Đi Úc làm nông nghiệp lương 60 triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lao động VN từ 21 tuổi, trình độ tiếng Anh IELTS 4.0 trở lên, có thể đăng ký tham gia chương trình đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc, mức lương lên tới 60 triệu đồng/tháng.

Lao động không phải trả phí môi giới

Ngày 6.9 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại VN chính thức công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân VN đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc.

Lao động VN thu hoạch nấm tại Úc.
Lao động VN thu hoạch nấm tại Úc.

Theo kế hoạch của chương trình Di chuyển lao động giữa Úc và VN đã được chính phủ hai nước thông qua đầu tháng 3, Chính phủ Úc cho phép tối đa 1.000 lao động VN làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Người lao động (NLĐ) VN tham gia chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 - 9 tháng) hoặc làm công việc dài hạn (từ 1-4 năm). Vị trí việc làm của NLĐ chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề từ thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp.

NLĐ VN đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí, điều kiện, được người sử dụng lao động Úc tuyển dụng và được cấp thị thực sẽ được hỗ trợ để đến Úc làm việc theo cơ chế Chương trình Di chuyển lao động Thái Bình Dương-Úc (PALM).

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: "Thỏa thuận nhằm đáp ứng nguyện vọng của NLĐ VN đi làm việc tại Úc để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tích lũy kiến thức, khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập cao… Khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước có thể áp dụng, thực hiện có hiệu quả, tăng năng suất lao động; đồng thời NLĐ đi làm việc tại Úc nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về nguồn nhân lực của người sử dụng lao động Úc".

Về điều kiện tham gia chương trình, bà Cecilia Brenna, Tham tán Kinh tế (Đại sứ quán Úc tại VN), cho biết: "NLĐ phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện như: có kỹ năng phù hợp, trình độ hoặc kinh nghiệm làm việc cần thiết theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thể chất khỏe mạnh; tuổi trên 21. Đặc biệt, phải có trình độ tiếng Anh IELTS 4.0 trở lên, đủ để có thể làm việc, hòa nhập cuộc sống tại Úc và góp phần giảm rủi ro và tự giải quyết phát sinh".

Theo bà Cecilia Brenna, NLĐ tham gia chương trình được hưởng quyền lợi theo quy định của luật pháp Úc như NLĐ Úc; được bố trí đủ việc làm, nơi làm việc an toàn và được người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 300 AUD cho chi phí vé máy bay từ VN đến nơi làm việc, nơi ở tại Úc.

Không những không phải chi trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ hoặc chi phí hành chính cho đơn vị sự nghiệp công lập, NLĐ VN làm việc tại quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại được hưởng mức thu nhập được đánh giá là cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Bà Cecilia Brenna thông tin: "NLĐ làm việc 38 giờ/tuần, mức lương chủ sử dụng lao động trả căn cứ vào lương tối thiểu của Úc là 24 AUD/giờ, tính lương theo tuần khoảng 915 AUD/tuần và lương theo tháng là 3.660 AUD/tháng, tương đương khoảng hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, NLĐ được làm thêm giờ theo quy định của luật pháp Úc".

Cảnh báo lừa đảo

Mặc dù chương trình mới bắt đầu triển khai, nhưng ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ LĐ-TB-XH và phía Úc lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của NLĐ trái quy định pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, thu tiền của NLĐ trái quy định pháp luật, Bộ LĐ-TB-XH có công văn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thông tin, tuyên truyền tới NLĐ tại địa phương về việc: không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Úc cho tới khi Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại VN công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ được lựa chọn tham gia chương trình.

"NLĐ có nhu cầu đi làm việc nông nghiệp tại Úc cần quan tâm tìm hiểu kỹ lưỡng, nắm rõ các thông tin trước khi tham gia; thường xuyên theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB-XH và fanpage của Đại sứ quán Úc tại VN để biết các doanh nghiệp dịch vụ, NLĐ đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình", ông Hương khuyến cáo.

Ông Nguyễn Bá Hoan khẳng định: "Các tổ chức, cá nhân đã tiến hành tuyển chọn, đào tạo NLĐ khi Bộ LĐ-TB-XH chưa triển khai chương trình là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương rà soát, xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật".

Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro cho NLĐ, Phó đại sứ Úc tại VN Renee Deschamps cam kết: "Phúc lợi của NLĐ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Úc, NLĐ tham gia có cùng quyền lợi và được bảo vệ như lao động Úc. Chính phủ hai nước đều cam kết đảm bảo cho NLĐ tham gia chương trình được an toàn và giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến gian lận, hoạt động tuyển dụng phi đạo đức và bóc lột lao động. Do đó, chúng tôi mong muốn lựa chọn các doanh nghiệp dịch vụ có kinh nghiệm tại VN và có các chính sách và hoạt động tuyển dụng công bằng, có đạo đức và minh bạch".

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hợp tác chặt chẽ của hai bên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tin tưởng chương trình sẽ thành công và là tiền đề thúc đẩy sự gia tăng số lượng lao động, mở rộng ngành nghề cung ứng lao động và tiếp nhận lao động VN, góp phần nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của VN và Úc.

Sẽ công bố thông tin cụ thể

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ Úc cùng phối hợp lựa chọn doanh nghiệp dịch vụ VN tham gia chương trình. Trong năm đầu tiên thực hiện, chỉ có một đơn vị sự nghiệp công lập được lựa chọn là Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) và tối đa 6 doanh nghiệp trên tổng số gần 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lựa chọn. Sau khi công bố 6 doanh nghiệp được phép đưa lao động đi theo chương trình này, thì NLĐ sẽ có thông tin cụ thể để nộp hồ sơ. Ông Hương cho biết thêm: "Đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp dịch vụ không được lựa chọn sẽ không được tham gia và tuyển dụng lao động cho chương trình. Phí tuyển dụng sẽ do người sử dụng lao động của Úc chi trả cho đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ VN".

Theo THU HẰNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.