Những con số Tổng cục Thống kê đưa ra hôm qua tuy không gây ngạc nhiên: Số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập lên tới 17,6 triệu người, chiếm 57,3% trong 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ câu chuyện về bảng chi tiêu của một gia đình mùa COVID-19. Theo đó, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ 6,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng sau khi trừ các khoản chi tiêu: ăn uống, điện nước, tiền điện thoại, thuốc men, thăm hỏi thì hai vợ chồng vẫn để ra được…200.000 đồng. Giải pháp dễ hiểu và đơn giản là thắt chặt các loại chi tiêu.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là, nếu gia đình nào cũng chọn phương án thắt lưng buộc bụng thì lại dẫn đến một hệ luỵ khác: Tiêu dùng hộ gia đình đang đóng góp một phần rất quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sức mua giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, ở thời điểm này, kích thích tiêu dùng nội địa là cần thiết, bởi sản phẩm, dịch vụ có được tiêu thụ mới quay trở lại tác động, đẩy mạnh sản xuất.
Song, việc kích cầu có hiệu quả hay không chính nằm ở khả năng chi trả của người dân. Người dân không có khả năng chi trả nhưng vẫn gia tăng mua sắm thông qua việc sử dụng kênh tín dụng tiêu dùng có thể dễ dẫn đến nợ xấu. Người dân không tiết kiệm, không có tích luỹ sẽ tác động đến nguồn lực đầu tư.
Thế nên, việc kích cầu phải nằm trong một tổng thể nhịp nhàng. Giải bài toán kiểu “con gà- quả trứng” này không dễ: Để kích thích sản xuất phải tăng mua nhưng muốn tăng mua thì phải có việc làm, phải có thu nhập…
Trong khi đó, phương án bơm tiền lại có nguy cơ gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới chỉ tiêu kiềm chế làm phát dưới 4% của Chính phủ.
Kích cầu tại chỗ đang được cho là giải pháp tối ưu khi tận dụng thị trường 100 triệu dân. Nhiều gói kích cầu khủng đang được triển khai ngay trong tháng 7 với mức giảm giá lên tới 40-50%. Nhưng để tăng sức mua, giảm giá là không đủ. Để dân “mở hầu bao” phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phải tăng được sức mua trong dân. Nhưng để làm được điều đó, nhưng trước hết, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải có những chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh mới, xu hướng tiêu dùng mới để có chính sách đặc thù phù hợp, không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn, phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế và của người dân và doanh nghiệp”.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-dan-mo-hau-bao-818798.ldo
Theo Hoàng Lâm (LĐO)