"Đêm trắng" nơi tâm dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lực lượng tuyến đầu chống dịch đã trải qua nhiều “đêm trắng” truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cũng như túc trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Sự hy sinh thầm lặng của họ đã giúp “vùng nóng” chiến thắng dịch Covid-19, góp phần lan tỏa quyết tâm dập dịch trong cộng đồng.

Kiên cường bám chốt

Đêm xuống, khi mọi người về với gia đình sau một ngày làm việc thì những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các chốt chặn phòng-chống dịch Covid-19 vẫn căng mình kiểm soát người và phương tiện qua lại. Từ đầu năm đến nay, thị xã Ayun Pa đã 2 lần trở thành tâm dịch Covid-19. Giờ đây, khi dịch bệnh bùng phát tại huyện Krông Pa và các tỉnh lân cận, họ lại tiếp tục chốt chặn cửa ngõ ra vào tỉnh. Ghé thăm chốt kiểm soát trên tỉnh lộ 668 (xã Chư Băh, đường đi tỉnh Đak Lak) khi trời đã về khuya mới thấu hiểu hết sự vất vả của lực lượng nơi đây. Những đôi mắt thâm quầng, đôi chân đã mỏi nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ, không để bất kỳ phương tiện, người qua chốt nào mà không được kiểm soát.

Mặc dù gió rít từng cơn lạnh buốt nhưng lực lượng trực chốt tại thị xã Ayun Pa vẫn đảm bảo quân số túc trực kiểm soát phương tiện qua lại. Ảnh: Vũ Chi
Hàng đêm, lực lượng trực chốt tại thị xã Ayun Pa vẫn đảm bảo quân số để kiểm soát phương tiện qua lại. Ảnh: Vũ Chi


Đại úy Phùng Kim Chưởng-cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) cho biết: Mỗi ngày, anh em chia 3 ca trực để có thời gian nghỉ ngơi lấy sức. Ca 1 từ 5 giờ sáng đến 13 giờ, ca 2 từ 13 giờ đến 20 giờ và ca 3 từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Vất vả nhất là ban đêm và những hôm trời mưa gió, anh em vừa thu dọn đồ đạc tránh mưa, vừa phải hỗ trợ bà con qua chốt khai báo y tế. Nhiều người dân cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của lực lượng trực chốt, song cũng có trường hợp phản ứng, gây mất trật tự khiến anh em càng vất vả.

Mỗi lần được nghỉ ngơi, anh Chưởng lại tranh thủ gọi điện về gia đình. Nhớ con, thi thoảng anh tạt ngang qua nhà, nhìn con qua hàng rào rồi lại đi ngay. “Có lần, cậu con trai út thấy dáng ba vội chạy ra cổng, sợ con thấy sẽ đòi, tôi phải chạy vòng ra sau nhà. Rời đi mà khóe mắt cay cay, chỉ mong hết dịch được ôm con vào lòng”-Đại úy Chưởng nhớ lại.

Cùng trực tại chốt 668 những ngày này có dược sĩ Ung Thị Châu Trang-cán bộ Trạm Y tế xã Ia Sao. Tại đây, ban ngày nắng như đổ lửa, ban đêm lạnh thấu xương nhưng chị vẫn phải bật quạt cho khỏi bị muỗi cắn. Cắm chốt nơi khí hậu khắc nghiệt khiến chị trở nên cứng cỏi. Với chị, nguồn động lực lớn nhất để vượt qua khó khăn chính là cậu con trai 7 tuổi. Chồng làm Công an xã tại huyện Ia Pa cũng chẳng thể về nhà. Do vậy, từ đầu mùa dịch đến nay, chị phải gửi con cho bà ngoại chăm sóc. “Những hôm đầu xa con khiến tôi thấp thỏm không yên, phần sợ bà ngoại tái phát bệnh tim. Thật may, cháu nhanh chóng thích nghi, giờ mỗi khi nhớ mẹ là gọi điện thủ thỉ: “Hết dịch mẹ về với con nhé”-chị Trang trải lòng.

Xuyên đêm dập dịch

Thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch trở thành yếu tố quyết định thành bại trong cuộc chiến chống Covid-19. Vì vậy, 2 lần thị xã bùng phát dịch là 2 lần y-bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh di chuyển xuống địa bàn trong đêm để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Bác sĩ Lê Văn Vinh-cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn nhớ như in lần đầu thị xã bùng phát dịch, lực lượng truy vết nhận tin báo 1 công dân tử vong trong rẫy tại địa phận xã Chư Băh. “Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi liền băng rừng trong đêm, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tuyên truyền, vận động người dân chôn cất người đã mất ngay tại rẫy. Tuyến đường gần 2 km, lực lượng truy vết phải di chuyển bằng xe công nông, vừa đi vừa soi đèn pin tìm đường. Thật may, công dân có kết quả âm tính”-bác sĩ Vinh hồi kể.

Lực lượng y-bác sĩ truy vết xuyên đêm để nhanh chóng lấy mẫu, khoanh vùng, dập dịch. Ảnh: Vũ Chi
Lực lượng y-bác sĩ truy vết xuyên đêm để nhanh chóng lấy mẫu, khoanh vùng, dập dịch. Ảnh: Vũ Chi


Cũng trong đợt dịch đầu tiên tại thị xã, sau 10 ngày không phát hiện ca bệnh thì chiều 30 Tết xuất hiện ca F0 sau khi mở rộng xét nghiệm trong cộng đồng. Những tưởng được đón cái Tết trong bình yên thì ngay đêm Giao thừa, lực lượng truy vết lại tiếp tục nhiệm vụ. Nhìn mọi người, mọi nhà đều đang sum vầy bên mâm cỗ chuẩn bị đón năm mới, nhiều người không kìm được nước mắt, chạnh lòng nhớ về gia đình. Đối với nhiều y-bác sĩ tham gia đội truy vết, đây là cái Tết vô cùng đặc biệt. Điện thoại vẫn reo, vẫn báo tin nhắn chúc mừng năm mới, kèm theo là những lời động viên nhưng không ai trong số họ có thời gian để nghe, để đọc. Sự hy sinh âm thầm của họ đổi lại cái Tết bình yên cho mọi người.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự đóng góp của lực lượng vũ trang. Cùng với các y-bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đã có mặt tại thị xã ngay trong đêm đầu tiên dịch bệnh xuất hiện để tiến hành phun khử khuẩn những địa điểm có nguy cơ lây lan cao. Công việc hoàn thành cũng là lúc đêm đã về khuya, các anh chỉ tranh thủ chợp mắt giây lát để lấy sức sáng sớm hôm sau thực hiện nhiệm vụ ở những địa phương lân cận. Bất kể giờ giấc, ngày cũng như đêm, các anh luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cần sự chung tay của các cấp, các ngành cũng như toàn thể người dân. Những “đêm trắng” của lực lượng tuyến đầu chống dịch luôn là hình ảnh đẹp về lòng dũng cảm và sự hy sinh, là điểm tựa vững vàng góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.