Diễn đàn thường niên lần thứ 16 “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024” với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11-1 xoay quanh câu hỏi: Kinh tế thế giới năm 2024 sẽ chạm “điểm đáy” suy giảm hay bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới?
Nêu ra câu hỏi này để gợi ý thảo luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, dự báo tính bất ổn, khó lường trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, chắc chắn kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách nói chung, chính sách kinh tế nói riêng.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ. Cùng với những điểm yếu nội tại đã được nhắc đến nhiều lần, liệu Việt Nam có vượt được những “cơn gió ngược” thành công, và bằng cách nào?
Đáng mừng là đã có không ít ý kiến bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng phát triển. Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp của HSBC, ông Ahmed Yeganeh khẳng định, HSBC lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới. Thậm chí, Việt Nam sẽ chứng kiến thay đổi nhiều nhất về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản trị giá trên 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế ở châu Á. Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã chỉ rõ một số cơ hội lớn đối với Việt Nam. Với ngành sản xuất, lượng hàng tồn kho toàn thế giới đã trở về mức bền vững. “Vùng đáy” xuất khẩu cũng đã qua, đang bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Điều này có nghĩa nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên, nền sản xuất có cơ hội tăng trưởng. Với xu hướng đầu tư, xu hướng vốn ngoại chảy mạnh vào Việt Nam sẽ tiếp tục, kể cả với đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Về cầu tiêu dùng nội địa có độ trễ từ tác động của mặt bằng lãi suất, nhưng sẽ phục hồi tích cực hơn vào nửa cuối năm 2024 và đây cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng.
Chung nhận định những “làn gió ngược” trong năm 2024 sẽ giảm đi, thực tiễn có nhiều thuận lợi hơn, tuy vậy GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, thận trọng nhìn nhận: “Các con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực trong năm nay đều thấp hơn con số của năm 2023; trong khi Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6%-6,5%, cao hơn năm 2023. Chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”.
Tựu trung, định hướng quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ là tháo gỡ khó khăn (cách làm thụ động, đi sau khi khó khăn đã xảy ra rồi) mà phải phát huy vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước bằng cách tạo thuận lợi hơn nữa, mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp một môi trường đầu tư an toàn, thân thiện.
Các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội vừa qua đều đã nêu bật nhiều giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua, trong đó 2 nhóm giải pháp trọng tâm là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho mục tiêu này. Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song những chi phí cho thủ tục hành chính, thanh tra kiểm tra định kỳ… vẫn còn không ít. Tâm lý đình trệ, sợ sai vẫn còn khá phổ biến ở nhiều cơ quan quản lý các cấp.
Làm sao để tạo được không khí thực thi sôi nổi cho quá trình tăng tốc năm 2024 là điều không mới nhưng vẫn đầy thách thức. Có lẽ đây chính là mấu chốt quyết định việc năm 2024 sẽ là điểm đáy suy giảm hay là điểm bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.