Đậm đà sắc màu văn hóa Việt-Nhật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố núi những ngày này rộn ràng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh, trong đó có chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022. Diễn ra vào tối 22-5 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), chương trình đã thu hút đông đảo khán giả với niềm háo hức được tìm hiểu những nét đặc sắc của 2 nền văn hóa Việt-Nhật.
Để chuẩn bị cho sự kiện giao lưu văn hóa Gia Lai-Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh, khoảng không gian rộng lớn ở trung tâm Quảng trường Đại Đoàn Kết đã được biến thành sân khấu lộng lẫy, trang trọng. Lượng người đổ về khu vực này ngày càng đông đã cho thấy sức hấp dẫn của sự kiện.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho rằng: “Những năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng tương đồng về văn hóa, tình cảm hữu nghị, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa 2 dân tộc. Quan hệ cấp địa phương giữa tỉnh Gia Lai và Nhật Bản cũng có nhiều bước phát triển. Thông qua sự kết nối của Trung tâm Giao lưu Nhật Bản-Việt Nam, chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022 đã được tổ chức tại TP. Pleiku với mong muốn tạo cơ hội giao lưu văn hóa, đem đến sự hiểu biết, gắn kết giữa 2 dân tộc, làm thực chất và sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa tỉnh Gia Lai với các địa phương của Nhật Bản”.
Nhắc đến xứ sở “Mặt trời mọc”, không thể không nhắc đến hoa anh đào biểu trưng cho vẻ đẹp, sức mạnh của văn hóa và con người Nhật Bản. Nhằm đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Gia Lai-Nhật Bản, tại chương trình, ông Shimonishi Kiyoshi-Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng đã trao tặng cây hoa anh đào cho đại diện tỉnh Gia Lai. Đón nhận món quà quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng xúc động khi được tặng cây hoa anh đào Nhật Bản. Chúng tôi hiểu rằng, đây là biểu tượng của mùa xuân, sức sống và ý chí mạnh mẽ của đất nước “Mặt trời mọc”. Hy vọng rằng cây hoa anh đào sẽ nở hoa trên phố núi Gia Lai, góp phần tô thắm mối quan hệ hữu nghị, gắn kết giữa 2 dân tộc”. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành (bìa trái) đón nhận cây hoa anh đào từ Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Shimonishi Kiyoshi. Ảnh: Lam Nguyên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành (bìa trái) đón nhận cây hoa anh đào từ Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Shimonishi Kiyoshi. Ảnh: Lam Nguyên
Phần tiếp theo của chương trình cũng được đôi bên và đông đảo khán giả đón đợi, đó là những tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ của tỉnh Gia Lai và Nhật Bản biểu diễn. Phần diễn tấu cồng chiêng mở đầu chương trình của đoàn nghệ nhân Jrai (TP. Pleiku) với chủ đề “Mừng nước về làng” bày ra bữa tiệc của thanh âm đại ngàn, khiến phía bạn không khỏi ấn tượng. Những chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” mang vẻ đẹp khỏe khoắn, hoang mộc mê đắm trong giai điệu cồng chiêng, điệu xoang quyến rũ đã hoàn toàn chinh phục khán giả. Các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cũng mang đến phần biểu diễn đầy cuốn hút với các tiết mục hát, múa gồm: “H’ri adruh Tơ đăm”, “Khi mùa xuân về”, “Nương rẫy đang chờ anh”, “Ngày trở về”, “Dâng rượu”, “Rừng hát”. Đoàn nghệ nhân Bahnar (huyện Đak Đoa) chốt lại phần biểu diễn của tỉnh Gia Lai bằng tiết mục diễn tấu cồng chiêng “Nhớ những mùa gặt” rộn ràng, phấn khích. 
Các tiết mục của phía Nhật Bản đã khiến khán thính giả vô cùng hào hứng. Mở đầu là 2 ca khúc trẻ trung, sôi động của ca sĩ Inoue Keiichi-người được biết đến qua những bài hát Việt Nam cover bằng tiếng Nhật. Chàng ca sĩ này là người giành kỷ lục “người Nhật hoạt động về Việt Nam” đạt 300.000 lượt đăng ký đầu tiên trên YouTube. Phía nước bạn cũng không quên giới thiệu tinh thần võ sĩ đạo-nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Nhật Bản-thông qua tiết mục múa kiếm của nghệ sĩ Isamu. Từng đường kiếm thanh thoát, uyển chuyển mà mạnh mẽ làm khán giả mãn nhãn và không khỏi trầm trồ. Kết thúc chương trình là phần biểu diễn của ca sĩ Riku Matsubara-giọng opera hàng đầu Nhật Bản với các ca khúc thính phòng nổi tiếng: “O sole mio”, “You raise me up”, “Nessun dorma”, “Tsubasa wo kudasai”. Khán giả ở các hàng ghế bên dưới như lặng đi khi giọng hát điêu luyện của nam ca sĩ cất lên. Khi trình diễn ca khúc cuối “Time to say goodbye” (Đã đến lúc nói lời chia tay), Riku Matsubara xúc động bày tỏ niềm mong đợi vào một ngày gặp lại con người và mảnh đất nơi này. 
Các nghệ sĩ Gia Lai-Nhật Bản cùng giao lưu tại chương trình. Ảnh: Lam Nguyên
Các nghệ sĩ Gia Lai-Nhật Bản cùng giao lưu tại chương trình. Ảnh: Lam Nguyên
Đúng như kỳ vọng, chương trình là cơ hội hiếm có giúp đôi bên thêm hiểu biết về những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo. Trò chuyện với P.V, ca sĩ Inoue Keiichi bày tỏ: “Cảm ơn lãnh đạo và người dân tỉnh Gia Lai đã tạo cơ hội cho tôi được đến đây biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh. Tôi cảm thấy rất vinh dự và xúc động. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn ngắm trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai và xem biểu diễn cồng chiêng. Quả thật là rất thú vị!”. Trong khi đó, bạn trẻ Rcom H’Kiều-thành viên đội nghệ nhân Jrai-chia sẻ: “Đến với chương trình, em được biểu diễn và giới thiệu văn hóa của dân tộc mình, đồng thời được xem các tiết mục rất hay của nước bạn. Đây đúng là một cơ hội giao lưu, gặp gỡ rất tuyệt vời và hiếm có”.
Từ hàng ghế khán giả, em Huỳnh Thị Hoài Thu-học sinh lớp 12C7 Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) vốn rất thích tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, kiếm đạo Nhật Bản-hào hứng: “Em thích nhất phần biểu diễn ấn tượng, cuốn hút của ca sĩ opera Riku Matsubara. Em mong rằng tới đây tại Gia Lai sẽ có thêm nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa tỉnh ta với Nhật Bản cũng như với các nước khác để có dịp tìm hiểu làm giàu vốn kiến thức và niềm yêu thích của mình”.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện.