Dịch COVID-19 đến 6h sáng 9/4: Số ca mắc vượt ngưỡng 1,5 triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tính đến 6 giờ sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu đã lên tới 1.504.420 trường hợp.

 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Burgos, Tây Ban Nha, ngày 2/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Burgos, Tây Ban Nha, ngày 2/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)



Theo trang thống kê worldometers.info tính đến 6 giờ sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu đã lên tới 1.508.224 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã lên tới 88.280 người.

Đến nay, thế giới cũng ghi nhận 329.542 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 48.018 ca đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 426.300 ca mắc và 14.622 ca tử vong do COVID-19. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 148.220 ca mắc và 14.792 ca tử vong. Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 139.422 ca mắc và 17.669 ca tử vong. Đứng thứ tư là Pháp với 112.950 ca mắc và 10.869 ca tử vong. Thứ 5 là Đức với 113.296 ca mắc và 2.239 ca tử vong.

Hiện dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Còn tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 251 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 126 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chưa có ca bệnh nào tử vong.

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ vượt ngưỡng 400.000

Theo tính toán của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã vượt 400.000 ca trong ngày 8/4.

Đại dịch COVID-19 hiện đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 12.936 người tại Mỹ. Nước này hiện đứng đầu thế giới về số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 với 426.300 ca.

Trước đó, nước Mỹ đã ghi nhận số người nhiễm SARS-CoV-2 vượt ngưỡng 300.000 hôm 4/4.

Bang New York ghi nhận số người tử vong do COVID-19 cao kỷ lục

New York ngày 8/4 ghi nhận có thêm 779 người tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24h qua, nhiều hơn 48 ca so với ngày hôm trước. Như vậy, ngày 8/4 trở thành ngày có nhiều ca tử vong nhất tại vùng tâm dịch của nước Mỹ.


 

Nhân viên y tế chuyển nạn nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 7/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển nạn nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 7/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)



Tại cuộc họp báo trực tuyến cập nhật tình hình dịch COVID-19 ở tiểu bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tuy số người tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, song số người nhập viện đã cho thấy mức độ lây lan của đại dịch có chút giảm tại New York. Ông cũng bày tỏ lạc quan nếu tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của tiểu bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới.

Tổng số người tử vong tại tiểu bang New York tính đến ngày 8/4 lên tới 6.298 người khiến Thống đốc Cuomo phải yêu cầu toàn tiểu bang để cờ rủ.

Trước đó, trong phần họp báo cập nhật tình hình đại dịch ở thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tỷ lệ người tử vong trong cộng đồng người gốc Nam Mỹ và gốc Phi cao gấp đôi tỷ lệ tử vong của người Mỹ da trắng và điều này cho thấy có sự cách biệt về điều kiện kinh tế cũng như cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của các nhóm dân cư này.

Thị trưởng de Blasio khẳng định thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ các bệnh viện công hơn nữa để người nghèo có cơ hội điều trị khi nhiễm SARS-CoV-2.

Chưa có dấu hiệu dịch COVID-19 tại châu Âu đạt đỉnh

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của châu Âu (ECDC) ngày 8/4 cho biết dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đang lây lan và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người tại khắp châu Âu, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 tại châu lục này đã lên tới đỉnh.

Theo báo cáo của ECDC, hệ thống theo dõi số lượng tử vong tại châu Âu do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do COVID-19, tỷ lệ tử vong cao hơn mức dự đoán đã diễn ra tại các nước Bỉ, Pháp, Italy, Malta, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh, và chủ yếu rơi vào những người già trên 65 tuổi.


 

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 3/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 3/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Theo đánh giá của ECDC, mặc dù một số bằng chứng ban đầu từ Italy và Tây Ban Nha cho thấy số lượng người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 đang giảm nhưng " hiện giờ chưa thấy có chỉ dấu nào cho thấy bệnh dịch tại châu Âu đã lên tới đỉnh".

Số ca tử vong do SARS-CoV-2 tại Anh vượt ngưỡng 7.000

Ngày 8/4, Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến 6 giờ sáng 9/4 (giờ Hà Nội), số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Anh đã tăng 938 người, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 7.097 ca.

Tổng số người được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Anh là 232.708 người, trong đó có 60.733 người dương tính với virus này.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 8/4, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo, tình hình sức khỏe của Thủ tướng nước này Boris Johnson "đang cải thiện" trong bối cảnh ông được điều trị chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song ông vẫn cần được chăm sóc tích cực.

Trước đó, người phát ngôn chính thức của Thủ tướng cho biết, ông Johnson "có đáp ứng với điều trị" và có "tinh thần tốt" sau khi trải qua đêm thứ 3 tại bệnh viện St Thomas ở thủ đô London.

Tình hình dịch COVID-19 tại Italy

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 8/4 công bố nước này ghi nhận thêm 3.836 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 139.422 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong đã tăng lên 17.669 trường hợp (tăng 542 ca) và số ca hồi phục là 26.491 ca (tăng 2.099 ca).

Italy hiện có tổng số 28.485 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.693 ca phải điều trị tích cực, và 63.084 trường hợp cách ly tại nhà. Theo đó, nước này tiếp tục ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm 99 trường hợp so với ngày 7/4.

Gần 11.000 ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp

Giới chức y tế Pháp tối 8/4 xác nhận 10.869 ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, trong đó 7.632 ca ở bệnh viện (tăng 541 trong 24 giờ). Tuy nhiên, số ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội vẫn ở mức 3.237 của ngày hôm trước, vì không được cập nhật do lỗi máy tính.

Số bệnh nhân phải nhập viện là 30.375 (tăng 348 trong 24 giờ), gồm 7.148 trường hợp nghiêm trọng cần hồi sức tích cực (tăng 482). Trong số những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt này có 108 người dưới 30 tuổi. Đến nay, 21.254 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian Pháp cho biết Pháp sẽ viện trợ gần 1,2 tỷ euro để giúp châu Phi chống lại sự lây lan của COVID-19. Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, ông Le Drian nhấn mạnh rằng ở cấp độ song phương, Pháp sẽ tham gia vào nỗ lực này bằng cách chuyển hướng một phần đáng kể khoản viện trợ phát triển, trị giá gần 1,2 tỷ euro, sang các lĩnh vực chăm sóc y tế và cung ứng thực phẩm.

Trong một diễn biến khác liên quan, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã phải ngừng sứ mệnh ở Biển Bắc để quay trở về nước sau khi phát hiện khoảng 40 trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra ở trên tàu.



 

 Ảnh tư liệu: Tàu sân bay Charles de Gaulle tới cảng Brest, miền tây nước Pháp, ngày 13/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Tàu sân bay Charles de Gaulle tới cảng Brest, miền tây nước Pháp, ngày 13/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)



Bộ Các lực lượng vũ trang Pháp ngày 8/4 ra thông cáo cho biết "khoảng 40 thành viên thủy thủ đoàn có các triệu chứng giống như bị mắc COVID-19.

Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp nào nguy kịch." Thông cáo còn cho hay, tàu sân bay chạy bằng nhiên liệu hạt nhân này đang trên đường trở về nước và sẽ quay về Toulon ở miền Nam nước Pháp sớm hơn dự kiến."

Một nhóm chuyên gia về dịch bệnh thuộc lực lượng quân y Pháp đã được đưa lên tàu để kiểm tra tình trạng lây lan COVID-19 trong tổng số 1.760 thành viên thủy thủ đoàn.

Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ và các nước EU

Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong báo cáo mới nhất, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Eurozone sẽ giảm 9% trong năm 2020 và sẽ tăng 7,8% trong năm 2021.

Trong đó, GDP của Italy hứng chịu sự suy giảm mạnh nhất 11,6% và sẽ tăng trở lại vào năm 2021 ở mức 7,9%.

Goldman Sachs cũng khẳng định sự không chắc chắn về các dự báo mới đưa ra, khi mà dự báo chủ yếu dựa trên 3 thông số chính: thời điểm đỉnh dịch, thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và tốc độ phục hồi sau đó. Goldman Sachs ước tính trong kịch bản xấu nhất GDP của Eurozone sẽ sụt giảm đến 16%.

Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo GPD của Pháp sẽ giảm 7,4% trong năm 2020 và tăng trở lại 6,4% trong năm 2021; Đức với ước tính tương ứng giảm 8,9% và tăng 8,5%; Tây Ban Nha giảm 9,7% và tăng 8,5%.

Diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại Trung Đông

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/4 thông báo quốc gia này đã ghi nhận thêm 4.117 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 87 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh và thiệt mạng do chủng virus nguy hiểm này lên tương ứng 38.226 và 812.

Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong vòng 24 giờ qua, đã có 24.900 trường hợp được xét nghiệm để sàng lọc các nguy cơ mắc COVID-19. Hiện tổng số bệnh nhân phục hồi ở nước này là 1.846 người.

Tại Iraq, Bộ Y tế nước này xác nhận tổng cộng 1.202 ca nhiễm bệnh và 69 người tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc. Trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại Iraq là 80 trường hợp, trong đó có 15 người được phát hiện ở thủ đô Baghdad. Chính phủ Iraq hiện đang áp dụng một số biện pháp để kiềm chế sự bùng phát dịch COVID-19, trong đó có mở rộng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho tới ngày 19/4.

Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 8/4 cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 2.932, sau khi ghi nhận thêm 327 trường hợp mắc bệnh. Bộ Y tế Saudi Arabia kêu gọi người dân nước này theo sát những chỉ dẫn y tế và tuân thủ chặt chẽ các biện pháp đang được triển khai để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo có thêm 300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 2.659. Hiện các ca nhiễm bệnh mới đều trong tình trạng sức khỏe ổn định. Trong khi đó, Jordan quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm 48 giờ trên quy mô toàn quốc, bắt đầu từ nửa đêm 9/4, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Nam Phi: Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao nhất kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc

Bộ Y tế Nam Phi ngày 8/4 thông báo nước này ghi nhận thêm 96 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 1.845 trường hợp. Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất trong ngày kể từ Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 27/3.

Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, Nam Phi cũng ghi nhận 18 ca tử vong do COVID-18, tăng 5 trường hợp so với một ngày trước đó. Tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, tiếp tục là tâm dịch với 782 ca nhiễm, tiếp theo là tỉnh Western Cape cùng thành phố du lịch Cape Town với 495 ca. Tỉnh KwaZulu-Natal nơi có cảng biển quốc tế Durban sếp thứ 3 với 354 trường hợp.


 

Một trạm khai báo y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại Hammanskraal, Nam Phi, ngày 25/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một trạm khai báo y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại Hammanskraal, Nam Phi, ngày 25/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)



Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 63.776 người. Dự kiến, nước này sẽ nâng năng lực xét nghiệm từ khoảng 5.000 người/ngày lên 15.000 người/ngày vào giữa tháng 4 và 30.000 vào cuối tháng 4 tới.

Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tạm đình chỉ chức vụ của Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ kỹ thuật số Stella Ndabeni-Abrahams trong vòng 2 tháng do vi phạm quy định phong tỏa toàn quốc bởi dịch COVID-19. Bà này bị cáo buộc đã đến thăm nhà một người bạn và ăn trưa ở đó trong thời gian nước này áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày từ 26/3-16/4.

Cũng trong ngày 8/4, Phòng Công nghiệp và Thương mại Nam Phi (SACCI) thông báo chỉ số niềm tin doanh nghiệp tại Nam Phi tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng do tác động "đặc biệt nghiêm trọng" từ đại dịch COVID-19.

 

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.