(GLO)- Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời vào ngày 2-9-1945, không chỉ là mệnh lệnh trái tim, là sự thôi thúc bên trong của tác giả mà quan trọng hơn, còn là tiếng nói của lịch sử, đáp ứng yêu cầu đặt nền móng pháp lý vững chắc đầu tiên xây dựng nước Việt Nam độc lập. Tác phẩm được đưa vào sách Ngữ văn 12 (tập 1) và lâu nay được xem là một trong những nội dung quan trọng trong phần kiểm tra, đánh giá.
Quảng trường Ba Đình hôm nay. (Ảnh nguồn internet) |
Hiện nay, Bộ đang khuyến khích dạy theo phương pháp tích hợp-một trong những nội dung đổi mới toàn diện giáo dục. Đây là tác phẩm có giá trị nhiều mặt và ý nghĩa to lớn của bản tuyên ngôn; thể hiện được vẻ đẹp của tư tưởng và tâm hồn tác giả, khơi dậy cho người đọc lòng yêu nước-căm thù giặc, ý thức giữ gìn quyền độc lập-tự do của dân tộc; thấy được trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mục đích của tác phẩm “Tuyên ngôn Độc lập” là nhằm khẳng định quyền độc lập-tự do của dân tộc ta; bác bỏ luận điệu sai trái của thực dân Pháp trước dư luận quốc tế; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Đối tượng mà Bác Hồ muốn hướng đến không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, kẻ thù xâm lược. Tác phẩm cũng đạt được những giá trị to lớn, như giá trị lịch sử: mở ra một kỷ nguyên mới-độc lập, tự do cho dân tộc; xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến; xác định quyền tự chủ và vị thế của dân tộc Việt Nam và quyền bình đẳng của dân tộc trên thế giới; bên cạnh, tác phẩm còn có giá trị văn học: đây là áng văn chính luận mẫu mực, lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực.
Ở nội dung cốt lõi của phần 1: Nếu như hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ chỉ tập trung vào quyền con người, quyền của người dân thì “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến quyền tự do, độc lập dân tộc. Đây mới là điểm then chốt đối với vận mệnh của nước ta. Vì quyền độc lập, tự do của dân tộc như một lẽ phải trong quan hệ quốc tế, đặc biệt đối với một dân tộc thuộc địa, chưa được các nước lớn thừa nhận. Việc viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ vừa có tác dụng thể hiện sự tôn trọng thành quả văn hóa nhân loại, vừa có tác dụng chiến đấu, khiến các cường quốc không dễ nuốt lời, chối bỏ quyền độc lập chính đáng của Việt Nam.
Đến phần 2, tác giả chuyển sang tố cáo tội ác của thực dân Pháp, bất chấp lẽ phải, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta trong hơn 80 năm. Tác giả vạch ra 5 tội ác về chính trị, 4 tội ác về kinh tế của chúng.
Phần còn lại là tuyên bố độc lập, thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp. Toàn dân Việt Nam kiên quyết chống lại âm mưu của thực dân Pháp. Tiếp theo là ràng buộc các nước đồng minh vào việc công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Lý do thứ nhất là: Họ đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng thì không thể không công nhận quyền độc lập của Việt Nam. Lý do thứ hai là một dân tộc đã chống ách thực dân và đã đứng về phe đồng minh chống phát xít thì nhất định: “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc phải được độc lập!”. Cuối cùng, “Tuyên ngôn Độc lập” đã dùng lẽ phải và sự thật thực tế để khẳng định nền độc lập của Việt Nam. Người còn cảnh báo đối với kẻ thù: Để bảo vệ thành quả đó thì dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ, giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Lời kết như sấm truyền, cảnh báo cho kẻ thù từ ngàn xưa về tinh thần bất khả xâm phạm của dân tộc: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”.
Gần 70 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Tuyên ngôn Độc lập” đã trở thành sức mạnh to lớn, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện lời thề với Người trong ngày lễ độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập đã và đang khơi nguồn sáng tạo soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Là công dân của nước Việt, mỗi người trước hết phải có lòng yêu nước. Đó là tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước; yêu thương đối với đồng bào, giống nòi; lòng tự hào dân tộc chính đáng; cần cù, sáng tạo trong lao động; có tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc; đoàn kết, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm. Truyền thống yêu nước là truyền thống dân tộc cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn của các giá trị truyền thống khác.
Nhật Minh