Đi ngắm Chiang Mai rực sáng trong lễ hội Loy Krathong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng 11 sắp đến, Chiang Mai lại chuẩn bị rực sáng với hàng nghìn chiếc đèn lung linh phủ kín bầu trời như trong phim "Công chúa tóc mây".
 

 

Với người Thái, Loy Krathong (“loy”: trôi, “krathong”: đèn hoa đăng) là dịp để thể hiện lòng cảm tạ tới Nữ thần Nước Phra Mae Khongkha đã mang đến cho con người sự sống cũng như xin thần thứ tội vì những việc làm khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Lễ hội Loy Krathong năm nay sẽ diễn ra từ 2/11-4/11.
 

 

Loy Krathong diễn ra trên khắp Thái Lan, nhưng quy mô hoành tráng nhất là tại 4 tỉnh thành: Sukhothai, Bangkok, Ayutthaya, và Chiang Mai. Krathong truyền thống là những chiếc thuyền thủ công nhỏ làm từ thân cây chuối. Nhưng ngày nay, người ta thường dùng xốp styrofoam hoặc bánh mì để đèn tự phân hủy sau vài ngày hoặc cá có thể ăn.
 

 

Chiang Mai thường thu hút đông du khách bởi nghi lễ khác biệt - thả đèn trời Yi Peng (Yi: hai, Peng: ngày trăng tròn). Trong lễ hội, tại nhà dân và khắp các nơi công cộng, những chiếc đèn sáng rực sẽ được thả bay lên không trung suốt đêm. Hành động này tượng trưng cho việc gạt đi những muộn phiền và buồn đau năm cũ. Các Phật tử cũng tin rằng, những điều bạn ước nguyện trong lúc thả đèn sẽ trở thành sự thật nếu bạn thực hiện những điều tốt lành trong năm sau.
 

 

Song song với thả đèn trời là hoạt động thả đèn hoa đăng. Điểm thả đèn đông và choáng ngợp nhất chính là cầu Nawarat ngang sông Ping. Đi dọc khắp bờ sông Ping, bạn sẽ thấy krathong trôi lấp lánh bên chùa Chai Mongkhon, Lok Mo Lee... Bên cạnh lễ thả đèn là các sự kiện diễu hành, bắn pháo hoa, thi sắc đẹp...
 

 

Trong suốt lễ hội, khắp Chiang Mai được bao phủ bởi đèn lồng. Những chiếc đèn đầy màu sắc được trang trí tại Tượng đài Three Kings, Cổng Thapae và tại tất cả cổng bao quanh khu phố cổ. Cổng trước của các đền chùa và hộ gia đình được trang trí bằng lá dừa và hoa.
 

 

Đèn lồng được bán ở rất nhiều địa điểm khác nhau quanh thành phố Chiang Mai. Giá của mỗi krathong và đèn lồng dao động từ 30-100 baht tùy thuộc kích cỡ. Có 4 loại đèn lồng chính: khom kwaen (đèn treo), khom thue (đèn treo que nhỏ hoặc cầm tay), khom pariwat (đèn quay) và khom loy/khom fai (đèn bay bằng khí nóng).
 

 

Ngoài lễ hội chính thức được tổ chức miễn phí trong 3 ngày, du khách có thể tham gia lễ hội riêng diễn ra tại Đại học Mae Jo. Sự kiện này thường diễn ra một tuần sau lễ hội Yi Peng chính thức nhưng bạn phải đặt vé trước với giá 100-300 USD gồm: một phần đồ ăn kiểu Lanna, 2 lồng đèn Dhammachai, một krathong, một bộ đồ lưu niệm cùng xe buýt khứ hồi.
 

 

3h chiều là thời gian lý tưởng bạn nên có mặt tại Mae Jo để tránh kẹt xe và dành được vị trí tốt cho việc quan sát lễ hội. Để tới Mae Jo, bạn có thể đi songthaew hoặc tuk tuk, nhưng nhớ thỏa thuận giá trước khi lên xe và hẹn giờ để tài xế quay lại đón bạn. Nếu có giấy phép lái xe quốc tế, bạn có thể thuê một chiếc xe máy để tự do di chuyển hơn.
 

 

Chiang Mai có những món ăn thuộc vào hàng ngon nhất Thái Lan. Trong số đó, khao soi – mì xào giòn với điểm nhấn cà ri là món ăn đặc trưng ở đây - thường có giá khoảng 40 baht/tô. Ngoài ra, còn có không ít những cái tên hấp dẫn khác mà bạn có thể thử qua như: khan toke, sai oua, gaeng hang lay, miang kham, larb kua…
 

 

Được xem là “mẹ đẻ” của chợ trời Chiang Mai, khu chợ đêm Night Bazaar chính là kho hàng lưu niệm vừa xinh xắn vừa vô cùng phong phú mà bạn sẽ muốn dừng chân ghé qua. Chưa kể, chợ còn có khu vui chơi giải trí với nhiều quán ăn và cà phê phục vụ nhạc sống. Nếu muốn thư giãn, bạn có thể ghé tiệm massage chân với giá khoảng 100 baht cho 30 phút phục vụ.

Ngọc Diệp/zing

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.