(GLO)- Làm thế nào để khai thác hết tiềm năng và lợi thế giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên một diện tích đất là một trong những mối quan tâm trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường với một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày 20-1.
Cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, từ trồng trọt đến chăn nuôi đại gia súc. Dù vậy, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Ngay khi đến Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tới Trạm Truyền giống gia súc Biển Hồ (Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh) để tìm hiểu về hoạt động sản xuất và duy trì đàn gia súc giống cung cấp cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ông Cao Nguyên Khanh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, cho biết: Trong năm 2017, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và duy trì đàn gia súc gặp rất nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh. Vượt qua những khó khăn này, Trung tâm vẫn duy trì, nuôi dưỡng đàn giống vật nuôi phát triển tốt, đảm bảo cung cấp các giống heo, bò chất lượng cao phục vụ người chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) và lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Hương Đất An Phú. Ảnh: N.D |
Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú (TP. Pleiku)-doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao về sản xuất nông nghiệp. Tại đây, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Công ty, đặc biệt là việc mạnh dạn đầu tư ứng dụng các công nghệ cao như: xây dựng nhà kính, hệ thống gieo trồng, chăm sóc tự động và bán tự động vào sản xuất các loại rau ăn lá, rau gia vị…
Ngoài ra, Công ty còn nghiên cứu lai tạo và ươm các loại giống phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty, cho hay: “Công ty bắt đầu sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP từ năm 2013, đến năm 2015 đã cung cấp cho thị trường 250 tấn rau các loại với tổng doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2016, Công ty đã cung cấp cho thị trường 400 tấn rau, doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Trong đó, doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 2,5 tỷ đồng, chiếm trên 90%”. Cũng theo ông Hoàng, trong những năm tới, Công ty tiếp tục mở rộng nhà kính, đầu tư công nghệ thông minh sản xuất rau thủy canh hồi lưu, hoa cắt cành và hoa cao cấp... Đặc biệt, Công ty không chỉ sản xuất trên 5 ha như hiện nay mà sẽ mở rộng thêm 10-15 ha nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Còn tại Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh (Tập đoàn Trường Sinh), Bộ trưởng đánh giá cao hoạt động đầu tư nghiên cứu sản xuất các sản phẩm theo hướng công nghệ cao như: thuốc thủy sản, sản phẩm rượu, phân bón hữu cơ đa vi lượng, hình thành vùng nguyên liệu thảo dược… Công ty đang đầu tư 5 nhà máy tại Khu Công nghiệp Trà Đa để mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi hệ thống. Đặc biệt, Tập đoàn Trường Sinh đã thành lập Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao dành cho những bạn trẻ ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đam mê nông nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững...
Sáng 20-1, đồng chí Nguyễn Xuân Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại một số đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng đi với đoàn, về phía tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành. |
Dành thời gian tìm hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển và làm giàu từ nông nghiệp như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu... Các doanh nghiệp của tỉnh đang đi đúng hướng, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, làm cái gì cũng phải bền vững theo quy mô, giai đoạn. Trong sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp cần liên kết với các hợp tác xã và nông dân để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp có nhiều thuận lợi vì nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, doanh nghiệp phải gắn quyền lợi của mình với nông dân và địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cần có chính sách động viên, khuyến khích để các doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp nông nghiệp thành công.
Nguyễn Diệp