyên nhân đội vốn, luôn là mẫu số chung. Về khách quan là do biến động về thị trường, tỉ giá, chi phí nhân công, vật liệu tăng cao. Nhưng chủ quan vẫn là quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Đặc biệt, cũng không loại trừ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.  
Siết trách nhiệm người quyết định đầu tư
Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ đầu, khi thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư, VNS đã thiếu căn cứ, thiếu kiểm tra, giám sát TISCO trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Cần phải hiểu rằng, với việc đổi tổng mức đầu tư vượt 100% như vậy VNS hay TISCO không tự làm được. Trách nhiệm đã được làm rõ khi Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng ký văn bản 2687/BCT-CNNg ngày 29.3.2013 đề suất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và Bộ Công Thương khẳng định là việc tăng tổng mức đầu tư lên trên 8.100 tỉ đồng đã được Bộ Công thương rà soát, thẩm tra mặc dù trước đó các Bộ ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.
Thanh tra Chính phủ cũng nhận định rằng trong khi các Bộ ngành, có ý kiến là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là thiếu căn cứ nhưng Văn phòng chính phủ ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Hoàng Trung Hải “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả…”. Tiếp đến, ngày 20.11.2014, Phó thủ tướng Chính phủ ký tiếp một văn bản, trong đó có nội dung “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư là 8.104 tỉ đồng”.
Nên nhớ là thời điểm 2012, MCC đã rút về nước khi chưa bàn giao những hạng mục quan trọng khiến cho dự án “chết lâm sàng”. Điều này cho thấy số tiền đội lên hơn 4.000 tỉ lại được thẩm tra qua loa, thiếu trách nhiệm một cách có dây chuyền.
Nghị định số 68/2019/NĐ-CP thay thế nghị định 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 1.10.2019 được đánh giá là sẽ tạo ra những điểm mới trong việc tính chi phí trong xây dựng ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)... Nghị định cũng quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư. Nếu như ở Nghị định 32/2015, trách nhiệm của người quyết định đầu tư chưa rõ thì Nghị định 68 đã quy định rõ là trách nhiệm của người quyết định đầu tư trước pháp luật thể hiện ở Điều 28. Người quyết định đầu tư “không thực hiện đúng nghĩa vụ nêu tại khoản 2 Điều này và các Điều khoản khác có liên quan của Nghị định này trừ trường hợp bất khả kháng; Làm tăng chi phí của dự án, dự án chậm tiến độ gây thất thoát, lãng phí do quyết định thực hiện dự án khi kế hoạch vốn không phù hợp với kế hoạch thực hiện của dự án; Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án không theo đúng quy định của pháp luật xây dựng.
Với Nghị định 68, trách nhiệm của người quyết định đầu tư đã tăng lên rất nhiều và đó chính là phương thuốc để ngăn chặn hội chứng đội vốn đầu tư hiện nay.
Minh Bằng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Hành động thực chất

Hành động thực chất

Không chỉ "vừa chạy vừa xếp hàng" mà còn phải bứt tốc để cùng lúc chuẩn bị, triển khai cả về diện rộng lẫn chiều sâu, xắn tay vào nhiều đầu việc quan trọng ngay những ngày đầu năm 2025. Đó là tâm thế của TP.HCM lúc này.