Đất nhiễm đâu dễ hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống chiến trường miền Nam Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi, dấu tích chiến tranh đã được san bằng bởi mầm xanh của sự sống. Tuy vậy, nỗi đau vì nhiễm chất da cam/dioxin vẫn còn đè nặng dai dẳng những khu dân cư với biết bao cuộc đời...
Trở về vùng đất nhiễm
Đầu tháng 8, cái nóng của mùa hè đã dịu xuống bởi những đợt mưa dông đầu mùa. Đồi núi Ba Tơ Quảng Ngãi (một trong những địa danh bị rải chất độc da cam) đã khoát màu xanh thẳm trở lại. Trên các cung đường liên xã từng đoàn xe tải chở gỗ keo nguyên liệu đổ về tuyến quốc lộ 24 xuôi về đồng bằng tiêu thụ.
Những cánh rừng bị rải chất độc hóa học ở Ba Tơ đã phủ màu xanh của keo và các loại cây nguyên liệu. Ảnh: Trường An
Những cánh rừng bị rải chất độc hóa học ở Ba Tơ đã phủ màu xanh của keo và các loại cây nguyên liệu. Ảnh: Trường An
Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: Đồi núi, ruộng đồng Ba Tơ đã xanh thẳm trở lại sau 36 năm kể từ ngày đất nước thống nhất. Bà con nơi đây đã khai hoang ruộng đất trồng lúa nước, hoa màu, nền nông nghiệp phát triển trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Gần 10 năm trở lại đây, bà con huyện Ba Tơ, nhờ trồng cây nguyên liệu keo đã phát triển kinh tế khá lên rõ rệt. Năm 2010, toàn huyện khai thác được 348.162m3 gỗ nguyên liệu, doanh thu khoảng 120 tỷ đồng.
Bây giờ là vậy, nhưng trong chiến tranh, giai đoạn 1962-1971, Ba Tơ nằm trong chiến dịch phun hóa chất khai quang của không quân Mỹ xuống miền Nam Việt Nam. Những vùng như Ba Vinh, Ba Điền, Ba Thành là nơi trú ngụ, làm việc của lực lượng quân cách mạng Ba Tơ. Nơi đây trở thành dấu chấm trong bản đồ của quân Mỹ rải hóa học để khai quang, phá hoại mùa màng và cây cối để hòng tiêu diệt quân cách mạng.
Ông Lâm Thanh Hồng- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Ba Tơ bức xúc, nói: "Không tưởng được đó là thứ hóa chất hủy diệt nguồn zen con người, cây cỏ đến vậy...". Từ năm 1962 đến năm 1974, ông Hồng đã trải qua các công việc giáo dục, tài chính, tuyên giáo, kế hoạch, làm bí thư huyện đoàn, cơ sở đóng ở Ba Vinh. Ban ngày băng rừng đến các xã công tác, khi chiều xuống, hay sáng sớm dậy là ông cùng với anh em xuống các cánh đồng quanh núi sản xuất... Chừng đó năm hoạt động, ông Hồng đã bị máy bay quân Mỹ rải hóa học tắm ướt đến 3 lần.
"Lần đầu tiên thấy máy bay từ xa phun loại hóa chất gì đó thành một luồng trắng phủ trên các khu rừng, cánh đồng. Chỉ sau một giờ đồng hồ là rẫy mì úa lá, dây lang quéo ngọn, ruộng lúa úa vàng, vài ngày sau, rừng cây rụng lá. Cá dưới suối nổi trắng. Anh em thấy vậy biết là thứ chất độc hóa học nên mỗi khi thấy máy bay từ xa phun ra một làn khói trắng là tránh nhưng vẫn không tránh khỏi. Bởi đôi lúc chúng rải bất thường, liên hoàn ngang dọc các dãy núi, nhất là từ núi Minh Long vắt qua Ba Điền. Anh em không tránh kịp, bị phun ướt hết... Mỗi khi ướt thì tắm giặt, cây mì, cây lương thực khô lá thì ăn củ. Thế nhưng, củ nhiễm hóa học cũng trong veo, hạt cơm bay mùi hóa chất nhưng vẫn phải ăn. Vì không ai nghĩ tác hại của nó khủng khiếp đến vậy"- Ông Hồng nhớ lại.
Trên địa bàn Ba Tơ không chỉ có các xã trên mà hầu hết 20 xã thị trấn Ba Tơ đều bị rải chất độc hóa học da cam. Những cánh rừng miền núi phía Tây Quảng Ngãi như Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long... cũng bị rải chất độc hóa học.
Ông Phan Thanh Long- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/diôxin Quảng Ngãi, cho biết: Đã có 170 lượt xã, 584 địa danh, thôn bản bị rải chất độc hóa học. Có nhiều vùng như: Mỹ Trang, ga Sa Huỳnh, (Đức Phổ), Vực Liêm (Ba Tơ), Trường Khánh (Nghĩa Hành), An Tráng (Tư Nghĩa), Thạch Nham, Gò Soi (Sơn Hà), Minh Khánh, Núi Đất (Sơn Tịnh), Bình Liên (Bình Sơn)... bị rải từ 15-20 lần.
Sau chiến tranh, người dân các làng quê nhiễm chất độc da cam/diôxin cũng bắt đầu làm nhà, đào giếng nước, rồi cải tạo vùng đất này để sản xuất. Theo năm tháng những cánh rừng bị rải chất độc hóa học lần lượt đã trồng các loại cây kinh tế phủ màu xanh khắp đồi. Nhưng chỉ có loại cây keo phát triển đều, nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, loại cây này, sau khi khai thác hàng loạt sẽ gây nên xói mòn mỗi khi mưa lũ về. Cùng với thời gian khôi phục nền kinh tế, nhiều gia đình đã sinh con. Nhưng họ không hiểu vì sao, nhiều người sinh con ra lại bị dị tật, quái thai đến thế hệ thứ 2, thứ 3. Người trực tiếp tham gia kháng chiến thì bị bệnh, đau nhức...?
Nỗi đau còn dai dẳng đến bao giờ?
Chiến dịch rải chất độc khai hoang xuống chiến trường miền Nam Việt Nam là nhằm vào các vùng có quân cách mạng. Sau hòa bình đa phần lực lượng này trở về đồng bằng sinh sống. Vì vậy, đối tượng bị nhiễm không chỉ dừng lại ở vùng bị rải chất độc mà lan tỏa ra khắp các vùng đồng bằng trong tỉnh. Nó đeo theo dòng nước, theo con người từ vùng chiến đấu trở về quê hương.
Chất độc dioxin đã nhiễm đến thế hệ thứ 3 (cháu nội bà Sự cười vô hồn khi thấy khách lạ). Ảnh: Trường An
Chất độc dioxin đã nhiễm đến thế hệ thứ 3 (cháu nội bà Sự cười vô hồn khi thấy khách lạ). Ảnh: Trường An
Ông Đào Đình Hùng- Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/diôxin Quảng Ngãi, cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 20.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trong đó nhiễm trực tiếp hơn 10.000 nạn nhân, nhiễm gián tiếp hơn 9.300 người là dân thường và trẻ em, trong đó trẻ dưới 16 tuổi là gần 2.000 em bị các bệnh câm điếc, thần kinh, liệt cả người hoặc nữa người, đầu to, bệnh tim hoặc khuyết tật nặng...
Ông Phùng Tửu Bôi- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng cho biết: Tại các vùng chưa tẩy độc có độ tồn lưu dioxin trên ngưỡng 250ppt thì không nên trồng các loại cây nông nghiệp vì cây có thể mọc, kết trái, ra củ nhưng có tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm độc khi sử dụng. Diôxin thường tích tục ở bề mặt của đất từ (từ 0- 40cm). Ở vùng trũng và ao hồ, diôxin tích tụ ở tầng đáy và bám vào những rễ, mặt dưới lá cây thủy sản.
Ở Quảng Ngãi tuy không phải là nơi tập kết hóa chất như các khu vực sân bay Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), sân bay Biên Hòa (gần TPHCM) và sân bây Phù Cát (Bình Định) nhưng có nhiều nơi đã bị phun từ 15-20 lần. Vì vậy, ngành chức năng nên khoanh vùng hướng dẫn cho bà con cách nuôi trồng, ăn, uống sinh hoạt trên vùng đất nhiễm.
Bà Bùi Thị Sự- tổ dân phố 4 thị trấn Ba Tơ nói trong nỗi đau: Mình không phải ở trong vùng bị nhiễm Ba Tơ, chỉ tham gia cách mạng ở phía Bắc. Năm 1970 vào Quảng Trị làm văn công và cứu chữa vết thương cho anh em bộ đội. Vậy mà khi có chồng về Ba Tơ sinh sống, mang bầu 4 người con thì đứa đầu sẩy thai, đứa thứ 3 bị vết chàm trên mặt, đứa thứ 2 và thứ út lành lặn. Thằng thứ 2 tuy lành lặn nhưng giờ sinh con thì đứa đầu cũng bị sẩy thai, đứa thứ hai dị tật bẩm sinh, đứa thứ ba thì mới mổ tim về. Chúng thuộc thế hệ thứ 3 rồi mà...
Ông Phạm Văn Néo- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ lo lắng: Chất độc da cam ảnh hưởng đến con người không sao lường hết. Nó cứ ẩm ỉ trong mỗi con người bị nhiễm, trong đất đai môi trường. Chính quyền huyện Ba Tơ, ngành chức năng vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao 49 ca ở thôn Gò Nghềnh, Huy Lam xã Ba Điền bị dịch bệnh ghẻ lở vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, trong đó đã có 1 ca tử vong, 4 ca đưa đi Hà Nội để xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Nguyên nhân bệnh được chẩn đoán ban đầu là do nhiễm độc tố nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa biết là loại độc tố gì. Trong chiến tranh vùng này đã bị máy bay Mỹ rải hóa học phủ khắp các cánh rừng...
Đến các vùng bị nhiễm chất độc da cam, thăm các gia đình nạn nhân nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961–10-8-2011) trở về trời đã ngớt những cơn mưa. Lòng tôi rối bời với nhiều suy nghĩ... Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về di chứng da cam vẫn còn đè nặng ở mỗi góc nhà, mỗi khu dân cư. Có cách nào để loại bỏ chất độc da cam đang trôi chảy theo thời gian... Liệu còn bao nhiêu gia đình, bao nhiêu thế hệ phải chịu di họa của chất độc da cam mà người dân quê tôi phải hứng chịu? 
Trường An



Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.