Núi Vân Hoàn (Nga Sơn, Thanh Hóa) hướng về thôn dân ở là một vách đá thẳng đứng, dấu vết thời gian dài dân nghèo quanh núi lấy đá đem bán.
|
Phần mộ thi sĩ Hữu Loan ở sườn núi Vân Hoàn - Ảnh: THÁI LỘC |
Cụ bảo chiếc xe để cụ thồ đá nuôi con, nếu cán bộ bắt xe thì cụ sẽ dẫn cả bầy con lên giao cho cán bộ, rồi cụ ra giữa chợ ăn xin. Lúc đó, người ta xì xào cán bộ để ông Hữu Loan phải đi ăn mày thì đừng trách. |
Nay núi đã được dừng khai thác nhưng với nhiều người lớn tuổi trong thôn, hình dáng cụ Tú Loan, tức nhà thơ Hữu Loan, dường như vẫn còn hằn trên từng mảng đá lở lói.
Vai thồ đá, sách lận lưng
Trở lại Vân Hoàn giữa trời chiều nắng cháy, chúng tôi gặp ông già chăn bò dưới chân núi đá từng ngập mồ hôi bao phận nghèo đục đẽo, thồ đá mưu sinh thời khốn khó.
Trước mặt ông là cánh đồng cói xanh rì, xen kẽ những hàng sầu đông trơ xương chắn ngang tầm nhìn ra phía sông Mã, khiến cảnh vật càng u uẩn, xám xịt.
"Hỏi đúng người đấy. Từ năm lên mười tuổi tôi đã đi phụ thồ đá, từng đẩy đá cùng ông Tú Loan. Khổ thân ông cụ, xưa đẩy xe cút kít thồ đá, cơ cực trăm bề" - ông chăn bò nói ngay khi chúng tôi hỏi về thi sĩ Hữu Loan.
Người mục đồng này tên là Ngô Văn Đương, 63 tuổi, cùng thôn Vân Hoàn, sống cách nhà Hữu Loan vài trăm thước. "Xưa chúng tôi lấy đá ngay tại đây đấy, đến chừng mười năm rồi Nhà nước cấm không cho lấy nữa mới thôi. Cái thời ấy đói kém, nhà ai cũng cơ cực.
Nhưng ông Tú Loan khốn cùng hơn ai hết, không như người ta dù ít dù nhiều cũng có lúa có khoai hay cá thịt hợp tác. Cụ không vào hợp tác, nên chẳng thồ đá thì không biết lấy gì ăn dù chỉ là cháo loãng cho chục đứa con" - ông Đương nhớ lại.
Cả thời thanh niên của ông Đương, ngày nắng hay mưa đều gặp nhà thơ Hữu Loan ngay dưới ngọn núi đá xanh này. "Hồi đó cực nhọc như thế mà cụ Tú Loan cũng làm nhiều bài thơ về việc thồ đá, về chiếc xe và việc đẩy xe cút kít của ông ấy - nói đoạn, ông Đương buột miệng đọc: - Đẩy xe cút kít / Quay tít tù mù / Tiền thì chẳng được mấy xu...".
Theo ký ức của ông Đương, một khối đá lúc ấy được 3 đồng, rất nhiều người làng bám víu công việc thồ đá phụ thêm vào miếng ăn vốn rất ít ỏi từ ruộng đồng hợp tác chia được. Vậy mà ai đi thồ đá khi ấy cũng chỉ dằn bụng bằng rau, khoai qua bữa.
Cùng thiếu, cùng đói, nhưng "kiểu ông Tú Loan thồ đá thì khó ai quên. Cả làng này ai cũng quý ông cụ đỗ tú tài Tây, hỏi cái gì cũng biết. Hơn nữa cũng không có ai đi thồ đá mà giắt theo sách tiếng Tây tiếng Tàu để đọc khi nghỉ ngơi như ông ấy cả", ông Đương bật cười.
|
Ông Ngô Văn Đương kể chân núi lở lói nơi mình ngồi là chốn Hữu Loan còng lưng thồ đá ngày trước - Ảnh: THÁI LỘC |
Nếu cán bộ bắt xe, nhà thơ đi ăn mày
Trong một bài thơ viết năm 1988, Hữu Loan kể thời thồ đá: "Tôi đẩy xe đi / đá nặng dốc dài / Dốc chang chang trên nắng dưới người / Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần từ râu không cạo". Nhưng cái nắng rát, khối đá nặng, con dốc dài không phải là chuyện truân chuyên nhất trong quãng đời thồ đá. Riêng ông còn gặp nhiều trắc trở khác so với các "đồng nghiệp" phu đá đương thời.
Khi hỏi hình ảnh nhớ nhất về cha mình, những người con của ông luôn bật ra hình ảnh một người bố ăn mặc phong phanh áo vá, gồng lưng quai từng xe đá qua con dốc núi lởm chởm gồ ghề.
Ông Nguyễn Hữu Vũ - nay đã tuổi 60, từ lúc chưa đầy 10 tuổi đã ra bãi đá phụ bố - kể lại mà không kìm được giọng nghẹn ngào: "Thời đó có bữa chỉ được dúm rau luộc ăn tạm rồi đi thồ. Có lần bố tôi đang đẩy xe cút kít lên dốc thì đứng lại lảo đảo. Tôi hỏi sao, cụ bảo bố đói quá choáng váng chút thôi. Rồi cụ lại nghiến răng đẩy tiếp hết lượt xe mới nghỉ. Bữa đó nghỉ sớm".
Dĩ nhiên ông Vũ cũng không thể quên được chiếc xe cút kít bằng gỗ do bố mình đóng gồm một thùng lớn có bánh xe phía trước, trên hai càng chống phía sau là hai tay cầm nối với nhau bằng một dây quai. Mỗi lần thồ, nhà thơ chất đá lên thùng, đeo quai vô vai, hai tay gồng giữ hai càng rồi đẩy tới. Chiếc bánh gỗ cứ thế "ò e cút kít".
Theo lời ông Nguyễn Hữu Dũng - em họ của Hữu Loan, có lần nhà thơ bị đá rơi trúng chân, vết trầy xước lở loét miệng mãi không lành nên người ta nghi bị sâu quảng. "Hồi đó thuốc men có đâu, mà nếu có ông cũng không có tiền để mua. Vậy là ông Loan đã giã ốc sên đắp vào, mãi sau chỗ chân bị đá rơi ấy mới dần khỏi" - ông Dũng thương nhớ ngậm ngùi.
Chiếc xe cút kít gỗ nặng trịch đó về sau đã được nhà thơ dùng làm củi nhóm lò cho vợ làm bánh. Đó là giai đoạn mà người phu đá Hữu Loan mua được một chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất (hiệu xe đạp thông dụng thời bấy giờ - PV) chế lại thồ đá.
Tưởng chừng như có chiếc xe đạp, việc thồ đá sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhà thơ lại gặp phải vấn đề khác. Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể: "Hồi đó xe đạp còn được quản lý kỹ, có bảng số.
Cụ chế chiếc xe đi thồ được thời gian thì các cán bộ xã đòi thu giữ vì chiếc xe của cụ bị xem là chế hàng lậu". Chuyện là chiếc xe thồ đá nặng quá khiến cái phuộc bị vẹo, Hữu Loan đã lấy xà beng bằng sắt Liên Xô chế lại. Chiếc "xe Thống Nhất, phuộc sắt Liên Xô" bị tịch thu lên xã vì lý do chế xe.
Nguy cơ mất "cần câu cơm", nhà thơ Hữu Loan đã lên gặp cán bộ phản ứng rất dữ. "Cụ bảo chiếc xe để cụ thồ đá nuôi con, nếu cán bộ bắt xe thì cụ sẽ dẫn cả bầy con lên giao cho cán bộ, rồi cụ ra giữa chợ ăn xin. Lúc đó, người ta xì xào cán bộ để ông Hữu Loan phải đi ăn mày thì đừng trách", ông Đán kể.
Biết tính Hữu Loan từ xưa hễ nói là làm, không nói đi nói lại, việc bắt xe sau đó được "cho qua". Có lại xe nhưng trở về bãi đá, có lẽ sự can thiệp nào đó từ cán bộ mà những người nổ mìn phá đá không bán cho ông nữa. "Từ đó, cụ phải tự mình kiếm chỗ đá mồ côi, tự tay dùng xà beng bẩy, rồi đục cho lên xe thồ bán.
Cụ vẫn tiếp tục làm đến khi sức khỏe không thể thồ đá được nữa và khi con cái đã lớn mới thôi. Tính cụ rất thẳng, quyết không thỏa hiệp hay nản chí, không vì bất cứ lý do gì mà thay đổi ý định. Người ta không muốn cụ làm thì nhất định cụ phải làm", ông Đán kể thêm.
Núi đá, đời người. Cả đời nhà thơ Hữu Loan gắn liền với ngọn núi Vân Hoàn. Được đẻ "rơi" nơi chân núi, phần lớn cuộc đời ông cũng ở căn nhà nát cách chân núi vài trăm thước. Núi cho ông đá để giữ phẩm chất làm người, dìu dắt vợ con đi qua những tháng năm cùng khổ nhất.
Giờ mộ phần Hữu Loan cũng nằm trên sườn phải của núi, hướng ra sông Mã. Hai bên chừa hai phần đất, một phần sẽ đặt mộ phần người vợ "hoa lúa" Phạm Thị Nhu. Phần còn lại, những người con cho biết nếu không chuyển người vợ "hoa sim" Lê Đỗ Thị Ninh về được thì có thể làm mộ chiêu hồn. Họ dự định xây dựng bài bản khu mộ thành khu tưởng niệm Hữu Loan, trở thành điểm đến cho những người yêu thơ...
"Người ta dùng thuốc nổ cho đá nổ ra từng mảng lớn, rồi dùng tay đục lại thành viên đá bằng chừng cái balô để phu đá thồ đi. Việc thồ đá chỉ làm từ lúc sáng tinh mơ đến khoảng 9 giờ. Chiều, khi Mặt trời đã bắt đầu hết nóng rát lại ra làm đến chập choạng tối. Mỗi lần thồ cả khối đá, trời nắng quá thì không ai làm nổi. Vì nuôi con, cụ Tú Loan gầy gò mà khỏe khiếp lắm. Tuổi 60, ông vẫn đẩy xe cút kít chạy phăng phăng" - ông Ngô Văn Đương kể. |
______________________________
Hữu Loan có 10 người con. Họ sẽ không bao giờ quên ân tình của cha nuôi nấng con thơ qua thời khốn cùng.
Kỳ tới: Đàn con của nhà thơ nghèo
Theo SƠN LÂM - THÁI LỘC (TTO)