Sau thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích cấp Quốc gia đặc biệt thứ 2 của thành phố Đà Nẵng đang được nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Di tích này có vẻ đẹp độc đáo của một vùng sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh. Đến vãn cảnh chùa ở Ngũ Hành Sơn trong tiếng gió reo, tiếng mõ chiều vang vọng giữa thinh không, mùi hương trầm thoảng đưa trong gió, ánh sáng huyền ảo tràn vào khe đá khiến lòng người phiêu diêu như lạc vào cõi Phật. Từ khi đưa vào khai thác du lịch, danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách.
“Tôi thật sự ấn tượng với cảnh vật nơi đây, có nhiều hang động rất kỳ thú và đặc biệt. Khung cảnh quá tuyệt vời! Tôi cảm thấy rất thích và muốn tìm hiểu, khám phá lịch sử văn hóa ở đây, vì vậy, chắc chắn tôi sẽ còn quay lại đây” - bà Ali Collier, du khách nước Anh chia sẻ.
Chùa Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là điểm hành hương của phật tử và du khách. |
Không chỉ đẹp về cảnh quan, danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có giá trị to lớn về lịch sử. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, di tích Ngũ Hành Sơn với lợi thế về vị trí chiến lược và địa hình núi non, hang động đã một thời là địa chỉ đỏ của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 2018, danh thắng này đón gần 2 triệu lượt khách. Với việc đón nhận bằng di tích cấp Quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn tiếp tục là điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
“Việc trùng tu, tôn tạo, công tác quảng bá với các tour du lịch lữ hành được phối hợp một cách chặt chẽ. Thông tin cũng được lan tỏa, chính vì thế du khách đến tương đối đông. Chắc chắn trong năm 2019, với danh hiệu là cấp Quốc gia đặc biệt và được nâng tầm lên và du khách chắc chắn sẽ đến đông hơn” - ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết.
Năm 1980, khi được công nhận là di tích danh thắng cấp Quốc gia, Ngũ Hành Sơn đã bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài những tác động của thiên nhiên, di tích này luôn đối mặt với sự khai thác quá mức do sự phát triển ồ ạt của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp khắc phục như: cấm khai thác đá núi Non Nước, thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn, chú trọng giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa du lịch tại khu di tích.
Cảnh kỳ thú trong hang động tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, ngành văn hóa đang tích cực hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế dự án kế hoạch về quản lý, bảo tồn về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng.
“Quy hoạch tổng thể này nó kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di tích và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố hướng tới mục đích chung là phát triển bền vững. Sắp đến, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này theo đúng Luật Di sản thì tôi tin rằng danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ là một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với nhân dân cả nước cũng như du khách quốc tế” - ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Với những giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh ít nơi nào có được, Danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng chục triệu du khách đến tham quan, chiêm bái.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cần phải gắn bảo tồn với phát triển du lịch với khu danh thắng này: “Đà Nẵng là một thành phố không lớn về không gian diện tích nhưng có rất nhiều di tích lịch sử đặc biệt. Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt có thể nói có một ý nghĩa rất lớn. Nó sẽ mang lại hành lang pháp lý thuận lợi cho lãnh đạo địa phương và người dân phải bảo vệ tốt hơn nữa và phát huy tốt hơn nữa đặc biệt là cho du lịch”.
Phương Cúc/VOV-Miền Trung