Dân làng nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 Âm lịch) năm nay, cùng với cả nước, 44 dân tộc anh em trong tỉnh lại hướng về đất Tổ để nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với tấm lòng thành kính”-ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Như các dân tộc khác trên mảnh đất hình chữ S, nhiều năm nay, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bà con dân tộc Jrai ở xã Chư Gu (huyện Krông Pa) cũng tổ chức các hoạt động tưởng nhớ cội nguồn. Ông Ksor Nhối-Chủ tịch UBND xã Chư Gu-cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để cán bộ, công chức, người lao động được nghỉ ngơi sau một thời gian học tập, công tác và lao động miệt mài. Cán bộ về làng tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhằm thắt chặt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân tích cực học tập, lao động sản xuất, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Hiện nay, người dân trong xã đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều giảm còn 15,25%. So với nhiều địa phương khác, Chư Gu dẫn đầu về năng suất lúa nước, thuốc lá và mì cao sản. Thanh niên trong xã đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực vào làm công nhân cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập. Với trách nhiệm và nhiệt huyết, thế hệ trẻ ý thức rõ vai trò góp phần đưa Chư Gu phát triển nhanh và bền vững hơn nữa”-ông Nhối tự hào.

 Người dân tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Tây
Người dân tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Tây



Trò chuyện với chúng tôi, anh Ksor Rin-Bí thư Đoàn xã Chư Gu-trao đổi: Thông qua báo đài và mạng xã hội, người dân đều hiểu được ý nghĩa ngày Giỗ Tổ và trách nhiệm trước tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Nhiều người dù chưa có cơ hội hành hương về Đất Tổ, nhưng khi nhắc nhớ ngày Quốc Tổ đều xúc động, ngưỡng vọng sâu sắc. “Giỗ Tổ năm nay, dân làng dự kiến mổ heo làm mâm cơm tưởng nhớ Vua Hùng và ông bà tổ tiên”-anh Ksor Rin thông tin. Để tỏ lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều gia đình, dòng họ trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tổ chức đi tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, tổ chức bữa cơm Thanh minh nhằm gắn kết họ tộc, giáo dục con cháu noi gương tiên tổ.

Đối với ông Rơ Mah Hêng-Chủ tịch UBND xã Ia Kly (huyện Chư Prông), năm nào ông cũng đưa vợ con tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ông Hêng chia sẻ: “Vào dịp Giỗ Tổ, triệu người dân nước Việt đều tìm cách về miền Đất Tổ để viếng Vua Hùng. Mình không có thời gian và điều kiện thì tham quan Đền ở gần nhà, cũng là cách hướng về nguồn cội dân tộc”.

Xã Ia Ga (huyện Chư Prông) có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trước ngày Giỗ Tổ, nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng trước cổng nhà. Đúng ngày 10 tháng 3 Âm lịch, nhiều nhà làm mâm cơm tưởng niệm, quây quần bên nhau thắt chặt tình đoàn kết trong gia đình, làng xóm và giữa các khu dân cư với nhau. Cựu chiến binh Rơ Mah Bông (làng Tu 2) tự hào: “Dịp này, tôi vẫn thường nhắc nhở các con tập trung lại làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, nhớ về cội nguồn, giáo dục con trẻ phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ, ra sức học tập, lao động, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước”.

Ông Rơ Mah Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Ia Ga-cho hay: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động tưởng nhớ Vua Hùng chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình. Người dân không chỉ tri ân Quốc Tổ mà còn là dịp tưởng vọng những người đã khuất, các bậc tổ tiên.

Là thế hệ đi sau, Chủ tịch UBND xã Ia Ga Rơ Mah Nghĩa tự hào: Xã Ia Ga có Di tích Chiến thắng Plei Me. Trận đánh ở thung lũng Ia Drăng năm 1965 được đánh giá là chiến thắng vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau 1 tháng chiến đấu với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân du kích, bộ đội chủ lực ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên Mỹ, 1.270 tên ngụy; tiêu diệt Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 (Sư đoàn kỵ binh Không vận số 1); bắn rơi 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự và nhiều pháo, súng các loại… Ghi nhận giá trị lịch sử to lớn ấy, năm 2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia cho địa điểm Chiến thắng Plei Me.

Là cựu binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Plei Me, già Rơ Mah Bông mỗi khi nhắc đến trận đánh là bồi hồi xúc động: “Bộ đội ta tiến công ngày đêm, thành công hơn cả mong đợi. Chiến thắng Plei Me tạo đà cho các chiến dịch tiếp theo để đi đến đại thắng mùa xuân năm 1975. Vì thế, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, già còn tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì buôn làng, độc lập của nước nhà”.

“Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để những người lớn tuổi kể cho con cháu nghe về công đức dựng nước của các bậc tiền hiền. Giới trẻ được giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, được nghe những câu chuyện kể về các Vua Hùng cũng như lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu và tự hào về truyền thống, lịch sử của dân tộc để ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội và xứng đáng với lời dạy của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”-Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô nhìn nhận.

 

 HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.