Đêm Phố Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đã hơn một lần mơ về Hội An. Mãi đến bây giờ, tôi mới thực hiện được ước mơ của mình. Nhất là trong những ngày lòng tôi hoang vắng nhất. Có lẽ phải đến ngắm nhìn cho tận tường thì mới hiểu được vì sao Hội An  lại trở thành một trong những nơi có cuộc sống về đêm đẹp nhất hành tinh.

Ảnh: Lữ Hồng
Ảnh: Lữ Hồng

Hội An là đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách trung tâm thành phố Đà nẵng chừng 30 km về phía Nam. Đây từng được xem là thương cảng sầm uất nhất nhì Đại Việt xưa. Trở mình qua cơn thịnh suy của bánh xe lịch sử, phố cổ Hội An với những yếu tố ngoại sinh và nội sinh đã tồn tại vững bền sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc và nhất là giữ cho mình không biến dạng dưới tác động của quá trình đô thị hóa cuối thế kỷ XX; xứng đáng được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.

Khu phố cổ nằm trọn trong mảnh không gian chừng đôi km với những con đường ngắn và hẹp, chạy song song theo kiểu bàn cờ, vuông góc với tuyến đường chính Trần Phú kéo ra bờ sông. Hội An đẹp nhất ở khoảnh khắc vào đêm. Tôi dừng chân nơi đây trong một đêm cuối tháng 7, trời mưa riu riu. Không cần phải đến phố cổ vào đúng những dịp lễ rằm vì đêm nào ở nơi đây cũng là hội. Một đêm hội ngời lên ánh Phương Đông màu nhiệm với những dòng trăng cổ tích. Dòng trăng được kết bởi hàng trăm lớp ánh sáng đa màu, hắt ra từ chiếc đèn lồng treo nơi ban công, khung cửa sổ hay rủ xuống từ mái hiên những ngôi nhà cổ, mềm mại và êm dịu đến khôn cùng. Tôi trôi theo dòng ánh sáng kì diệu đó trên từng con phố, mặt đường trơn bóng như có ai vừa đổ cả ngàn khối trăng xuống, giăng mắc lửng lơ. Có lẽ trái tim không màu của một người cô đơn đã dần thắm lại khi hòa mình vào thanh âm du dương phát ra từ góc cà phê nào đó. Hội An đẹp trong từng bước chân lang thang trên hè phố, trong cái cảm xúc lẫn lộn giữa thương nhớ và bâng khuâng.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng cuộc sống ở phố cổ Hội An về đêm là một lát cắt sống động của xã hội Việt Nam thu nhỏ. Như một dòng chảy thời đại, vừa có nét tươi vui, mới mẻ vừa ẩn chứa dáng điệu lặng lẽ, trầm mặc. Giữa những hội quán lộng lẫy ánh đèn màu, những cửa hàng trưng bày hoa lệ với cơ mang nào lụa là, gấm vóc, sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác tinh xảo, giữa tấp nập bước chân du khách thập phương… là những gánh chè rong với dăm ba chiếc ghế cỏn con, là chiếc nia nhỏ chỉ đựng được vài hoa đăng (bán cho khách qua đường) của bà cụ đã còm lưng mỏi gối. Tôi không mảy may rơi rụng đi một nhịp thở nào từ khi bước chân vào nơi đây; thấy đêm phố cổ huyền bí, lạ lẫm mà gần gũi đến vô chừng, như lúc tôi nghĩ về người thương của mình vậy.

Đêm phố cổ còn tuyệt diệu bởi sự hòa quyện giữa phồn hoa và tín ngưỡng. Cuối tháng sáu Âm lịch, những dòng người hối hả, nhộn nhịp từ khắp nơi đổ về cũng không thể nào kéo Hội An ra khỏi nhịp chuyển động nhẹ nhàng thường nhật, người dân phố cổ dâng hương hoa, phẩm vật ra trước cửa hiệu của mình, đốt nhang và đốt cả vàng mã. Những tia khói bay lên mùi hương thoang thoảng, ấm cả một mảng trời đêm trong vắt. Trên có ánh trăng vàng soi lối, dưới có ánh đèn lụa nồng ấm đưa đường, tôi ghé lại hội quán này một chút, chiêm bái đền miếu kia một chút. Chùa Cầu, đình Cẩm Phô, nhà tổ họ Nguyễn Tường nằm nép bên những trục phố nhỏ hẹp, bình dị, tái hiện lại không gian xưa cổ với cây đa, bến nước, sân đình…với tôi mà nói, đó là cả một tổ hợp kiến trúc tín ngưỡng đồ sộ, độc đáo mang đậm nét giao thoa văn hóa Nhật - Việt - Trung .

Tôi tản bộ ra bờ sông, đến một chân trời mới. Chen chúc và náo nhiệt. Chiếc cầu nhỏ nối hai bờ cũng ngập tràn ánh sáng. Giữa dòng người cuộn cuộn đổ về, tôi chọn cho mình một chiếc đèn giấy từ nia nhỏ và gửi bà cụ mười ngàn đồng. Chờ con đò chở hoa đăng sang ngang, tôi thả trôi lời nguyện cầu cho sức khỏe xuống dòng nước. Trong tôi lúc ấy là khoảng không tĩnh lặng, chỉ cần một tiếng gõ nhẹ cũng đủ làm đứt tơi tất cả. Tôi đã tự sưởi ấm cho những ngày hoang vắng nhất bằng việc đắm mình trong một không gian đêm trọn vẹn niềm thương.


 

Đêm đầu cũng là đêm cuối ở Hội An, tôi không ngủ. Nghe tim đập những nhịp rất khẽ trong cái chợp mắt mơ màng. Hình như tôi đang nhớ về những dòng trăng cổ tích ấy. Tôi mải mê như lúc đan tay với người thương, quên cả ngày mai trời sẽ nắng. Rời Hội An trong một ngày hạ sắp tàn, dù nắng vẫn xôn xao, tôi gửi lại nơi này một lá thư màu mực xanh có đôi dòng dung dị và hứa sẽ quay trở lại vào một sớm bình yên nhất. Ba-lô nặng thêm vì những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc đêm phố hội.

Bạn hãy về Hội An để kéo mình chậm lại trong suốt guồng quay hối hả của cuộc đời và để gieo thêm một vệt sáng trong tâm hồn. Đêm Phố Hội sẽ là vòng nắng hồn nhiên, rớt xuống vòng đời giông bão…

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Xem phim rồi check-in Bàu Trắng

Xem phim rồi check-in Bàu Trắng

Những ngày qua, sau khi phim “Lật Mặt 8” mang tên “Vòng tay nắng” với những cảnh quay tại Khu du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) khởi chiếu tại các rạp thì ngày càng có nhiều người đến check-in hơn với các địa danh được nhắc đến trong phim.

Biển đảo Phú Yên - vẻ đẹp nguyên sơ gọi mời

Biển đảo Phú Yên - vẻ đẹp nguyên sơ gọi mời

Với đường bờ biển dài đến 189 km, trải dọc từ vịnh Xuân Đài ở phía Bắc đến Hòn Nưa nơi cực Nam, Phú Yên sở hữu kho tàng thiên nhiên biển đảo phong phú và quyến rũ, là điểm đến hấp dẫn trong mùa hè cho những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng và chân thực.

Bánh hoa mai kẹp hạt

Bánh hoa mai kẹp hạt

Cơ sở sản xuất ngũ cốc, trà hoa Cô Ba Bình Định (phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn) hiện cung ứng ra thị trường dòng sản phẩm mới mang tên bánh hoa mai kẹp hạt, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị tự nhiên, bổ dưỡng.
Cá đá sông Côn

Cá đá sông Côn

Người dân ở vùng núi huyện Vĩnh Thạnh vẫn gìn giữ một món ăn giản dị mà đậm đà bản sắc - cá đá nướng cuốn lá rừng. Cá đá là loài cá nhỏ sống trong các khe suối, ghềnh đá, nơi nước chảy xiết, trong vắt. 
Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

null