Đề xuất đưa Củ Chi lên thành phố thay vì lên quận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia tại Hội thảo khoa học định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi do UBND H.Củ Chi (TP.HCM) phối hợp cùng Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức ngày 19.2.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND H.Củ Chi, do là vùng chuyển tiếp giữa vùng Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ, H.Củ Chi giữ vai trò trung tâm, kết nối phát triển một vùng rộng lớn khi tiếp giáp H.Hóc Môn của TP.HCM và các địa phương như Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Dù có nhiều tiềm năng, nhưng thời gian qua Củ Chi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa đang có. Thời gian tới cần đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, cần có chính sách để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, thu hút những tinh hoa đến với Củ Chi nhằm xây dựng một đô thị phát triển bền vững. Tại hội thảo, UBND H.Củ Chi đưa ra 9 dự án đang thu hút đầu tư, với quy mô gần 6.000 ha để kêu gọi đầu tư.

TP cần có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư lớn đến H.Củ Chi (TP.HCM). Ảnh: Ngọc Dương
TP cần có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư lớn đến H.Củ Chi (TP.HCM). Ảnh: Ngọc Dương
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng Củ Chi không nên lên quận mà nên lên TP. Bởi lẽ, nếu lên quận thì Củ Chi sẽ không giữ được phần nông nghiệp, còn lên TP thì có thể gìn giữ và phát triển các xã nông nghiệp để phát triển các thế mạnh, nhằm thu hút khách du lịch.
Đồng quan điểm, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng Củ Chi nên phát triển thành TP thuộc TP bởi hiện nay, huyện đã gần như đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, để lên quận thì sẽ có “độ trễ” và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), cho biết theo quy hoạch hiện hữu, H.Củ Chi định hướng phát triển những khu vực chức năng như khu đô thị Tây Bắc là khu đô thị hiện đại, sinh thái, phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; là trung tâm cấp TP về phía tây - bắc với các chức năng trung tâm dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí.
Củ Chi cũng là địa bàn có định hướng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp: khu công nghiệp Tân Phú Trung, khu công nghiệp Tây Bắc, khu công nghiệp Đông Nam, khu công nghiệp cơ khí ô tô… và các khu sản xuất nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao; Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn phía tây sông Sài Gòn: phát triển khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn có sắc thái riêng, tôn tạo, gìn giữ các giá trị truyền thống lành nghề, phong tục tập quán, đời sống văn hóa kết hợp khai thác du lịch hiện đại, kinh tế nhà vườn.
Phát triển đô thị xanh
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng Củ Chi phải được xác định đầu tư phát triển thành “đô thị xanh”, “đô thị sinh thái”. Để làm được điều này, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, cũng như quy hoạch sử dụng đất H.Củ Chi cần nhất quán vai trò và sự phát triển của vành đai xanh; Cho phép một kết nối chặt chẽ hơn giữa các khu vực nông thôn, đô thị và ngoại thành, duy trì sự ổn định của các làng nghề hiện có và phát triển du lịch sinh thái tại địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược…
Trong dài hạn, Củ Chi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng quỹ đất phục vụ mảng xanh.
Việc xây dựng, phát triển khu dân cư trên địa bàn Củ Chi phải quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt chú trọng đến bố trí sân, vườn, cảnh quan, đảm bảo chất lượng môi trường ở; Cải tạo vườn tạp trong các lô đất của hộ gia đình, đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và tạo môi trường sinh thái khu vực; Đồng thời, giữ gìn và khôi phục không gian mặt nước, bao gồm hệ thống sông, ao hồ, đầm nước, cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí.
“Cần nhanh chóng triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường Vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía đông TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, tháo gỡ nút thắt lớn nhất của Củ Chi là giao thông, khi các tuyến đường tại Củ Chi phần lớn là đường nhỏ. Đồng thời, quan tâm phát triển đường ven sông Đồng Nai từ TP.HCM lên Củ Chi, Tây Ninh, vừa giảm thời gian lưu thông, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc…”, ông Hoan đề xuất.
Để Củ Chi có sự bứt phá về phát triển trong thời gian tới, các chuyên gia đề xuất TP cần có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư lớn, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, chính sách thu hút nhân tài…
“Giữ làng trong phố” khi Củ Chi lên TP
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng H.Củ Chi cần làm tốt quy hoạch, kiến trúc, xây dựng nông thôn mới hiện đại theo hướng “giữ làng trong phố”, không để tình trạng đô thị hóa tự phát “phố không ra phố, làng không ra làng”, giữ hành lang ven sông Sài Gòn. Với những nền tảng sẵn có, Củ Chi cần phát triển thành không gian văn hóa đặc trưng, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp với các giá trị văn hóa, bảo tồn phát triển làng nghề. GS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đánh giá các mô hình mà Củ Chi có thể hướng tới là du lịch đường sông và các vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn, vui chơi giải trí gắn với nông nghiệp, tham quan di tích lịch sử văn hóa…
Theo Đình Sơn - Sỹ Đông (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.